Hội nghị toàn quốc ngành kế hoạch và đầu tư khai mạc sáng nay (16/7) tại TP. Nha Trang, Khánh Hoà |
Trước khi nhắc tới bài học kinh nghiệm với các đại biểu từ các bộ, ngành, địa phương tại Hội nghị, Bộ trưởng Dũng nói về những đóng góp đáng kể cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước của khu vực doanh nghiệp FDI.
Vốn FDI thực hiện tăng cao là yếu tố quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm và sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt được, Bộ trưởng Dũng thẳng thắn, FDI cũng bộc lộ một số hạn chế nhất định.
“Sau sự cố ô nhiễm môi trường biển của Formosa, cần đánh giá, rút kinh nghiệm”, Bộ trưởng Dũng nói.
3 vấn đề theo Bộ trưởng Dũng cần phải làm ngay. Một là thu hút đầu tư phải có chọn lọc, kiên quyết từ chối những dự án công nghệ lạc hậu, có ảnh hưởng xấu đến môi trường.
Hai là thực hiện nghiêm túc, đầy đủ quy trình thẩm định, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư/quyết định chủ trương đầu tư các dự án đầu tư, đặc biệt là các dự án công nghiệp quy mô lớn, ở ven biển và các khu dân cư.
Ba là kiểm tra, giám sát chặt chẽ, thường xuyên hoạt động của dự án trong quá trình lập thiết kế cơ sở, xây dựng nhà xưởng, các hạng mục dự án, đặc biệt là hạng mục bảo vệ môi trường, để đảm bảo tuân thủ chặt chẽ quy định của pháp luật về xây dựng, môi trường.
“Cần quán triệt quan điểm không đánh đổi dự án đầu tư lấy những thiệt hại, tác động tiêu cực đến môi trường. Cần phải hoàn thiện chính sách đảm bảo tính pháp lý chặt chẽ, không tạo kẽ hỡ cho các dự án lợi dụng để thực hiện các hoạt động ảnh hưởng tiê cực tới xã hội, môi trường”, Bộ trưởng Dũng phát biểu tại Hội nghị toàn quốc ngành kế hoạch và Đầu tư.
Đặc biệt, ông khẳng định kiến quyết xử lý các dự án đầu tư không tuân thủ và vi phạm pháp luật về môi trường, kể cả việc quyết định ngừng hoạt động của dự án để khắc phục vi phạm môi trường hoặc cao hơn hơn có thể là chấm dứt hoạt động của dự án.