Một đoạn cao tốc La Sơn - Tuý Loan thuộc tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông. |
Một trong những nhóm câu hỏi được các cơ quan thông tấn báo chí quan tâm đặt câu hỏi nhiều nhất đối với Bộ GTVT chính là quyết định hủy sơ tuyển đấu thầu quốc tế chuyển sang đấu thầu trong nước và cách thức triển khai dự án cao tốc Bắc - Nam trong thời gian tới.
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, việc thay đổi cách thức lựa chọn nhà đầu tư chắc chắn sẽ làm kéo dài thêm thời gian sơ tuyển nhà đầu tư đối với các dự án PPP cao tốc Bắc Nam phía Đông. Tuy nhiên, Bộ GTVT đã chỉ đạo quyết liệt các PMU thông báo cho ứng viên đã dự sơ tuyển về việc hủy đấu thầu. Đồng thời, yêu cầu khẩn trương hoàn thiện hồ sơ sơ tuyển đấu thầu cạnh tranh trong nước rộng rãi và sẽ phát hành hồ sơ trong tháng 10/2019.
Về tiêu chí dự thầu, lãnh đạo Bộ GTVT khẳng định, tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư trong hồ sơ mời sơ tuyển đều được dựa vào hành lang pháp lý là Nghị quyết số 52/2017/QH14 của Quốc hội khóa XIV về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020 và các quy định của Luật Đấu thầu. Trong đó, yếu tố rất quan trọng là làm theo quy định của pháp luật và xác định vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư là 20% đã được Quốc hội chốt nên không thể sửa. Tương tự như vậy là việc bên mời thầu sẽ tiếp tục không tiến hành bảo doanh thu cho các nhà đầu tư.
“Đây là những tiêu chí sẽ tiếp tục duy trì trong hồ sơ sơ tuyển trong quá trình đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Tuy nhiên, Bộ GTVT đang nghiên cứu bổ sung điều chỉnh một số các tiêu chí khác trong hồ sơ sơ tuyển về yếu tố kinh nghiệm của nhà đầu tư để phù hợp với điều kiện thực tế tại Việt Nam”, Thứ trưởng Đông cho biết.
Liên quan đến câu hỏi có chỉ định thầu nhà đầu tư hay không, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết, Nghị quyết Quốc hội đã chỉ rõ, trong trường hợp đoạn tuyến nào đó không có nhà đầu tư tham dự phải báo cáo Thường vụ Quốc hội để chuyển hình thức đầu tư. Có thể là đầu tư công và chắc chắn không có chuyện chỉ định nhà đầu tư.
Với băn khoăn về khó khăn về tín dụng, nhất là huy động nguồn vốn lớn cho dự án, Thứ trưởng Đông cho biết, các dự án BOT trước đây chỉ dao động 1.000 - 3.000 tỷ đồng nên khá thuận lợi. Tuy nhiên, các dự án cao tốc hiện nay nguồn vốn vay lớn, khoảng 7-8 nghìn tỷ nên việc huy động vốn sẽ khó khăn.
"Các dự án BOT trước đây cung cấp tín dụng cao lắm 3.000 tỉ đồng, phổ biến hơn 1.000 tỉ đồng/dự án. Còn các dự án đường cao tốc như Trung Lương - Mỹ Thuận, Chi Lăng - Đồng Đăng, Vân Đồn - Móng Cái vốn vay lớn từ 7.000 - 8.000 tỉ đồng trở lên đang gặp khó khăn trong việc vay vốn. Nên chắc chắn việc vay vốn ngân hàng để làm đường cao tốc Bắc - Nam sẽ khó khăn. Bộ GTVT sẽ kiến nghị Chính phủ một số giải pháp để có thể ngân hàng cung cấp tín dụng được dựa trên quy định pháp luật và tính khả thi dự án" - ông Đông nói.
Theo Nghị quyết số 52/2017/QH14 của Quốc hội khóa XIV, giai đoạn 2017-2020, dự án cao tốc Bắc - Nam tiếp tục đầu tư một số đoạn phía đông với chiều dài khoảng 654 km, chia làm 11 dự án thành phần gồm các đoạn: từ Cao Bồ (Nam Định) đến Bãi Vọt (Hà Tĩnh); từ Cam Lộ (Quảng Trị) đến La Sơn (Thừa Thiên Huế); từ Nha Trang (Khánh Hòa) đến Dầu Giây (Đồng Nai), Cầu Mỹ Thuận 2, (Tiền Giang và Vĩnh Long).
Trong đó có 3 dự án sử dụng vốn đầu tư công, 8 dự án thực hiện theo hình thức đối tác công - tư (PPP), loại hợp đồng BOT được triển khai đấu thầu quốc tế chọn nhà đầu tư thực hiện. Tổng mức đầu tư toàn bộ dự án hơn 102.000 tỉ đồng, trong đó có hơn 50.000 tỉ đồng vốn đầu tư công, hơn 51.000 tỉ đồng do các nhà đầu tư huy động.