Thời sự
Không có gói nào, kích cầu bằng gì?
Nguyên Đức - 09/09/2013 06:25
Sự chuyển động quá chậm của tổng cầu 8 tháng qua đòi hỏi phải sớm có giải pháp kích cầu để hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Vấn đề đặt ra là nếu không có gói kích cầu lớn tương tự năm 2009 - như khẳng định của Chính phủ - thì liệu chúng ta vẫn có thể kích cầu bằng chính sách? >>> Thị trường nội địa - điểm tựa ngày càng yếu >>> Kích cầu để tăng tiêu thụ trong nước

Sự yếu kém của tổng cầu, có thể nhìn ở chỉ số về tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ. Con số này trong 8 tháng đầu năm, sau khi trừ yếu tố giá cả, chỉ tăng 5% so với cùng kỳ năm 2012. Ước cả năm, con số này vào khoảng 5,2-5,3%, trong khi năm ngoái đạt 6,2%.

Nếu không có gói kích cầu lớn tương tự năm 2009, liệu chúng ta vẫn
có thể kích cầu bằng chính sách?

Sức mua kém không chỉ thể hiện qua tiêu dùng cá nhân, mà còn ở tiêu dùng của Chính phủ.

Trong khi kinh tế khó khăn khiến người dân phải giảm chi cho tiêu dùng, thì đầu tư công vẫn đang được thắt chặt.

8 tháng đầu năm, vốn đầu tư thực hiện từ ngân sách ước đạt 64,5% kế hoạch năm, giảm 2,3% so với cùng kỳ.

Ở một nền kinh tế mà tăng trưởng dựa vào đầu tư nhiều như Việt Nam, việc tổng vốn đầu tư toàn xã hội đã giảm mạnh, từ mức 40-42% GDP những năm trước, xuống còn 30-31% GDP như dự báo trong năm nay, sẽ tác động mạnh tới sức mua toàn nền kinh tế.

Yếu tố này còn khiến tăng trưởng kinh tế khó có thể ở mức cao.

Trong bối cảnh như vậy, nhiều đề xuất về việc nên kích cầu đầu tư và tiêu dùng đã được đặt ra. Song tại phiên họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 8 vừa qua, người phát ngôn của Chính phủ đã khẳng định, sẽ không có một gói kích cầu nào tương tự năm 2009. Sẽ không có chuyện Chính phủ tung tiền để kích thích kinh tế, bởi tung tiền có thể sẽ lại gây tác động đến lạm phát, đến mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô mà Việt Nam đang kiên trì thực hiện.

Không có kích cầu, nhưng một số giải pháp để tăng tổng cầu và khơi thông tín dụng sẽ được triển khai thực hiện. Chẳng hạn, tăng phát hành trái phiếu chính phủ cho các công trình giao thông, thủy lợi; cho vay tín dụng hỗ trợ nhà ở (khoảng 30.000 tỷ đồng); các chương trình hỗ trợ nông nghiệp, nông thôn.

Đặc biệt, việc Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đi vào hoạt động sẽ giúp giải quyết nợ xấu, tăng trưởng tín dụng do các ngân hàng được vay tái cấp vốn bằng trái phiếu đặc biệt (ước tính khoảng 20.000 tỷ đồng). Đây sẽ là những yếu tố tác động tích cực tới tổng cầu, tới tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong quý IV và cả năm nay.

Không có kích cầu bằng tài chính, nhưng vẫn có cách kích cầu bằng chính sách. Các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, hỗ trợ thị trường mà Chính phủ đã ban hành tại Nghị quyết 01/NQ-CP, 02/NQ-CP cần được đẩy mạnh và thực thi có hiệu quả.

Khi vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước eo hẹp, thì cần có giải pháp để huy động mọi nguồn lực xã hội, bao gồm cả vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) vào đầu từ phát triển. Các biện pháp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, nhằm thu hút FDI và ODA, tháo gỡ khó khăn vướng mắc về giải phóng mặt bằng, ưu đãi thuế, thủ tục hải quan… để thúc đẩy giải ngân các nguồn vốn này cần được thực hiện một cách mạnh mẽ hơn.

Năm 2009, khi gói kích thích kinh tế của Chính phủ được áp dụng, nhiều quan điểm cho rằng, kích cầu bằng tài chính là một chuyện, chuyện khác mà doanh nghiệp trông chờ là sự tạo thuận lợi cho sản xuất - kinh doanh, đầu tư bằng chính sách, bằng cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, bằng cải cách thủ tục hành chính, bằng sửa đổi nhanh chóng các cơ chế, chính sách đang làm cản trở các kế hoạch đầu tư, kinh doanh của hệ thống doanh nghiệp...

Những giải pháp này, trên thực tế đã được đề cập nhiều lần. Do vậy, trong bối cảnh hiện nay, cần hành động quyết liệt, triệt để, đồng bộ hơn nữa, để phát huy hiệu quả trong thực tế, góp phần kích cầu, hỗ trợ phát triển kinh tế.

Tin liên quan
Tin khác