Sản xuất - chế tạo là một trong 2 lĩnh vực thu hút vốn FDI lớn nhất những năm qua. Trong ảnh: Nhà máy GE của Mỹ tại Hải Phòng. |
Nghĩ lớn…
Soi số liệu đầu tư nước ngoài vào Việt Nam 3 năm trở lại đây, nhiều chuyên gia tỏ ra lo ngại với bức tranh đối lập giữa đầu tư trực tiếp và đầu tư qua hình thức góp vốn, mà rộng ra là tăng trưởng dài hạn và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Hoạt động góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài liên tục bứt tốc từ 6,2 tỷ USD năm 2017 (tăng 45,1% so với năm 2016) lên 15,5 tỷ USD năm 2019 (tăng 56,4%). Trong khi đó, số vốn FDI đăng ký vào Việt Nam lại nói lên điều ngược lại, đạt 21,3 tỷ USD năm 2017, tăng 42,3% so với năm 2016, nhưng lần lượt giảm còn 16,7 tỷ USD năm 2019 (giảm 6,8%).
“Sự sụt giảm đầu tư trực tiếp không phải là tin tốt cho Việt Nam. Điều đó đồng nghĩa với số nhà đầu tư nước ngoài đăng ký đầu tư dự án mới tại Việt Nam sụt giảm”, ông Jacques Morisset, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam lập luận.
Theo ông Morisset, vốn FDI đăng ký giảm mạnh có thể kéo theo sụt giảm xuất khẩu của Việt Nam những năm tới, bởi xuất khẩu vẫn là động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Do vậy, để giữ sức bền cho hoạt động xuất khẩu, sự tăng trưởng của nền kinh tế, thì ngoài thúc đẩy sản xuất trong nước, cần giữ được ổn định thu hút FDI và hoạt động sản xuất của khu vực này. Bởi thu hút FDI không chỉ tạo việc làm trong nước, mà còn giúp kết nối với khu vực trong nước, thúc đẩy sản xuất nói chung.
Vậy thu hút FDI vào lĩnh vực gì và thế nào? Các chuyên gia khuyến nghị, cần bám sát định hướng và mục tiêu trong Nghị quyết số 50-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.
Ông Jason Yek, chuyên gia phân tích rủi ro khu vực châu Á của Fitch Solutions nhận định, tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2020 tiếp tục duy trì ổn định, dự báo đạt khoảng 6,8%. Song tăng trưởng của ngành sản xuất dự báo sẽ “hạ nhiệt” do những nút thắt về hạ tầng giao thông, logistics và nguồn nhân lực, trong khi ngành xây dựng và dịch vụ sẽ vươn lên bù đắp cho tăng trưởng chung.
“Bất chấp những điểm nghẽn, sản xuất - chế tạo và bất động sản - hai lĩnh vực thu hút vốn FDI lớn nhất những năm qua - sẽ tiếp tục kéo lượng lớn FDI vào Việt Nam. Bán lẻ sẽ là thỏi nam châm mới và chiếm ‘miếng bánh’ to dần trong tổng vốn FDI vào Việt Nam những năm tới”, ông Yek nhận định.
Dự báo thuyết phục hơn qua lý giải của ông Konaka Tetsuo, Trưởng đại diện Văn phòng JICA tại Việt Nam, rằng Việt Nam có lợi thế quy mô dân số lớn, nên cơ hội đầu tư vào ngành dịch vụ là rất lớn. “Hy vọng đầu tư vào bán lẻ sẽ là xu hướng lớn cho đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam, bởi số người giàu ở Việt Nam, nhất là tầng lớp trung lưu đang tăng lên nhanh và họ đủ sức chi trả cho những hàng hóa có chất lượng tốt”, ông Tetsuo nhấn mạnh.
… đến làm lớn
Nghị quyết 50-NQ/TW đề ra nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng thể chế, chính sách ưu đãi vượt trội, tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi, thu hút các dự án lớn, trọng điểm quốc gia, dự án công nghệ cao..., thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia đầu tư, đặt trụ sở và thành lập trung tâm nghiên cứu - phát triển, trung tâm đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.
Ngoài ra, thiết kế các cơ chế khuyến khích, ưu đãi thoả đáng để tăng liên kết giữa đầu tư nước ngoài và đầu tư trong nước, các lĩnh vực cần ưu tiên thu hút; phát triển cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị, góp phần nâng cao giá trị gia tăng nội địa, sức cạnh tranh của sản phẩm và vị trí quốc gia trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Các chuyên gia đánh giá, tinh thần trên của Nghị quyết cho thấy, Việt Nam hướng đến thu hút FDI không chỉ về lượng, mà cả về chất. Để gọi và “hấp thụ” thành công vốn FDI, nhất là vốn vào công nghệ cao, công nghệ 4.0, đòi hỏi nỗ lực gỡ nút thắt trong nước trước.
Ông Konaka Tetsuo cho rằng, Nghị quyết 50-NQ/TW ưu tiên thu hút các dự án FDI có công nghệ cao, thân thiện môi trường. Việt Nam đã đạt kết quả tốt trong thu hút FDI với lợi thế chi phí lao động thấp. Tuy nhiên, trong cuộc chơi 4.0, thu hút FDI vào lĩnh vực sản xuất, chế tạo sử dụng công nghệ cao đang đặt ra những khó khăn cho Việt Nam, bởi việc phát triển công nghiệp hỗ trợ và các ngành sản xuất chế tạo ở Việt Nam còn bất cập.
Để hút thêm vốn FDI, Chính phủ Việt Nam cần tiếp tục nỗ lực khắc phục các vấn đề như chi phí nhân công đang tăng cao, thủ tục cấp phép phức tạp, thủ tục hành chính chưa rõ ràng, khung pháp lý vận dụng không minh bạch.
Các chuyên gia khuyến cáo, cần có cái nhìn rộng hơn trong thu hút FDI. Muốn thu hút FDI có chất lượng, đón “đại bàng”, “đàn sếu” về làm tổ, cần hình thành và phát triển theo cụm (cluster development), hơn là phát triển nhiều ngành, lĩnh vực đơn lẻ ở các điểm khác nhau.
Về vấn đề này, chuyên gia kinh tế cao cấp của WB tại Việt Nam, ông Phạm Minh Đức lưu ý, Thái Lan và Trung Quốc đều có kinh nghiệm tốt trong việc phát triển các cụm từ các khu kinh tế, khu công nghiệp. Thành công đó đến từ các định hướng chính sách rất cụ thể.
Tại Việt Nam, đã hình thành một số khu vực tập trung các ngành khác nhau cùng chuỗi giá trị như tại Vĩnh Phúc (sản xuất phụ tùng ô tô và xe máy) hay Bắc Ninh và Thái Nguyên (sản xuất linh kiện và sản phẩm điện tử). Giai đoạn tới, rất cần cú hích mạnh từ chính sách để phát triển bài bản các khu vực này thành cụm, tăng cường kết nối nội bộ và kết nối với khu vực trong nước, trở thành đòn bẩy vững chắc cho tăng trưởng kinh tế trong dài hạn.
Phát triển các cụm/khu công nghiệp chuyên sâu
Ý tưởng đưa các doanh nghiệp trong cùng lĩnh vực và kết nối trong chuỗi giá trị mới đây được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng gợi ý cho các nhà đầu tư Nhật Bản. Theo đó, với lợi thế của mình, các nhà đầu tư Nhật Bản có thể phát triển các cụm/khu công nghiệp chuyên sâu quy tụ các tập đoàn mạnh để phát huy lợi thế của mình, hoạt động hiệu quả hơn, tiết kiệm chi phí…