Bắt đầu thu phí kênh ngân hàng điện tử
Không chỉ tiếp tục tăng phí phí rút tiền mặt tại máy ATM, thời gian gần đây, nhiều nhà băng đua nhau tăng mạnh phí dịch vụ Internet Banking, Mobile Banking. Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN) thừa nhận, hiện nay, phí rút tiền mặt bị NHNN khống chế trần, song phí với Internet Banking, các ngân hàng được tự quyết.
. |
Đầu năm nay, với sự tiên phong tăng phí của Vietcombank, nhiều ngân hàng đã nhập cuộc. Theo đó, nếu chỉ sử dụng các dịch vụ cơ bản, khách hàng của Vietcombank, Eximbank… phải đóng cho nhà băng 300.000 - 500.000 đồng tiền phí.
Đơn cử, tại Eximbank, ngoài việc phải duy trì số dư tối thiếu 50.000 đồng/tháng, khách hàng phải trả 30.000 đồng/tháng cho dịch vụ SMS Banking, Internet Banking và Mobile Banking. Cũng theo biểu phí mới, Eximbank có đến hàng chục loại phí.
Không chỉ khách hàng cá nhân, mà khách hàng doanh nghiệp của nhiều ngân hàng gần đây cũng hú hồn khi bất thình lình bị tăng phí. Giám đốc một doanh nghiệp cho hay, doanh nghiệp này luôn duy trì khoản tiền gửi không kỳ hạn hơn nửa tỷ đồng, song vẫn bị ngân hàng tận thu phí. Không hề được báo trước, ngay từ đầu tháng 5/2018, doanh nghiệp ông được ngân hàng báo đã tăng phí dịch vụ SMS từ 50.000 đồng lên 200.000 đồng/tháng, phí dịch vụ Internet Banking tăng từ 350.000 đồng/năm lên 1 triệu đồng/năm.
Trả lời câu hỏi của phóng viên, ông Đào Minh Tuấn cho hay, việc thu phí của ngân hàng thương mại là phù hợp quy định, đặc biệt hiện nay, đa số giao dịch đối với thẻ ATM nội địa là rút tiền.
“Nếu tính đầy đủ chi phí, mỗi giao dịch rút tiền, ngân hàng phải tính phí 7.000 - 10.000 đồng/giao dịch. NHNN cũng quy định, phí rút tiền nội mạng được phép thu tối đa 3.000 đồng/giao dịch, song thực tế, các ngân hàng hiện nay chỉ tính phí 1.000 đồng/giao dịch. Thời gian tới, phí ngân hàng sẽ tiếp tục tăng theo lộ trình”, ông Tuấn cho hay.
Tuy vậy, nguyên nhân phía ngân hàng đưa ra không được dư luận và cả giới chuyên gia ngân hàng đồng tình. Vị giám đốc trên cho rằng, doanh nghiệp làm lợi cho ngân hàng, song ngân hàng lại “làm tiền” khách hàng thái quá.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Mùi, chuyên gia ngân hàng lại tính toán, thực tế nếu tính đầy đủ, khách hàng đang phải thực trả 7.000 - 10.000 đồng/giao dịch, chứ không phải 3.000 đồng. Chính vì vậy, việc có bao nhiêu chi phí “đổ” hết vào người tiêu dùng là không hợp lý.
Ngân hàng thiếu công bằng
Về lý do ngân hàng tăng phí để bù đắp chi phí đầu tư, nhiều chuyên gia ngân hàng cho rằng, thực chất không phải khách hàng, mà ngân hàng mới là người hưởng lợi nhiều nhất. Nhờ đầu tư hệ thống ATM, các ngân hàng giảm được chi phí hoạt động do giảm giao dịch trực tiếp với khách hàng, hạn chế mở phòng giao dịch, giảm bớt nhân viên giao dịch với khách, giảm giấy tờ in và hàng loạt chi phí khác.
Như vậy, nguyên nhân thực chất của việc ào ạt tăng phí gần đây của các ngân hàng, theo LS. Bùi Quang Tín, là nhằm mục đích tăng thu từ dịch vụ.
“Thời gian qua, các ngân hàng đều hướng nguồn thu sang dịch vụ, chuyển thu nhập từ lãi sang từ phí, nên nhiều ngân hàng đã điều chỉnh tăng các loại phí liên quan đến thẻ, ATM, ngân hàng điện tử... Ngân hàng nên cung cấp gói sản phẩm, dịch vụ, giải pháp tài chính để từ đó thu phí”, TS. Bùi Quang Tín nhận xét.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, ngân hàng cần công bằng hơn với khách hàng của mình, có sự phân loại khách hàng và đưa ra các gói tiện ích để thu phí, thay vì đồng loạt tăng phí dù chất lượng không cải thiện như hiện nay.
Theo giới chuyên gia, trong xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt mới bắt đầu, việc ngân hàng nhanh tay thu phí (nhất là thu phí dịch vụ ngân hàng điện tử) sẽ gây ra tác dụng ngược, khiến nhiều người quay lại sử dụng tiền mặt.