Doanh nghiệp
Không chỉ cắt giảm, doanh nghiệp cần được chia sẻ chi phí
Khánh An - 12/03/2020 08:22
Trong tháng 3 này, các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp cụ thể sẽ phải có trên bàn Thủ tướng Chính phủ. Đây là hạn định mà Chỉ thị 11/2020/CT-TTg đặt ra với các bộ, ngành. Doanh nghiệp mong các giải pháp thực sự thiết thực, trên tinh thần chia sẻ từ Nhà nước.

Doanh nghiệp đang như lửa đốt dưới chân

“Doanh nghiệp như đang bị lửa đốt dưới chân, nhưng không biết đường chạy. Mỗi nhà mỗi cảnh, không thể nói chung chung doanh nghiệp cần gì. Lúc này, mọi sự hỗ trợ đều đáng quý”, ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch Tập đoàn U&I chia sẻ khi được hỏi về Chỉ thị số 11/2020/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, ứng phó với dịch Covid-19.

Chỉ mới tuần trước, Tiểu ban Du lịch - Nhà hàng - Khách sạn thuộc EuroCham đã kỳ vọng vào thị trường khách hàng châu Âu, khi mức sụt giảm đặt buồng của khu vực khách này được thống kê là dưới 20% so với mọi năm. Vào thời điểm đó, trong thư gửi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, EuroCham kiến nghị mở rộng chính sách miễn thị thực 30 ngày cho các quốc gia thành viên EU, kéo dài trong 18 tháng. Cùng với đó, EuroCham cũng đề nghị kéo dài thời hạn miễn thị thực từ 15 đến 30 ngày, cho phép khách du lịch lưu trú lâu hơn để tăng tính cạnh tranh của ngành du lịch Việt Nam và cũng để giúp tăng thêm chi tiêu của khách tại Việt Nam...

Nhưng tình thế đã thay đổi hoàn toàn sau những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 trên toàn cầu. Việt Nam đã buộc phải dừng miễn thị thực đơn phương với Anh và 8 nước châu Âu.

Trong bối cảnh tương tự, các doanh nghiệp trong lĩnh vực giáo dục cũng không thể nhắc đến đề nghị đưa học sinh trở lại trường vào lúc này, dù trước đó, khoảng 150 trường đã ký chung đơn kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị hỗ trợ vì nếu dịch bệnh kéo dài tới 6 tháng, thì 80% số cơ sở giáo dục ngoài công lập được khảo sát bị sụt giảm doanh số trên 50% và 90% số cơ sở này có nguy cơ phá sản do không cân đối được thu - chi... Các trường cũng đã tính, chỉ cần 1.000 trung tâm ngoại ngữ đóng cửa thì hàng nghìn tỷ đồng sẽ bị mất trắng và hơn 30.000 lao động, trong đó có các thầy cô giáo, nhân viên, bảo vệ, lao công sẽ mất việc.

Cũng phải nhắc lại kết quả cuộc khảo sát 1.200 doanh nghiệp của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV, thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) công bố 1 ngày trước khi Chỉ thị 11/2020/CT-TTg được ký ban hành. Theo đó, nếu dịch bệnh kéo dài tới 6 tháng, gần 74% số doanh nghiệp trả lời có nguy cơ phá sản do doanh thu không thể bù đắp chi phí hoạt động, chi lương cho người lao động, chi trả tiền lãi vay ngân hàng, chi phí thuê mặt bằng cho hoạt động sản xuất - kinh doanh, cùng các chi phí khác...

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, bà Phạm Ngọc Thủy, đại diện nhóm thực hiện khảo sát doanh nghiệp của Ban IV cho biết, nhiều kiến nghị của doanh nghiệp chỉ có thể nhắc tới sau khi dịch bệnh đã được kiểm soát.

“Giờ chỉ mong các giải pháp mà Chính phủ đưa ra với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh được các bộ thực hiện ngay”, bà Thủy nói.

Cần sự chia sẻ nhanh chóng

Yêu cầu có hướng dẫn ngay không chỉ bởi doanh nghiệp đang thực sự cần các giải pháp thiết thực để cắt giảm ngay chi phí sản xuất - kinh doanh.

Phải nói rõ, gói hỗ trợ tín dụng 250.000 tỷ đồng thực chất là nguồn lực các ngân hàng thương mại chia sẻ với doanh nghiệp thông qua các biện pháp cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí... đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19... Đây là cơ hội cho doanh nghiệp đang gặp khó có thể tiếp cận các khoản vay mới, với lãi suất hợp lý, để tiếp tục dòng chảy kinh doanh.

