Ảnh: QH |
Ngày 13/5, Morgan Stanley Capital Investment (MSCI) sẽ công bố kết quả “Phân hạng thị trường thường niên năm 2019”. Theo sau đó, các thay đổi sẽ chính thức có hiệu lực kể từ ngày 29/5.
Dựa trên kết quả phân tích chuyên sâu của VNDirect, báo cáo “Phân hạng thị trường MSCI năm 2019”, Việt Nam nhiều khả năng chưa được đưa vào danh sách “rút gọn xem xét nâng hạng lên thị trường mới nổi” trong kỳ đánh giá tới. Song, nhiều tác động tích cực vẫn đang chờ Việt Nam, khi mà Argentina chính thức được nâng hạng.
Theo chuyên gia dự đoán, nếu thị trường Nam Mỹ được nâng hạng, tỷ trọng của Việt Nam trong các thị trường MSCI Frontier Markets Index và MCSI Frontier Markets 100 Index có thể tăng thêm 3%. Cổ phiếu vốn hóa lớn theo đó sẽ rộng cửa đón nhận thêm dòng vốn 1.500 tỷ đồng từ khối ngoại.
Bước đệm Argentina
Theo ước tính, tổng tài sản quản lý của các quỹ mô phỏng theo chỉ số MSCI hiện có 3.765 triệu USD. Một số tên nổi bật có thể kể đến Schroder International Selection, Templeton Frontier Markets Fund, iShares MSCI Frontier... Tính đến cuối tháng 3, các quỹ trên đã phân bổ khoảng 493 triệu USD vào thị trường chứng khoán Việt Nam, 671 triệu USD vào cổ phiếu Kuwait và 501 triệu USD vào cổ phiếu Argentina.
Nếu Argentina được chuyển sang nhóm thị trường mới nổi thì gần như toàn bộ số tiền 501 triệu USD sẽ được các quỹ này phân bổ sang các thị trường cận biên còn lại và Việt Nam sẽ là một trong những thị trường được hưởng lợi lớn nhất do đang chiếm tỷ trọng lớn trong MSCI Frontier Markets Index và MSCI Frontier Markets 100 Index. Cụ thể hơn, đơn vị chứng khoán ước lượng sẽ có khoảng 66 triệu USD được các quỹ trên phân bổ vào thị trường chứng khoán Việt Nam.
Như công bố được MSCI đưa ra hồi tháng 6 năm ngoái, tỷ trọng của Việt Nam trong MSCI Frontier Markets Index và MSCI Frontier Markets 100 Index có thể được tăng thêm 3% từ mức khoảng 16-17% hiện nay.
“Các cổ phiếu vốn hóa lớn là đối tượng hưởng lợi nhiều nhất”, báo cáo VNDirect nhận xét. Các mã cổ phiếu dự kiến được các quỹ đầu tư cận biên để mắt có thể kể đến như VNM, VIC, VHM, VCB, SAB, MSN, HPG và GAS. Việc dòng vốn ngoại tiếp tục đổ vào thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ là lực đỡ quan trọng cho thị trường trong bối cảnh thiếu vắng các thông tin hỗ trợ đủ mạnh trong nửa sau quý II/2019. “2019 sẽ không phải là một năm dễ dàng cho chứng khoán toàn cầu. Trong bối cảnh đó, rất khó để Việt Nam đi ngược xu hướng”, báo cáo chiến lược 2019 của VDSC nhận định.
Ngoài ra, con số 66 triệu USD ở trên mới chỉ tính đến các quỹ mô phỏng theo MSCI Frontier Markets Index và MSCI Frontier Markets 100 Index mà chưa tính đến các quỹ chủ động, quỹ mô phỏng theo các Benchmark khác như là MSCI Frontier Emerging Index hoặc S&P/BNP Mellon New Frontier Index và do đó lượng tiền phân bổ sang thị trường chứng khoán Việt Nam từ các quỹ đầu tư vào thị trường cận biên có thể lớn hơn nữa. Phân tách tỷ trọng các nước trong MSCI, trích xuất ngày 11.4, xếp hạng lần lượt: Kuwait (25%), Việt Nam (17%), Argentina (15%), Kenya (7%), Morocco (7%), Nigeria (6%), Bangladesh (6%)... Theo đó, giá trị cổ phiếu Việt Nam hiện được nắm nhiều nhất bởi Schroder Fund (113 triệu USD) và Magna Fund (127 triệu USD).
Big Cap có hấp dẫn?
VNM là cổ phiếu Việt Nam chiếm tỷ trọng lớn nhất trong danh mục iShares MSCI Frontier 100 ETF với 3,56%. Các cổ phiếu Việt Nam tiếp theo trong danh mục còn có VIC (3,55%), VHM (2,29%), MSN (1,47%), HPG (1,25%), VRE (1,23%)...
Theo báo cáo phân tích về Vinamilk của ACBS, chiến lược phát triển đến năm 2021, Vinamilk đặt mục tiêu duy trì vị trí dẫn đầu ngành sữa Việt Nam. Giá mục tiêu của VNM đưa ra bởi ACBS là 120.460 đồng/cổ phiếu.
Về ngành tiêu dùng, MSN được PHS đưa ra khuyến nghị giữ với giá mục tiêu 96.375 đồng/cổ phiếu, báo cáo ngày 18.4. Công ty Chứng khoán Bảo Việt cũng đưa ra khuyến nghị tích cực về MSN, với giá mục tiêu là 100.000 đồng tại báo cáo tháng 3.2019.
Với các ngành khác, khuyến nghị và giá mục tiêu lần lượt như sau: VHM (ACBS: giữ, giá mục tiêu 92.374 đồng/cổ phiếu, ngày 20.2); HPG (Viet Capital Securities: mua, giá mục tiêu 44.600 đồng/cổ phiếu, ngày 8.4); GAS (Chứng khoán PHS: bán, giá mục tiêu 90.500 đồng/cổ phiếu, ngày 9.4; Chứng khoán KIS: dự kiến vượt kế hoạch kinh doanh); SAB (Viet Capital Securities: lợi nhuận 2018 bị ảnh hưởng, thuế tiêu thụ đặc biệt tăng, giá nguyên liệu tăng, báo cáo ngày 1.2). Về mảng ngân hàng, cổ phiếu VCB hiện giao dịch quanh mốc 67.500 đồng/cổ phiếu, từ mốc ước lượng 55.000 đồng/cổ phiếu ngày 22.1.