Thời sự
Không có lợi ích nhóm trong tái cơ cấu Vinashin
Hàn Tín - 14/06/2013 17:28
Đăng đàn chất vấn chiều nay, sau khi phân tích, đánh giá tình hình tái cơ cấu Vinashin và Vinalines, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự báo, kể từ năm 2016 trở đi, Vinashin bắt đầu có lãi, tích lũy được nguồn để trả nợ khoản trái phiếu quốc tế trị giá 750 triệu USD huy động hồi cuối năm 2005.
TIN LIÊN QUAN
Đại biểu Quốc hội Lê Như Tiến

“Vinashin và Vinalines là 2 nốt trầm buồn trong bản giao hưởng mang tên “kinh tế nhà nước”. Di sản mà 2 tập đoàn này để lại là khoản nợ hàng chục ngàn tỷ đồng và hàng tỷ USD”, ông Lê Như Tiến bắt đầu chất vấn Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Ông Tiến muốn Chính phủ báo cáo đầy đủ, chi tiết tới mức có thể về tiến trình tái cơ cấu 2 tập đoàn này. Bởi ông rất lo ngại: “Các con tàu vận tải biển và các ụ tàu của 2 “ông lớn” này nêu không tái cơ cấu nhanh sẽ trở thành… đầu vào cho các nhà máy cán thép”.

Sau khi khái quát lại quá trình thành lập, hoạt động, nguyên nhân chủ quan và khách quan dẫn tới sự khủng hoảng của Vinashin; quá trình xử lý những cá nhân vi phạm trong quản lý vốn, tài sản nhà nước tại Vinashin, ông Phúc cho biết, quá trình tái cơ cấu Tập đoàn này đang được thực hiện ráo riết.

“Trong số 216 thành viên của Vinashin, hiện đã sắp xếp được 36 đơn vị. Theo Đề án tái cơ cấu, Vinashin chỉ giữ lại một số công ty chủ chốt, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh chính; giữ lại khoảng 8.000 lao động lành nghề, có trình độ, có kinh nghiệm. Số doanh nghiệp và người lao động còn lại sẽ xử lý bằng nhiều biện pháp khác nhau, như cổ phần hóa, giao, bán doanh nghiệp”, ông Phúc nói.

Ông Phúc cho biết, trong 2 năm vừa qua, Vinashin đã sản xuất và bàn giao 170 tàu lớn cho khách hàng, trong đó xuất khẩu hàng chục tàu lớn trị giá hơn 1 tỷ USD trong bối cảnh thị trường vận tải biển quốc tế vẫn còn ảm đạm.

Điều này cho thấy, hoạt động của Vinashin đã bắt đầu có hiệu quả. “Nếu không sản xuất, bàn giao được 170 tàu biển, không kể việc giải quyết việc làm cho hàng chục ngàn lao động gặp khó khăn mà số nợ của Tập đoàn này sẽ tăng thêm ít nhất 10.000 tỷ đồng nữa”, ông Phúc cho biết.

Theo tính toán của ông Phúc, nếu tiến trình tái cơ cấu “con tàu” Vinashin đúng tiến độ và theo đúng Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thì đến cuối năm 2015, về cơ bản tái cơ cấu xong tập đoàn này.

Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc

“Với tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh và tái cơ cấu như hiện nay, thì kể từ năm 2016 trở đi, Vinashin sẽ cân đối được thu chi, bắt đầu tích lũy vốn để trả nợ. Nếu tình hình kinh tế thế giới ấm lên, hoạt động vận tải nhộn nhịp hơn thì khả năng trả nợ 750 triệu USD vốn vay thông qua phát hành trái phiếu hoàn toàn có thể thực hiện được. Vì phải đến năm 2020, Vinashin mới phải tất toán số tiền phát hành trái phiếu quốc tế”, ông Phúc phát biểu.

Đối với Vinalines, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, năm 2012, Tập đoàn này đạt doanh thu hơn 21.000 tỷ đồng, nộp ngân sách 670 tỷ đồng. “Năm 2013, Vinalines thực hiện thoái vốn đầu tư tại 16 doanh nghiệp, cổ phần hóa 4 doanh nghiệp, đã bán được một số tàu cũ khai thác không hiệu quả. Các thành viên của Vinalines bắt đầu hoạt động có hiệu quả, sau tái cơ cấu, Vinalines cũng sẽ mạnh mẽ hơn”, ông Phúc thông tin tới các đại biểu Quốc hội.

Tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó có tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước diễn ra chậm chạp, khiến Đại biểu Quốc hội Nguyễn Bá Thuyền sốt ruột. “Liệu có lợi ích nhóm trong việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước không”, ông Thuyền đặt câu hỏi.

“Không chỉ Quốc hội mà rất nhiều người sốt ruột trước tình trạng tái cơ cấu diễn ra chậm chạp. Ai cũng muốn tái cơ cấu nhanh để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, thu hẹp khoảng cách với các nước trong khu vực”, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ với Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền và khẳng định không hề có lợi ích nhóm trong tái cơ cấu.

Giải thích về tiến trình tái cơ cấu diễn ra không như mong muốn, ông Phúc cho biết, quy mô của nền kinh tế mới đạt 152 tỷ USD, thu nhập đầu người đạt 1.749 USD/người/năm, nhưng tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu đã vượt quá 202 tỷ USD. Nền kinh tế trong nước phụ thuộc rất lớn vào hoạt động xuất - nhập khẩu, trong khi kinh tế thế giới vẫn chưa hết suy giảm thì việc đẩy nhanh tái cơ cấu không phải cứ muốn là được.

Với tình hình này, theo ông Phúc, dù có muốn và thực tế rất cố gắng bán vốn nhà nước (cổ phần hóa) để đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu doanh nghiệp cũng không được vì bán, thậm chí bán rẻ cũng khó tìm được nhà đầu tư.

“Chúng ta đã nhiều lần trải qua lạm phát tăng cao. Trên nghị trường, nhiều đại biểu Quốc hội của các khóa đều nói rằng, tăng trưởng kinh tế cao mà lạm phát cao thì tăng trưởng chẳng còn ý nghĩa. Vì thế, trong tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế phải hết sức thận trọng, không để lạm phát quay trở lại. Chúng ta phải kiên định mục tiêu tăng trưởng kinh tế bền vững, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn tốc độ lạm phát mới có điều kiện để thực hiện chính sách an sinh xã hội”, ông Phúc nhấn mạnh.

Quay trở lại với việc tái cơ cấu Vinashin, Vinalines, ông Phúc cho biết, muốn “giải quyết” nhanh gọn 2 tập đoàn này, theo kiến nghị của nhiều người thì cho phá sản, giải thể chứ không cần phải tái cơ cấu.

“Nếu phá sản, giải thể thì rất đơn giản. Nhưng ngân sách nhà nước phải bỏ tiền ra để thanh toán mọi khoản nợ của 2 tập đoàn này, như vậy, chúng ta không chỉ khó có thể khôi phục được ngành công nghiệp đóng tàu và ngành vận tải biển mà chúng ta có thế mạnh mà còn “mất điểm” với các nhà đầu tư quốc tế, mất uy tín với các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc gia, hàng trăm ngàn lao động bị mất việc làm. Vì thế, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước có thể hơi chậm một chút nhưng chắc chắn có lợi hơn rất nhiều so với việc giải thể, phá sản”, ông Phúc giải thích.

Tin liên quan
Tin khác