VN-Index đã kết thúc quý II/2024 ở mức 1.245,32 điểm, ngay trong vùng giá cao nhất năm 2023, chỉ số giảm 3,02% so với quý I/2024. Kết thúc 6 tháng đầu năm VN-Index tăng 10,21% so với cuối năm 2023, mức tăng giá tốt.
Trước khi vào phiên giao dịch mới, thị trường đón nhận một số thông tin vĩ mô như Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng - Purchasing Managers' Index (PMI) ngành sản xuất Việt Nam của S&P Global đã tăng mạnh lên 54.7 điểm trong tháng 6, so với mức 50.3 điểm của tháng 5. Kết quả chỉ số không chỉ cho thấy sức khỏe ngành sản xuất cải thiện tháng thứ ba liên tiếp, mà còn cho thấy các điều kiện kinh doanh đã mạnh lên đáng kể.
Bước vào phiên giao dịch ngày 1/7, thị trường có khoảng thời gian đầu hồi phục khi một số cổ phiếu lớn được đẩy lên trên mốc tham chiếu. Tuy nhiên, mỗi khi thị trường hồi phục, áp lực bán đặc biệt là từ khối ngoại lại xuất hiện và khiến các chỉ số lùi lại.
Đa số thời gian của phiên, các chỉ số biến động ở dưới mốc tham chiếu, trong khi đó, VN-Index bất ngờ hồi phục trở lại ở nửa sau của phiên chiều và đóng cửa trong sắc xanh, thậm chí đây còn là mức điểm cao nhất ngày.
Nhóm cổ phiếu làm động lực cho thị trường hồi phục ở phiên hôm nay là bán lẻ, dệt may và chứng khoán… Dù vậy, sự phân hóa cũng vẫn diễn ra mạnh ngay cả ở những dòng cổ phiếu nói trên. Tại nhóm bán lẻ, MWG là tâm điểm khi tăng 5,45% và khởi đầu cho sự hồi phục của nhóm này. PET cũng tăng 3%. DGW và FRT tăng lần lượt 2,78% và 0,11%. Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 72/2024 ngày 30/6 quy định chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) theo Nghị quyết trước đó của Quốc hội. Theo đó, từ 1/7, hàng hóa, dịch vụ, sẽ được duy trì mức VAT ưu đãi 8% (tức giảm 2%) đến cuối năm nay. Bên cạnh đó, MWG đón nhận thông tin HĐQT MWG đã thông qua phương án mua lại cổ phiếu của công ty (cổ phiếu quỹ), ngân sách thực hiện tối đa 100 tỷ đồng, dựa trên nội dung đã được ĐHĐCĐ thường niên 2024 thông qua.
Tại nhóm chứng khoán, dòng tiền có phần tập trung vào các mã vừa và nhỏ như VDS, FTS, AGR… Trong đó, VDS tăng đến hơn 6%, FTS cũng tăng 3,8%. Dòng chứng khoán nói chung đã có dấu hiệu hồi phục ở phiên thứ 6 tuần trước, nhưng do thị trường chung vẫn còn tiêu cực nên sự hồi phục trong phiên đó diễn ra không mạnh.
Đối với nhóm dệt may, TNG là cổ phiếu dẫn dắt khi tăng đến gần 5,8%, bên cạnh đó, các cổ phiếu như TCM, VGT, ADS… cũng có sự hồi phục tốt ở phiên hôm nay.
Còn tại nhóm cổ phiếu lớn, VRE gây bất ngờ khi tăng trần lên 21.850 đồng/cp và đóng góp quan trọng trong việc giúp VN-Index hồi phục, VRE đóng góp 0,77 điểm cho VN-Index. Các mã ngân hàng như CTG, VCB, BID hay VPB cũng tăng giá và giúp giữ nhịp thị trường. CTG tăng đến 3,23% và đóng góp 1,31 điểm cho chỉ số chung. VCB tăng 1,06%...
Cổ phiếu HVN cũng có một phiên giao dịch tích cực khi đóng góp 0,7 điểm với mức tăng giá của cổ phiếu là 3,9%. Sáng 29/6, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV với 100% đại biểu có mặt tham gia biểu quyết tán thành. Tại Nghị quyết, Quốc hội cho phép Ngân hàng Nhà nước được tự động gia hạn thêm 3 lần tại thời điểm đến hạn trả nợ đối với dư nợ tái cấp vốn còn lại của các tổ chức tín dụng đang cho Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) vay bổ sung vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh theo quy định tại Nghị quyết 135 của Quốc hội.
Tuy nhiên sự phân hóa diễn ra là khá mạnh, trong nhóm ngân hàng, TCB, LPB hay EIB bị bán mạnh và ảnh hưởng lớn đến sự hồi phục của VN-Index. TCB giảm 3% và đóng cửa thấp nhất phiên với 22.650 đồng/cp. TCB vẫn bị khối ngoại bán ròng rất mạnh và là lấy đi nhiều điểm số nhất của VN-Index với 1,19. Bên cạnh đó, FPT cũng lấy đi 0,67 điểm khi giảm 1,46% và cũng chịu áp lực lớn từ khối ngoại.
Top các cổ phiếu tác động mạnh nhất đến VN-Index phiên 1/7. |
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 9,24 điểm (0,74%) lên 1.254,56 điểm. Toàn sàn có 276 mã tăng, 141 mã giảm và 62 mã đứng giá. HNX-Index tăng 0,97 điểm (0,41%) lên 238,56 điểm. Toàn sàn có 97 mã tăng, 76 mã giảm và 54 mã đứng giá. UPCoM-Index giảm 0,24 điểm (-0,25%) xuống 97,3 điểm.
Tổng khối lượng giao dịch trên sàn HoSE đạt 487 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị giao dịch đạt 13.114 tỷ đồng, trong đó, giao dịch thỏa thuận chiếm 1.222 tỷ đồng. Giá trị giao dịch trên HNX và UPCoM đạt lần lượt 983 tỷ đồng và 788 tỷ đồng.
MWG phiên hôm nay giao dịch đột biến với khối lượng giao dịch mạnh nhất thị trường với 21,8 triệu cổ phiếu. Tiếp sau đó, VPB và SHB khớp lệnh lần lượt 16,5 triệu cổ phiếu và 16 triệu cổ phiếu.
Khối ngoại tiếp tục bán ròng. |
Khối ngoại tiếp tục là bán ròng mạnh trên thị trường với giá trị bán ròng 791 tỷ đồng trên sàn HoSE, trong đó, dòng vốn này bán ròng mạnh nhất FPT với gần 250 tỷ đồng. Chứng chỉ quỹ ETF FUEVFVND cũng bị bán ròng 210 tỷ đồng. TCB và VHM bị bán ròng lần lượt 92 tỷ đồng và 74 tỷ đồng. Chiều ngược lại, VPB được mua ròng mạnh nhất với 74 tỷ đồng. HSG và CMG đứng sau với giá trị mua ròng lần lượt 21 tỷ đồng và 20 tỷ đồng.