Nhưng ông Mai Hữu Tín thẳng thắn, các doanh nghiệp, kể cả ngân hàng, đều chưa dám làm gì. “Nếu không có quy định cụ thể từ các bộ, ngành liên quan, thì doanh nghiệp, nhất là ngân hàng mà tự thực hiện theo cách hiểu của mình sẽ rất ngại sau này bị coi là phạm luật”, ông Tín nói.

Ngay cả gói hỗ trợ khoảng 30.000 tỷ đồng mà ngân sách đang dự kiến để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội cũng đang được các doanh nghiệp chờ đợi giải ngân đúng chỗ.

“42,9% doanh nghiệp trong số 1.200 doanh nghiệp tham gia khảo sát của chúng tôi đề nghị được giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng và các loại thuế khác, đồng thời cho phép miễn lãi suất đối việc nộp chậm thuế. Các doanh nghiệp cũng mong được miễn đóng bảo hiểm xã hội trong thời gian dịch bệnh”, bà Thủy chia sẻ chi tiết đề xuất của doanh nghiệp.

Thực tế, đã có tới 39% doanh nghiệp buộc phải cắt giảm lao động, 4% cho lao động nghỉ việc không lương..., các khoản phải nộp bảo hiếm xã hội đang là một gánh nặng lớn.

“Trao đổi với chúng tôi, chủ các doanh nghiệp nói đang rất nỗ lực để cắt giảm tối đa chi phí kinh doanh, chi phí sản xuất, nhưng rất khó cắt giảm chi phí nguyên liệu đầu vào do nguồn cung từ Trung Quốc hạn chế, các nguồn cung khác không thể có ngay”, bà Thủy nói.

Ý KIẾN - NHẬN ĐỊNH

"Lúc này, cần trách nhiệm thực sự từ phía các bộ, ngành"

Ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương

Chúng ta vẫn nói cắt giảm thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn. Nhưng lúc này, cần trách nhiệm thực sự từ phía các bộ, ngành. Nếu trước đây, chúng ta đợi doanh nghiệp kêu khó mới đi tìm cách xử lý, thì hiện tại, đây là việc của các cấp chính quyền khi rà soát các dự án, hoạt động kinh doanh trên địa bàn. Trước đây, thời gian xem xét một hồ sơ 3 tháng, thì nay, có thể làm trong 3 ngày...

Vấn đề là các bộ, ngành, cán bộ chính quyền cũng phải đang ngồi trên lửa, như doanh nghiệp, thì mới chia sẻ được khó khăn của doanh nghiệp.

"Không có chuyện doanh nghiệp dàn hàng ngang để nhận hỗ trợ"

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)

Ngay khi đề xuất các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19, chúng tôi đã xác định nguyên tắc là không có chuyện doanh nghiệp dàn hàng ngang để nhận hỗ trợ. Nguồn vốn từ các ngân hàng thương mại tham gia gói hỗ trợ sẽ đến với những doanh nghiệp có tiềm năng, nhưng đang gặp khó khăn, chứ không thể là phao cứu sinh cho doanh nghiệp kém hiệu quả, kém năng lực cạnh tranh.

Các khoản giãn thời gian nộp thuế, giảm thuế cũng vậy, đều sẽ phải xem xét để hỗ trợ đúng đối tượng. doanh nghiệp coi đây là các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng vì mục tiêu là sự hồi phục của nền kinh tế sau khi dịch bệnh được kiểm soát.

Vì vậy, các tiêu chí, điều kiện phải được xác định rõ ràng, thủ tục hành chính phải đơn giản, công khai, minh bạch.

“Đề nghị đánh giá tác động Nghị định 100/2019/NĐ-CP”

Ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái

Các giải pháp Chính phủ đang làm rất cần, vì cứu được doanh nghiệp ngay, nhưng đó chỉ là phần giải cứu. Sau đó, doanh nghiệp sẽ thế nào nếu dệt may, da giày vẫn dựa hơn 60% vào thị trường nguyên phụ liệu của Trung Quốc?

Nếu doanh nghiệp thấy đầu tư vào các ngành phụ trợ khó quá, lỗ lâu, chi phí lớn mà không có sự hậu thuẫn chắc chắn nào từ chính sách, thì tôi e rằng, hết dịch Covid-19, sẽ lại có những đợt đứt gãy chuỗi sản xuất tương tự.

Tôi đề nghị đánh giá tác động của Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt để có những điều chỉnh phù hợp khi các doanh nghiệp, nhà hàng, khách sạn, sản xuất bia... đang chịu ảnh hưởng rất tiêu cực.

Nhưng trên hết, lúc này, doanh nghiệp mong dịch bệnh được kiểm soát hiệu quả, thông tin đầy đủ để ổn định tâm lý xã hội, tâm lý doanh nghiệp. Doanh nghiệp sẽ chung tay cùng Chính phủ làm tốt việc này.
Tin liên quan
Tin khác