Cần nguồn vốn 30 tỷ USD
Trong thời gian qua, phát triển bền vững đã trở thành mục tiêu của hầu hết các quốc gia trên thế giới. Để phát triển bền vững, nhiều phương thức đã xuất hiện, trong đó có khái niệm tăng trưởng xanh.
Trung tâm chăm sóc khách hàng của EVNNPC luôn sẵn sàng giải đáp thắc mắc của khách hàng. |
Trên thế giới, nhiều nước công nghiệp phát triển đã đi đầu trong việc xây dựng nền kinh tế xanh, như Hoa Kỳ, Đức, Anh, Luxembourg, Nhật Bản, Hàn Quốc...
Theo định nghĩa của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), tăng trưởng xanh được hiểu là “thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong khi vẫn đảm bảo rằng tự nhiên vẫn có đủ năng lực cung cấp các nguồn lực sản xuất và vẫn duy trì môi trường sống”.
Với Việt Nam, sau hơn 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, dù đạt nhiều thành tựu, nhưng tăng trưởng còn chủ yếu dựa vào các yếu tố theo chiều rộng là chính, thiếu bền vững, chủ yếu vẫn khai thác, xuất khẩu tài nguyên thô. Trong bối cảnh đó, tăng trưởng xanh đang nổi lên như một phương thức tăng trưởng mới, bảo đảm được mục tiêu bảo vệ môi trường sống và phát triển bền vững.
Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), sau khi Việt Nam có Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh (năm 2012) và Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh (năm 2014), đã có 34 địa phương và 7 bộ, ngành phê duyệt Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh, 5 tỉnh, thành phố khác đang xây dựng.
Theo kế hoạch, đến năm 2020, Việt Nam sẽ giảm 8% cường độ phát thải khí nhà kính và tiếp tục giảm từ 1,5 - 2%/năm từ năm 2030.
Tuy nhiên, theo tính toán ban đầu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, để đạt được mục tiêu đề ra của chiến lược tăng trưởng xanh, Việt Nam phải cần tới 30 tỷ USD. Đây là thách thức không nhỏ khi nguồn lực ngân sách nhà nước hạn chế.
Do đó, thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh không thể chỉ dựa vào nguồn lực ngân sách hạn hẹp, mà phải huy động nguồn vốn của hệ thống ngân hàng, khu vực tư nhân…
Giải pháp từ nguồn lực tư nhân
Từ kinh nghiệm triển khai và đạt được những kết quả khả quan, trong những năm qua, Chính phủ Luxembourg đã thực hiện tài trợ cho Việt Nam thông qua Dự án VIE032 “Nâng cao năng lực trong lĩnh vực tài chính”, với các chương trình đào tạo nâng cao năng lực về chứng khoán phái sinh, quản trị công ty, các hoạt động tăng cường kết nối trong lĩnh vực tài chính chứng khoán…
Hợp tác phát triển giữa hai Chính phủ Việt Nam và Luxembourg thông qua Dự án VIE032 rất hiệu quả và thực chất. Dự án VIE032 đã triển khai được 2 năm, giúp nâng cao năng lực cho thị trường tài chính, mà cụ thể là thị trường chứng khoán Việt Nam.
Theo ông Marc De Bourcy, Đại biện lâm thời Đại sứ quán Luxembourg tại Việt Nam, tại Luxembourg, Chính phủ hợp tác chặt chẽ với khu vực tư nhân vào tất cả các chuỗi công việc giúp cho ngành tài chính trở nên bền vững hơn.
Nhờ đó, kể từ khi ra mắt năm 2016, Sàn giao dịch xanh của Luxembourg là nhà tiên phong toàn cầu và là “thủ đô” trái phiếu xanh của thế giới, với hơn 186 trái phiếu được niêm yết, chiếm khối lượng hơn 100 tỷ EUR, chiếm hơn một nửa số trái phiếu xanh của thế giới.
Ông Nguyễn Tuấn Anh cho biết, Việt Nam hiện đã hỗ trợ doanh nghiệp tham gia thực hiện tăng trưởng xanh thông qua việc xây dựng, sửa đổi khung pháp luật quy định về ưu đãi đầu tư, hỗ trợ sau đầu tư, ưu đãi tín dụng đầu tư nhà nước cho các dự án đầu tư thuộc lĩnh vực đầu tư xanh.
“Khung tài chính xanh đang được hình thành, một số chính sách thuế xanh, tín dụng xanh mới được ban hành, bước đầu tạo điều kiện, khuyến khích, thu hút nhà đầu tư tư nhân tham gia vào đổi mới công nghệ, năng lượng tái tạo, sản xuất sạch…”, ông Nguyễn Tuấn Anh đánh giá.
Theo ông Phạm Hồng Sơn, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, thị trường chứng khoán Việt Nam đang từng bước phát triển để trở thành một kênh huy động vốn quan trọng cho nền kinh tế. Để đáp ứng nhu cầu tham gia ngày càng cao của các nhà đầu tư nước ngoài, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã và đang triển khai các cơ chế, chính sách phát triển thị trường chứng khoán theo hướng bền vững, đảm bảo là kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng của nền kinh tế, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, sự an toàn của hệ thống tài chính, thị trường vốn.
