Sản xuất chip bán dẫn tại Công ty Sparton Bình Dương (Ảnh: Lê Toàn) |
Nhu cầu lớn
Thời gian qua, nhiều “ông lớn” trong ngành bán dẫn như Samsung, Qualcomm, Infineon, Amkor... đổ bộ thị trường Việt Nam với nhiều dự án đầu tư xây dựng nhà máy, mở rộng sản xuất, lắp ráp có giá trị lên tới hàng tỷ USD. Sản xuất chip bán dẫn được định vị là động lực mới đưa Việt Nam trở thành quốc gia thịnh vượng.
Quan sát nhu cầu tuyển dụng cũng như kế hoạch sản xuất của một số “ông lớn” về chip bán dẫn tại Việt Nam, ông Lê Quân, Giảng viên Trường đại học Fulbright Việt Nam cho biết, Intel ngừng mở rộng, chỉ tuyển dụng để thay thế nhân viên nghỉ việc; Onsemi gần như không có tin tuyển dụng sau đợt tuyển 400 người vào năm 2022.
Trong khi đó, Hana Micron Vina chỉ tuyển dụng để giảm tải cho các kỹ sư trên dây chuyền sản xuất và thay thế nhân viên nghỉ việc, với ước tính cần 300 kỹ sư vào năm 2025. Còn Amkor Việt Nam vừa hoàn thành lô hàng đầu tiên, sẽ mở rộng theo nhu cầu với dự kiến 10.000 nhân viên cho đến năm 2035.
Theo ông Quân, Việt Nam đang đặt mục tiêu đào tạo 50.000 kỹ sư, trong đó 35.000 cho hoạt động lắp ráp, kiểm tra và đóng gói vào năm 2030. Nhu cầu nhân lực sẽ tăng do doanh nghiệp đầu tư nước ngoài chuyển sản xuất từ các nước khác để đáp ứng yêu cầu về sản phẩm ngoài Trung Quốc. “Nhu cầu nhân lực tăng với sự gia tăng đơn hàng (15% mỗi năm hoặc lớn hơn)”, ông nói.
Các chuyên gia kinh tế dự báo, trong 5 năm tới, ngành bán dẫn cần khoảng 20.000 nhân sự và 10 năm tới là 50.000 nhân sự trình độ đại học trở lên. Trong khi đó, số nhân lực thiết kế vi mạch hiện mới chỉ có khoảng 5.000 người.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Lê Quang Đạm, Tổng giám đốc Marvell Việt Nam nhìn nhận, nếu hỏi nguồn nhân lực Việt Nam đã sẵn sàng phát triển ngành vi mạch bán dẫn lên một tầm mức cao hơn hay chưa, thì đáp án là chưa. Nhưng ông tin Việt Nam đã sẵn sàng, nỗ lực tổ chức để đạt được vị trí như vậy.
Là một trong số ít nhà thiết kế chip nổi bật của Hoa Kỳ, Marvell đã đến Việt Nam 11 năm với chỉ chục kỹ sư lúc ban đầu, nhưng đến nay đã đạt cột mốc hơn 400 kỹ sư. Tiến độ này vượt mục tiêu tăng trưởng 50% trong vòng 3 năm đã được Chủ tịch Matt Murphy cam kết tại Hội nghị Cấp cao Việt Nam - Hoa Kỳ về đầu tư và đổi mới sáng tạo được tổ chức vào tháng 9/2023.
CEO Marvell Việt Nam cho biết, doanh nghiệp vẫn đặt mục tiêu tăng số lượng kỹ sư trong thời gian tới. Nhân sự được Marvell Việt Nam tìm kiếm từ hai nguồn, một là sinh viên các trường đại học (các kỹ sư mới ra trường có nền tảng kiến thức kỹ thuật cơ bản tốt, nên chỉ cần đào tạo khoảng 6 - 12 tháng là có thể làm việc) và hai là nhân lực có kinh nghiệm trên thị trường.
