Tại Triển lãm Việt Nam - Nhật Bản lần thứ 5 về công nghiệp hỗ trợ vừa diễn ra ở Hà Nội, TMV có một gian trưng bày các sản phẩm muốn tìm kiếm nhà cung cấp trong các lĩnh vực hàn, dập, đúc, nhựa hoặc các chi tiết cao su. Tuy nhiên, cũng như các lần tham gia triển lãm khác, lần tìm kiếm “vệ tinh” này cho hoạt động sản xuất của TMV vẫn không mang lại kết quả.
| ||
Công ty Toyota Việt Nam hiện là nhà sản xuất có tỷ lệ nội địa hóa khá cao. Ảnh: Hà Thanh |
Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư, đại diện TMV cho hay, trong bối cảnh quy mô thị trường nhỏ, sản lượng phụ tùng cho ô tô không lớn, nên hầu như ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam chưa phát triển. Đứng trước tình hình đó, với mong muốn phát triển bền vững tại Việt Nam, để có thể gia tăng tỷ lệ nội địa hóa, bên cạnh việc nỗ lực mời gọi các nhà cung cấp phụ tùng của Toyota vào đầu tư tại Việt Nam, TMV đã phải tự tiến hành hai loại đầu tư song song. Đó là đầu tư nâng cao sản lượng lắp ráp và đầu tư sản xuất phụ tùng ngay tại nhà máy của mình.
Bằng việc đưa các xưởng dập, xưởng khung gầm xe và trung tâm nội địa hóa vào hoạt động, cũng như nỗ lực tìm kiếm mở rộng mạng lưới các nhà cung cấp trong nước, TMV hiện là nhà sản xuất có tỷ lệ nội địa hóa khá cao. Tổng số linh kiện đã nội địa hóa của TMV cho tất cả các dòng xe hiện lên tới 253 linh kiện và được cung cấp bởi 18 nhà cung cấp phụ tùng, gồm cả trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, tất cả các nhà cung cấp phụ tùng hiện có của TMV đều không phải là những gương mặt được phát hiện qua các kỳ triển lãm công nghiệp phụ trợ, nơi TMV với tư cách là người mua trưng ra những thứ mình cần mua để tìm người bán, đặc biệt là các doanh nghiệp ngay tại Việt Nam.
Thực tế này cũng cho thấy, khả năng đáp ứng của doanh nghiệp nội địa về công nghiệp phụ trợ vẫn tiếp tục là một thách thức lớn trong việc giữ chân các nhà sản xuất có tên tuổi.
Ông Lâm Chí Quang, Tổng giám đốc Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp, nhà đầu tư chiếm 30% vốn góp tại TMV cho hay, việc nâng cao tỷ lệ nội địa hóa là một yêu cầu khách quan của bất cứ quốc gia nào mong muốn có ngành sản xuất ô tô phát triển. Không những thế, tỷ lệ nội địa hóa cao còn tạo ra nhiều việc làm, tiếp thu được kỹ thuật và công nghệ cao, qua đó phát triển được nguồn nhân lực và góp phần giảm thâm hụt thương mại mậu dịch. Các nhà sản xuất ô tô cũng rất mong muốn có được nguồn cấp linh kiện tại Việt Nam, để giảm giá thành và chủ động hơn trong sản xuất.
Nhưng nội địa hóa hay phát triển công nghiệp phụ trợ cũng là điểm yếu dễ nhận thấy của công nghiệp ô tô Việt Nam sau gần 20 năm phát triển. Dựa vào chính mình để nội địa hóa các chi tiết, linh kiện là thực tế đang diễn ra tại các doanh nghiệp ô tô có tỷ lệ nội địa hóa lớn, như Toyota Việt Nam, Trường Hải hay Xuân Kiên.
Tại các buổi ra mắt mẫu xe mới với thị trường ô tô, những thông tin trả lời cho câu hỏi quen thuộc “mẫu xe đạt tỷ lệ nội địa hóa bao nhiêu” của giới báo chí luôn khiến những người quan tâm tới ngành công nghiệp ô tô thất vọng, bởi quá nhỏ. Không những vậy, số lượng mẫu xe nhập khẩu nguyên chiếc được giới thiệu ở thị trường Việt Nam vẫn tiếp tục gia tăng, trong khi mốc hội nhập hoàn toàn với khu vực ASEAN (năm 2018) đang ngày càng được rút ngắn.
Theo nhận xét của ông Chainarong Limpkittisin, Giám đốc điều hành Reed Tradex, đơn vị tổ chức các chuỗi sự kiện về công nghiệp phụ trợ ở khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đang đối mặt với sự cạnh tranh lớn từ các quốc gia láng giềng như Indonesia, Thái Lan, Malaysia, bởi họ cũng có các lợi thế tương tự.
“Việt Nam cần cải thiện hơn nữa cơ sở hạ tầng, cũng như thông thoáng hơn về các chính sách, thì mới có thể hấp dẫn dòng vốn ngoại”, ông Chainarong Limpkittisin khuyến cáo.
Hoàng Nam