Phát triển tài chính tiêu dùng cũng là cách để khơi thêm vốn cho nền kinh tế. |
Đây là điều đã được khẳng định từ lâu, thậm chí đã được chứng minh ở nhiều nền kinh tế, đặc biệt là ở các nền kinh tế phát triển. Song ở Việt Nam, dù tài chính - tiêu dùng đã và đang phát triển khá mạnh mẽ trong những năm gần đây và dù nhu cầu sử dụng các dịch vụ tài chính tiêu dùng là rất lớn, nhưng vẫn còn những ý kiến trái chiều liên quan đến phát triển dịch vụ tài chính, tiêu dùng.
Ở đây, cũng cần phải nhấn mạnh một điều rằng, trong giai đoạn đầu phát triển, không phải không có những hệ lụy liên quan đến tài chính, tiêu dùng ở Việt Nam, như lãi suất cao, quấy rối khách hàng… Tuy nhiên, trên thực tế, bản chất của tài chính tiêu dùng không xấu, mà vấn đề nằm ở chủ thể khai thác và vận hành dịch vụ khiến người tiêu dùng hiểu sai. Cũng không loại trừ trường hợp có tổ chức, cá nhân núp bóng công ty tài chính để cho vay với lãi suất chợ đen…
Nhưng đó là câu chuyện khác. Một khi tài chính - tiêu dùng được đẩy mạnh thì sẽ đẩy lùi được tín dụng phi chính thức, tín dụng đen - một hình thức cho vay để lại nhiều hệ lụy xấu cho thị trường tài chính Việt Nam, cũng như đời sống của người dân.
Hiện nay, quy mô thị trường tín dụng - tiêu dùng của Việt Nam lên tới 1 triệu tỷ đồng, nhưng mới chỉ phân nửa nhu cầu này được đáp ứng. Phần còn lại, do chưa tiếp cận được với tín dụng ngân hàng, nên người tiêu dùng, nhất là ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa phải tìm đến tín dụng đen với lãi suất cắt cổ. Hệ lụy lớn đến nỗi, toàn hệ thống ngân hàng đang phải bàn cách ra tay để đẩy lùi tín dụng đen. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam mới đây đã phải tổ chức riêng một hội nghị về vấn đề này, đồng thời thực hiện các cuộc khảo sát ở nhiều địa phương trong cả nước để có giải pháp nhằm giải quyết các vướng mắc, hạn chế liên quan đến tín dụng - tiêu dùng.
Nhưng mục đích chính khi phát triển tài chính tiêu dùng không chỉ để dập tắt tín dụng đen, mà quan trọng hơn là góp phần quan trọng khơi thêm vốn cho nền kinh tế.
Một con số cần phải nhắc tới, đó là tiêu dùng cá nhân hiện chiếm 66-67% GDP và có vai trò rất quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế.
Không phải ngẫu nhiên, mà trong điều hành kinh tế, cả Chính phủ và các nhà kinh tế đều nhấn mạnh việc thúc đẩy thị trường nội địa. Đã có những giai đoạn, đặc biệt trong thời điểm 2008-2009, khi kinh tế suy giảm, thậm chí ở cả trong thời điểm này, khi đà tăng trưởng của nền kinh tế đang có chiều hướng tích cực, thì thị trường nội địa vẫn luôn được coi là điểm tựa của nền kinh tế. Các biện pháp kích cầu tiêu dùng cũng đã nhiều lần được sử dụng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Tất nhiên, có nhiều cách để kích cầu tiêu dùng, nhưng thúc đẩy tài chính - tiêu dùng là một biện pháp hữu hiệu. Một khi tài chính - tiêu dùng phát triển, người dân sẽ tiếp cận dễ dàng hơn với tín dụng để phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng, không chỉ là mua xe, mua điện thoại, mà còn là các nhu cầu cho y tế, giáo dục… Khi tài chính - tiêu dùng phát triển, người dân ở các vùng nông thôn cũng dễ dàng tiếp cận với nguồn vốn để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp…
Tiêu dùng tăng sẽ tạo động lực cho sản xuất - kinh doanh, doanh nghiệp sẽ dốc vốn nhiều hơn cho sản xuất, hàng hóa xoay vòng nhanh hơn, tạo điều kiện cho sự phát triển của hệ thống doanh nghiệp nội địa. Bản thân các tổ chức tín dụng, các công ty tài chính tiêu dùng cũng sẽ được hưởng lợi một khi tài chính - tiêu dùng phát triển. Cuối cùng, là cả nền kinh tế được hưởng lợi.
Ở các nền kinh tế phát triển, tăng trưởng kinh tế dựa khá nhiều vào tiêu dùng. Ở Việt Nam, cũng đã đến lúc, tiêu dùng phải trở thành động lực góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tất yếu, phát triển tài chính - tiêu dùng là cân chuyện cần được hệ thống ngân hàng cùng các cơ quan quản lý quan tâm hơn.