Việt Nam trở thành nền kinh tế có độ mở lớn và có quan hệ thương mại với 230 thị trường, trong đó có FTA với 60 nền kinh tế. |
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, tính đến hết 2019, Việt Nam đã tham gia đàm phán và ký kết 17 FTA, trong đó có 13 FTA đã ký kết và đi vào hiệu lực, 1 FTA đã ký kết và chờ phê chuẩn (EVFTA), 3 FTA đang đàm phán.
Các FTA này đã đưa Việt Nam trở thành nền kinh tế có độ mở lớn và có quan hệ thương mại với 230 thị trường, trong đó có FTA với 60 nền kinh tế, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng, tiếp cận thị trường toàn cầu, là cơ hội để Việt Nam kết nối và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị, mạng lưới sản xuất toàn cầu.
Thứ trưởng Bộ Công Thương, Trần Quốc Khánh cho rằng, các hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là các FTA được Việt Nam ký kết sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đi vào thực thi thời gian qua đã hỗ trợ đáng kể cho xuất khẩu của Việt Nam.
“Chúng ta đã và đang chứng kiến tốc độ tăng trưởng xuất khẩu tương đối nhanh trên một số thị trường đã ký kết hợp định thương mại tự do. Đơn cử như xuất khẩu vào Chile và Hàn Quốc tăng bình quân đến 29%/năm, nhất là thị trường Ấn Độ tăng trưởng bình quân đến 36%/năm, đưa Việt Nam từ vị thế một nước nhập siêu thành một nước xuất siêu vào Ấn Độ”, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết.
Cụ thể, 2019, Việt Nam nhập khẩu từ Ấn Độ 4,482 tỷ USD, và xuất khẩu sang thị trường này 6,680 tỷ USD.
Hiệp định CPTPP tuy mới có hiệu lực từ giữa tháng 1/2019, nhưng cũng giúp xuất khẩu của Việt Nam vào một số thị trường nội khối như Canada tăng 28,2%, đạt 3,86 tỷ USD, Mexico tăng 26,8%, đạt 2,84 tỷ USD, và Việt Nam tiếp tục xuất siêu vào thị trường CPTPP.
Tỷ lệ sử dụng C/O ưu đãi trong các Hiệp định FTA tính đết hết tháng 11 năm 2019 đạt khoảng 39%% (khoảng 37% nếu tính cả Hiệp định CPTPP) so với tổng kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường đối tác trong các Hiệp định FTA (ví dụ: Nga: tăng 9,1%; Mehico: tăng 27,6%; Canada: tăng 29,9%; Chi Lê: tăng 19,8 …).
Trong đó, có một số thị trường mới trong CPTPP (như Canada, Mexico) có mức tăng trưởng tốt ngay sau khi Hiệp định này có hiệu lực và năm 2019 với cán cân thương mại nghiêng về xuất khẩu tới 10 tỷ USD - vượt chỉ tiêu kế hoạch.
"Điều quan trọng, khi có những hiệp định thương mại tự do như vậy, xuất khẩu có thể giảm bớt được sự phụ thuộc vào một khu vực thị trường nhất định, đa dạng hóa được thị trường xuất khẩu trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn", Thứ trưởng Khánh nhấn mạnh.
Trước đó, tại sự kiện ghi nhận xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam vượt mốc 500 tỷ USD, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng thừa nhận, việc đàm phán, ký kết 13 FTA, trong đó Hiệp định CPTPP đang phát huy tác dụng lớn cho hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam.
Năm 2019, xuất khẩu sang các thị trường có FTA phần lớn đều đạt tăng trưởng dương, như Asean tăng 2%, Nhật Bản tăng 7,7%, Hàn Quốc tăng 8,3%, New Zealand tăng 9,7%...
Cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục cải thiện theo hướng tích cực, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, chế tạo. Chúng ta đã tham gia một bước vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Tỷ trọng sản phẩm chế biến, chế tạo chiếm 84% tổng kim ngạch xuất khẩu. Nhiều mặt hàng chủ lực duy trì tốc độ tăng trưởng 2 con số như máy tính, sản phẩm gỗ, giày dép…
"Chúng ta đã tăng quy mô một số mặt hàng xuất khẩu tỉ trọng lớn, năm 2019 có 32 mặt hàng có kim ngạch trên 1 tỷ USD, có 6 mặt hàng có kim ngạch trên 10 tỷ USD chiếm tỷ trọng gần 93% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu. “Như vậy có thể nói nếu như quy mô số mặt hàng lớn mà đẩy lên được thì tổng kim ngạch xuất khẩu rất lớn”, Thủ tướng nêu rõ.