Ông Vũ Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Ủy ban Chứng khoán Nhà nước) cho biết thêm, cơ quan này đã đưa nội dung về phát triển bền vững vào trong quy định về công bố thông tin của các công ty niêm yết. Đồng thời tiến hành đào tạo, nâng cao nhận thức về đầu tư có trách nhiệm với môi trường và xã hội cho các doanh nghiệp niêm yết, các công ty chứng khoán.
Kết quả của các giải pháp này có thể kể đến như Giải thưởng Báo cáo phát triển bền vững đã được đưa ra trong cuộc Bình chọn Báo cáo thường niên, với sự đổi mới trong năm 2018 là dựa trên chuẩn GRI mới nhất.
Để tăng cường thu hút dòng vốn cho tăng trưởng xanh, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, nhằm xây dựng một thị trường chứng khoán bền vững, ổn định, công khai, bảo vệ lợi ích nhà đầu tư, tôn trọng các quy luật thị trường, từ đó tiếp tục đẩy nhanh việc niêm yết các doanh nghiệp nhà nước có quy mô lớn.
Đồng thời, phát triển sản phẩm xanh, đa dạng hóa các sản phẩm trên thị trường chứng khoán nhằm đảm bảo nhà đầu tư nước ngoài có nhiều cơ hội đầu tư, nhiều sản phẩm phù hợp với nhu cầu và thời hạn đầu tư; xây dựng hướng dẫn để triển khai Tiêu chuẩn về trái phiếu xanh của ASEAN (AGBS) ở Việt Nam.
Ý KIẾN - NHẬN ĐỊNH:
"Nhấn mạnh vai trò của tư nhân trong việc xanh hóa nền kinh tế"
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường (Bộ Kế hoạch và Đầu tư)
Vai trò của tư nhân ngày càng được đánh giá cao trong việc xanh hóa nền kinh tế Việt Nam, bởi trên 40% GDP được đóng góp từ khu vực tư nhân. Việc Việt Nam tham gia SDGs 2030 đã tạo hành lang pháp lý cho các doanh nghiệp Việt Nam, mà cơ hội kinh doanh này theo đánh giá của các tổ chức quốc tế là 12.000 tỷ USD trên toàn thế giới.
Việt Nam đã có khung khổ pháp lý hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện tăng trưởng xanh, như Nghị định 15/2015/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức đối tác công - tư, trong đó bao gồm đầu tư xanh; Nghị định 30/2015/NĐ-CP về lựa chọn nhà đầu tư PPP...
Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Chỉ thị 03/CT-NHNN về thúc đẩy tăng trưởng xanh trong hoạt động tín dụng, quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động tín dụng. Một số ngân hàng thương mại cũng đã ban hành thí điểm danh mục dự án tín dụng đầu tư xanh.
"Kích hoạt sự hợp tác về tài chính xanh"
Ông Phạm Hồng Sơn, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước
COP 24 vừa diễn ra tại Katowice (Ba Lan), các nước tham dự đã đồng thuận về các hướng dẫn thực thi Thỏa thuận Biến đổi khí hậu Paris 2015. Thị trường tài chính các nước cũng không đứng ngoài các nỗ lực này.
Thị trường tài chính Việt Nam đã và đang nghiên cứu các chính sách, đưa ra các sáng kiến về tài chính hỗ trợ cho các nỗ lực huy động vốn thực hiện các chiến lược về chống biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh. Việc Việt Nam tham gia các thỏa thuận, các diễn đàn trao đổi và xây dựng các chính sách tài chính xanh là minh chứng cho các nỗ lực của ngành tài chính hướng tới phát triển một thị trường tài chính xanh cho các dự án đầu tư xanh và bền vững của Việt Nam.
Dự án VIE032 đã kích hoạt sự hợp tác về tài chính xanh giữa Việt Nam và Luxembourg. Tôi cho rằng, trong thời gian tới, hợp tác phát triển giữa hai nước trong lĩnh vực tài chính xanh sẽ được tăng cường. Đồng thời, nâng cao năng lực phát triển cũng sẽ là trọng tâm trong việc phát triển thị trường vốn xanh ở Việt Nam.
"Huy động vốn tư nhân vào tăng trưởng xanh"
Ông Marc De Bourcy, Đại biện lâm thời Đại sứ quán Luxembourg tại Việt Nam
Trong bối cảnh Việt Nam, nhu cầu tài trợ khoảng 30 tỷ USD vào năm 2020 chủ yếu trong lĩnh vực năng lượng với ngân sách nhà nước có thể tham gia 10 tỷ USD, Bộ Tài chính đã chủ động xây dựng khuôn khổ cho thị trường vốn xanh và các sản phẩm tài chính xanh, nhằm huy động vốn đầu tư tư nhân tham gia vào Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh của Việt Nam.
Trong bối cảnh này, tôi đánh giá cao tầm nhìn của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã đưa ra lộ trình đến năm 2030 cho sự phát triển của thị trường chứng khoán, hướng tới ngày càng nhiều thị trường vốn xanh và các sản phẩm tài chính bền vững.