Kết quả nghiên cứu về đầu tư công cho nông nghiệp do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) và Tổ chức ActionAid công bố cuối tuần qua đã cho thấy những con số rất đáng quan tâm khi vốn đầu tư cho nông nghiệp quá thấp. Cách đó vài ngày, một cuộc họp khác do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì nhằm thúc đẩy tái cơ cấu nông nghiệp cũng khẳng định, nỗi lo lớn nhất với nông nghiệp Việt Nam vẫn là thiếu vốn.
Trong bối cảnh hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) đã và sắp được ký kết đang đặt ngành nông nghiệp trước yêu cầu phải gấp rút tái cơ cấu. Thế nhưng, làm thế nào để có nguồn lực tái cơ cấu và làm thế nào để hộ nông dân cá thể hội nhập thành công hiện vẫn là bài toán khó.
Hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) đã và sắp được ký kết đang đặt ngành nông nghiệp trước yêu cầu phải gấp rút tái cơ cấu. |
Trong lịch sử, động lực tăng trưởng của ngành nông nghiệp Việt Nam rất khác nhau, tùy từng giai đoạn.
Cụ thể, cuối thập niên 1980, nông nghiệp bật tăng nhờ cải cách thể chế. Đến thập niên 1990, nông nghiệp khởi sắc nhờ tăng đầu tư. Từ năm 2000 đến 2008, nông nghiệp nhảy vọt nhờ tăng năng suất.
Thế nhưng, từ cuối năm 2008 đến nay, nông nghiệp gần như không tìm được động lực tăng trưởng bởi năng suất đã đến ngưỡng, vốn đầu tư ngày càng giảm cho dù có một số “đại gia” muốn dốc thêm vốn vào lĩnh vực này.
Nghiên cứu của Tổ chức ActionAid cho thấy, đầu tư công cho nông nghiệp là chiến lược quan trọng để tăng hiệu quả nông nghiệp và giảm nghèo ở khu vực nông thôn. Song đầu tư công vào nông nghiệp lại đang giảm dần. Một nghiên cứu khác của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cho thấy, trong khi tỷ trọng hỗ trợ nông dân của nhà nước trong tổng nguồn thu của người sản xuất giai đoạn 2011-2013 tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Thụy Sĩ... chiếm 55 - 60% thì tại Việt Nam, con số này chưa đến 10%. Với sự hỗ trợ khiêm tốn này, rất có thể, người nông dân sẽ kiệt sức trong hội nhập và xóa đói, giảm nghèo bền vững sẽ là thách thức ngày càng lớn với Việt Nam.
Rót vốn đầu tư công đúng mức sẽ giúp ngành nông nghiệp tăng khả năng tận dụng cơ hội từ hội nhập. Trong hội nhập, các FTA sẽ chỉ là động lực khi Việt Nam tận dụng được thời cơ trong đó. Muốn đón đầu và tận dụng được thời cơ, trước hết, nông nghiệp cần một đòn bẩy quan trọng: đó chính là đầu tư công. Theo đó, đầu tư công vào nông nghiệp cần phải được nhìn nhận một cách thấu đáo.
Thứ nhất, phải lượng hóa được đầu tư công đóng vai trò như thế nào đối với tăng trưởng nông nghiệp, từ đó đầu tư phù hợp hơn. Bên cạnh đó, phải có chính sách khuyến khích sự tham gia của khối tư nhân và của người nông dân đầu tư vào phát triển hạ tầng nông thôn.
Thứ hai, trong đầu tư công cho nông nghiệp, cần ưu tiên các hộ nông dân quy mô nhỏ và phải triển khai các dịch vụ công để hỗ trợ người nông dân.
Thứ ba, ngoài đầu tư công, Chính phủ cũng cần ban hành thêm chính sách hỗ trợ trực tiếp với hộ nông dân, nhất là chính sách hỗ trợ lãi suất, chính sách trợ giá cho nông dân, giúp người nông dân tiếp cận máy móc, công nghệ hiện đại, đào tạo nghề… Tất cả những hỗ trợ này cũng phải được nghiên cứu cẩn thận để tránh vi phạm các cam kết hội nhập.