Tăng lượng, nhưng cần đảm bảo chất
Theo ông Lê Quang Đạm, Việt Nam là một đất nước phát triển rất mạnh về công nghệ, kỹ thuật và có lợi thế rất lớn là giới trẻ Việt Nam có năng khiếu khi học toán, kỹ thuật, khoa học… Các sinh viên tốt nghiệp các ngành học về điện tử có thể làm việc được trong ngành vi mạch bán dẫn một cách thuận lợi, bởi đã có những kiến thức cơ bản rất vững chắc về ngành khoa học, điện tử, vật lý, hóa học…
“Khi so sánh trong Đông Nam Á, nhân lực ở Việt Nam mạnh về kiến thức cơ bản. Tuy nhiên, quy mô các trường đại học còn nhỏ và chất lượng hạn chế so với các trường khu vực và thế giới”, ông Đạm nói.
Ông Trần Trung Tính, Hiệu trưởng Trường đại học Cần Thơ đánh giá, bán dẫn là một ngành công nghệ cao và các trường đại học ở Việt Nam phải nỗ lực hết sức, tận dụng tất cả các nguồn lực để đào tạo nguồn nhân lực cho ngành này. Trường đại học Cần Thơ, gần 20 năm qua, đã đào tạo các chuyên ngành kỹ thuật điện tử, kỹ thuật máy tính, rồi vật lý kỹ thuật, kỹ thuật điện…
Dựa trên những lợi thế sẵn có, năm 2024, Trường đã tuyển sinh được 90 sinh viên chuyên ngành thiết kế vi mạch bán dẫn trên nền của ngành kỹ thuật máy tính. Dự kiến năm 2025, Trường sẽ mở chuyên ngành kỹ thuật vi điện tử trên nền của ngành vật lý kỹ thuật. Hai ngành này cung cấp các khối kiến thức về thiết kế vi mạch bán dẫn, lắp ráp, kiểm thử, đóng gói vi mạch.
Trong hoạt động đào tạo nhân lực, Việt Nam là một trong 8 quốc gia chiến lược được Hoa Kỳ lựa chọn triển khai phát triển nhân lực lắp ráp, kiểm thử và đóng gói vi mạch, thuộc khuôn khổ Quỹ Đổi mới sáng tạo và an ninh công nghệ quốc tế của Hoa Kỳ tại Việt Nam. Chương trình nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, mở rộng lực lượng lao động có tay nghề để xây dựng chuỗi cung ứng ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.
Việt Nam đang triển khai một loạt phiên khởi động chiến lược để thúc đẩy vai trò của mình trong ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu, trong đó tập trung vào phát triển nguồn nhân lực và chính sách công. Việt Nam mong muốn đào tạo được đội ngũ kỹ sư có tay nghề cao, gắn lý thuyết với thực tiễn của các doanh nghiệp.
Ông Võ Xuân Hoài, Phó giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, thay vì đào tạo lý thuyết nhiều, các chương trình đào tạo trên sẽ gắn với thực tế hơn. Trên cơ sở đào tạo của Trường đại học bang Arizona, chương trình sẽ phối hợp với các đơn vị công nghệ vi mạch lớn trên thế giới để giúp những người đào tạo có được những kỹ năng, kiến thức thực tế khi thực hành.
Tuy nhiên, để vừa đáp ứng số lượng, đồng thời đảm bảo được chất lượng, ông Lê Quang Đạm cho rằng, các doanh nghiệp cần hợp tác một cách hài hòa với các trường đại học. Không phải chỉ hợp tác một chiều, tức là lấy nguồn nhân lực từ các trường, mà phải thực hiện hai chiều, tức là có chương trình học bổng, tài trợ các phòng thực hành và đặc biệt là các chương trình hợp tác khoa học kỹ thuật để sinh viên vừa học, vừa làm…
“Để tham gia nhanh ngành bán dẫn, chúng ta không có một con đường tắt nào hết, chắc chắn vẫn phải là một con đường đào tạo bền vững lâu dài - đó là sự hợp tác ba bên giữa Nhà nước, nhà trường và doanh nghiệp”, ông Đạm nói thêm.