VN-Index lấy lại sắc xanh sau cú rơi sâu
Trở lại sau kỳ nghỉ lễ, diễn biến dịch Covid-19 trên nhiều tỉnh thành đã tác động tiêu cực đến tâm lý nhà đầu tư. Cả ba sàn chứng khoán đồng loạt rơi sâu ở đầu phiên giao dịch.
VN-Index có thời điểm rơi gần 27 điểm, tương đương mức giảm trên 2%. Số lượng cổ phiếu tăng hoặc đứng giá tham chiếu thậm chí có lúc vỏn vẹn chưa tới 50 mã chứng khoán. Tuy nhiên, sức bật của nhiều cổ phiếu đã kéo VN-Index kết phiên tăng 2,81 điểm lên 1.242,2 điểm.
VN-Index hồi phục sau cú rơi sâu đầu giờ sáng |
Cổ phiếu VIC của Vingroup giảm 2,3% trong đầu phiên giao dịch và cũng chỉ đi ngang trong suốt phiên sáng. Tuy nhiên, từ sau 2h chiều, giá cổ phiếu tăng mạnh khi các nhà đầu tư chấp nhận giao dịch tại mức giá cao hơn, nâng giá đóng cửa của VIC lên 133.600 đồng/cổ phiếu, tăng 2% so với phiên giao dịch trước. VIC cũng trở thành cổ phiếu đóng góp nhiều nhất vào mức tăng của VN-Index hôm nay.
Trước đó, TCB và CTG là những "đầu kéo" chính khi liên tục tăng giá trong phiên. Hai cổ phiếu này đóng cửa tăng lần lượt 5,9% và 5,4%. Nhóm cổ phiếu ngân hàng giao dịch phân hóa trong hôm nay. Trong khi VPB, BID, TPB… đều tăng giá, ở chiều ngược lại, ông lớn vốn hóa Vietcombank lại giảm 0,9%. Cổ phiếu của SHB và BacABank giảm lần lượt 2,9% và 2,3%. Đây cũng là các cổ phiếu “dìm” HNX-Index giảm sâu.
HNX-Index đóng cửa giảm hơn 4 điểm xuống còn 277,7 điểm. Chỉ số sàn UPCoM giảm 1,01% xuống gần 80 điểm. Cả hai chỉ số gần như chỉ đi ngang sau cú rơi đầu giờ sáng. Tuy nhiên, giao dịch lại khá dè dặt trong phiên giảm điểm, nhất là với HNX-Index (giảm 22% về giá trị giao dịch).
Trong khi đó, thanh khoản sàn chứng khoán TP HCM lại phục hồi mạnh. Giá trị giao dịch khớp lệnh nhích lên 18.764 tỷ đồng, tăng gần 700 tỷ đồng so với phiên trước đó. Cùng với giao dịch thỏa thuận gần 2.700 tỷ đồng, thanh khoản trên HoSE đạt 21.454 tỷ đồng. Trên cả ba sàn, thanh khoản cũng đạt 23.891 tỷ đồng, vượt ngưỡng 1 tỷ USD.
HPG xác lập đỉnh giá mới, khối ngoại đua chốt lời
Các nhà đầu tư nước ngoài đã đẩy mạnh mua vào khi VN-Index rơi sâu buổi sáng. Tuy vậy, đến chiều, trạng thái lại đảo ngược với giá trị bán ròng 637 tỷ đồng trên HoSE. Sàn HNX bị bán ròng 19 tỷ đồng, trong khi khối ngoại mua ròng 7,3 tỷ đồng trên sàn UPCoM.
Cổ phiếu HPG bị khối ngoại bán ra mạnh nhất trong hôm nay. Các nhà đầu tư nước ngoài đã chi 121 tỷ đồng để mua thêm cổ phiếu của Hòa Phát nhưng cũng đã có nhà đầu tư ngoại chốt lời thu về tới 478 tỷ đồng.
Lần đầu tiên trong lịch sử giao dịch, giá cổ phiếu HPG đã vượt mốc 60.000 đồng/cổ phiếu. Dù điều chỉnh nhẹ, cổ phiếu vẫn đóng cửa ở mức 59.800 đồng, tăng 2,9%.
Kết quả kinh doanh chính thức của Hòa Phát mới đây đã được công bố với lợi nhuận sau thuế 7.006 tỷ đồng, gấp 3 lần cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chính đến từ sự tăng giá của sản phẩm thép. Sản lượng tiêu thụ thép thô tăng 60% so với quý I/2020, trong khi Hòa Phát có được giá vốn và giá bán tốt.
Với sự sôi động hai chiều bán – mua, giá trị giao dịch của cổ phiếu này đạt 1.923 tỷ đồng, cao nhất về thanh khoản trong phiên. 5 cổ phiếu ngân hàng cũng có giá trị giao dịch trên 1.000 tỷ đồng gồm VPB, TCB, STB, CTG, MBB. Cả 5 cổ phiếu đều tăng giá.
Trong khi cổ phiếu của VPBank và VietinBank bị khối ngoại bán ròng nhằm chốt lời, STB và MBB lại nằm trong top 10 cổ phiếu được nhà đầu tư nước ngoài mạnh tay giải ngân trong phiên hôm nay. Trong đó, cổ phiếu STB được khối ngoại mua nhiều nhất trong các cổ phiếu trên ba sàn (92,42 tỷ đồng).