Thời sự
Không dễ thuê lao động từ AEC
Hải Hà - 23/01/2016 08:38
Mặc dù báo cáo của Manpower Group cho thấy, khó có thể có sự dịch chuyển lớn về lao động trong Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) trong năm 2016, song khả năng doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm nhận sự quản lý cấp trung và cấp từ AEC vẫn không hề nhỏ.

Lý do vẫn là nhu cầu về nguồn lực này đang tăng lên, nhất là với các doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu, du lịch hoặc có giao thương với các doanh nghiệp nước ngoài.

Ông Nguyễn Hồng Đài, Giám đốc Công ty APT Travel cho rằng, nguồn nhân lực về du lịch Việt Nam hoàn toàn có khả năng đáp ứng cầu và cung lao động, ông cũng không mong muốn tuyển dụng người nước ngoài. “Tuy nhiên, vì yêu cầu hội nhập đòi hỏi nhanh và chuẩn mực quốc tế, nên chúng tôi vẫn tiếp tục tuyển chuyên gia ở các vị trí marketing, quản lý thị trường và quản lý cấp cao từ khối AEC để công ty hoạt động hiệu quả và hội nhập nhanh nhất”, ông Đài cho biết.

.

Với mức lương cao hơn nhân sự Việt khoảng 20-30%, vào khoảng 1.000 - 2.000 USD/người, những người này chủ yếu có trình độ trong cả lĩnh vực chuyên môn và quan hệ với các đối tác ngoại. “Điều này còn có thể giúp doanh nghiệp đào tạo nhân lực theo từng nhóm. Theo tôi, về mặt này cả doanh nghiệp và người lao động đều có lợi", ông Đài khẳng định.

Dựa vào xu hướng thực tế, thời gian tới có thể một số ngành nghề đòi hỏi kỹ năng cao của Việt Nam sẽ hút lao động tay nghề cao từ AEC. Đứng đầu bảng này là kỹ sư công nghệ, kỹ sư xây dựng, nhất là kỹ sư hóa dầu. Ngành nghề tiếp theo  sẽ là du lịch.

Tất nhiên, không phải doanh nghiệp nào muốn cũng có thể đủ khả năng chi trả để thu hút nhân lực mình cần. Chính vì vậy, nhu cầu tìm kiếm nhân lực nước ngoài rơi chủ yếu vào các doanh nghiệp lớn. Ông Simon Matthews, Giám đốc Manpower Group khi đưa ra dự báo về thị trường lao động sau thành lập AEC cũng đã nhìn thấy thực tế này.

“Người lao động khi ra nước ngoài tìm việc thường đặt kỳ vọng mức lương cao hơn từ 20-30% so với làm việc ở nước họ, cộng với các phúc lợi như di chuyển, nhà ở, bảo hiểm y tế, trường học cho con cái... Trong AEC, Việt Nam không phải là thị trường lao động của mức lương tốt, dù đang tăng lên”, ông Simon phân tích.

Như vậy, với xu thế này, cơ hội lớn vẫn thuộc về người lao động trong nước, khi họ được các công ty phát triển để đáp ứng những kinh nghiệm, kỹ năng cần thiết thay vì phải thuê lao động nước ngoài.

Bên cạnh đó, việc dịch chuyển lao động này cũng đang vướng phải không ít rào cản. Theo cam kết, việc dịch chuyển lao động sẽ rơi vào 8 nghề đã được thỏa thuận công nhận kỹ năng lẫn nhau gồm: dịch vụ kỹ thuật; dịch vụ điều dưỡng; dịch vụ kiến trúc; dịch vụ khảo sát; hành nghề y khoa; hành nghề nha khoa; dịch vụ kế toán và hành nghề du lịch.  Nhưng Thái Lan có danh sách 39 nghề lao động nước ngoài không được làm, trong đó có 8 nghề mà AEC thỏa thuận. Mặc dù các quy định này có trước thời điểm 31/12/2015,  nhưng tới giờ, Thái Lan vẫn chưa thay đổi Luật Lao động của nước này, nên có thể hiểu chưa thể thực hiện được cam kết này.

Trong báo cáo nghiên cứu của Manpower Group, đến năm 2025, một nửa việc làm đòi hỏi tay nghề ở Campuchia, Indonesia, Lào, Philippines, Thái Lan và Việt Nam vẫn được thực hiện bởi lao động có tay nghề thấp. Sẽ có khoảng 26-27 triệu việc làm đòi hỏi kỹ năng thiếu lao động. Trong đó, Indonesia có tới 63% lao động không đạt tiêu chuẩn trình độ; Campuchia và Lào là 59% lao động quản lý, chuyên gia, kỹ sư không đạt tiêu chuẩn trình độ.

Tin liên quan
Tin khác