| ||
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh |
Trả lời câu hỏi của nhiều đại biểu Quốc hội về tình trạng triển khai Đề án Tái cơ đầu tư công quá chậm, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết, Đề án này đã được trình Thủ tướng Chính phủ ngay từ năm 2011, trước cả Đề án Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và Đề án Tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng.
“Cùng với thời điểm trình Đề án Tái cơ cấu đầu tư công, chúng tôi trình và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chỉ thị 1792/2011 về tăng cường, quản lý vốn đầu tư từ ngân sách và trái phiếu chính phủ (TPCP). Nhiều nội dung trong Đề án này trùng với Chỉ thị 1792, vì thế, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thực hiện ngay Chỉ thị này, còn Đề án thực hiện sau”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh giải thích.
Sau 2 năm triển khai Chỉ thị 1792, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh khẳng định đã ngăn chặn được tình trạng bố trí vốn TPCP dàn trải khiến hiệu quả đầu tư thấp. Ngoài ra, Chỉ thị đã có chế tài xác định trách nhiệm của người ra quyết định đầu tư mà không cân đối được nguồn lực gây ra nợ xây dựng cơ bản và hiệu quả đầu tư thấp.
“Trước đây, nguồn vốn TPCP đầu tư dàn trải, kém hiệu quả một phần là do khâu kiểm soát kém. Sau 2 năm thực hiện Chỉ thị 1792, đến nay việc bố trí kế hoạch vốn đã đi vào nề nếp. Năm 2013 có tới 96,5% nguồn vốn do các bộ ngành đầu tư đã được kiếm soát chặt chẽ, đã chống được việc đầu tư dàn trải, đầu tư theo đung thứ tự ưu tiên”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết.
“Nếu tiếp tục đẩy mạnh Chỉ thị 1792 thì trong thời gian ngắn tới đây việc chống bố trí vốn dàn trải ở cả Trung ương và địa phương sẽ được kiểm soát”, ông Vinh nói.
Nội dung chính của việc tái cơ cấu đầu tư công đang được triển khai theo tinh thần của Chỉ thị 1792, theo ông Vinh chính là việc chuyển từ bố trí vốn ngắn hạn hàng năm, sang bố trí vốn theo trung hạn từ 3 đến 5 năm.
“Nguồn vốn TPCP không bố trí hàng năm mà đã bố trí cho cả giai đoạn từ năm 2012 đến hết 2015 trên cơ sở danh mục công trình, dự án đầu tư bằng nguồn vốn TPCP đã được Quốc hội thông qua. Vì vậy, các bộ ngành, địa phương rất chủ động trong việc triển khai dự án, không còn phải xin cho nguồn vốn, xin cho công trình, dự án đầu tư. Hiệu quả của cách bố trí này là hiện có rất nhiều công trình sắp hoàn thành nhưng không bộ ngành, địa phương nào phải mất công xin - cho”, ông Vinh quả quyết trước các đại biểu Quốc hội.
Nội dung chính của Đề án tái cơ cấu đầu tư công thứ 2 là bố trí vốn đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước tương tự như bố trí vốn TPCP. Tức là bố trí vốn trung hạn thay vì ngắn hạn hàng năm như hiện nay.
“Ngay tại Kỳ họp Quốc hội thứ 4, chúng tôi đã đề nghị Quốc hội bố trí kế hoạch vốn đầu tư bằng ngân sách nhà nước cho tất cả các bộ ngành, địa phương cho cả giai đoạn 5 năm thay vì hàng năm như hiện nay. Hiện Quốc hội chưa thông qua đề nghị này, nhưng về cơ bản nhiều đại biểu Quốc hội đồng tình với đề xuất của chúng tôi”, ông Vinh tự tin.
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Thủ tướng Chính phủ kế hoạch phân bổ nguồn vốn đầu tư từ ngân sách giai đoạn 3 năm (2013-2015) cho tất cả các bộ ngành, địa phương. Khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, các bộ ngành, địa phương biết rằng, họ chỉ có từng này tiền, phải phân bổ bao nhiêu vốn cho lĩnh nào, công trình, dự án nào nên không có chuyện đầu tư dàn trải.
“Như vậy thì không bộ ngành, địa phương nào còn phải đi “chạy dự án, chạy công trình, chạy nguồn vốn đầu tư”, vì tất cả đã minh bạch. Một khi đã minh bạch, không còn cơ chế xin cho thì tiêu cực cũng tự nhiên biến mất”, ông Vinh nói.
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết, chương trình mục tiêu quốc gia cho dự án nào, đầu tư bao nhiêu tiền, bộ ngành nào làm chủ đầu tư đã được công bố công khai cho cả giai đoạn đầu tư 5 năm (2011-2015); nguồn vốn, công trình, dự án đầu tư bằng nguồn vốn TPCP cho cả giải đoạn 2012 - 2015 đã được công bố công khai. Giờ chỉ còn mỗi nguồn vốn đầu tư bằng ngân sách nhà nước vẫn còn phải phân bổ hàng năm.
“Nếu Quốc hội đồng tình và thông qua việc phân bổ vốn, công bố công trình, dự án đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách cho cả giai đoạn 3-5 năm tương tự như nguồn vốn đầu tư bằng TPCP và nguồn vốn đầu tư cho chương trình mục tiêu quốc gia thì chẳng cần ngăn chặn, cơ chế xin cho cũng tự nhiên mất, đầu tư dàn trải, lãng phí cũng không còn vì tất cả đã được công khai, minh bạch”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhấn mạnh.
Mạnh Bôn