Thừa nhận sự tồn tại của “hộ kinh doanh”
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Nguyễn Chí Dũng khẳng định, mặc dù có một số đề xuất đưa hộ kinh doanh vào phạm vi điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp, nhưng quan điểm của Chính phủ vẫn tiếp tục thừa nhận sự tồn tại của “hộ kinh doanh” là một hình thức kinh doanh, bên cạnh các loại hình doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần; đảm bảo sự đa dạng hình thức kinh doanh, trao thêm quyền cho nhà đầu tư lựa chọn hình thức kinh doanh phù hợp.
“Không ép buộc hành chính hộ kinh doanh phải chuyển thành doanh nghiệp hoặc xóa bỏ hình thức hộ kinh doanh”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Thẩm tra Dự án Luật doanh nghiệp sửa đổi, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, nhiều ý kiến cho rằng, việc đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp là không phù hợp vì Luật Doanh nghiệp quy định về việc thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan của doanh nghiệp; quy định về nhóm công ty, không liên quan đến hoạt động của hộ kinh doanh.
“Nếu điều chỉnh phạm vi, đưa đối tượng này vào Luật Doanh nghiệp thì tên gọi của luật phải đổi là Luật Doanh nghiệp và hộ kinh doanh. Có ý kiến đề nghị nghiên cứu xây dựng một luật riêng về hộ kinh doanh, vì hộ kinh doanh không phải là một loại hình doanh nghiệp”, ông Thanh nói thêm.
Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại, ông Nguyễn Văn Giàu (người từng chịu trách nhiệm chủ trì thẩm tra Luật Doanh nghiệp hiện hành) cùng nhiều thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khẳng định: “Không đồng ý đưa hộ kinh doanh vào phạm vi điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp”.
“Hộ kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán, không phải thực hiện chế độ kế toán, hoá đơn, chứng từ, chế độ kiểm soát... như doanh nghiệp; mô hình hoạt động, quản trị, điều hành của hộ kinh doanh cũng không phải là công ty TNHH, công ty cổ phần, doanh nghiệp tư nhân vậy đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp để làm gì?”, ông Giàu đặt câu hỏi.
“Nhiều người sợ, không điều chỉnh hộ kinh doanh trong Luật Doanh nghiệp thì đối tượng này không có pháp luật điều chỉnh, không tạo điều kiện cho đối tượng này phát triển. Vậy tôi hỏi lại, từ trước đến nay, hộ kinh doanh chỉ được điều chỉnh bằng nghị định của Chính phủ không phát triển hay ngược lại hộ kinh doanh vẫn hoạt động bình thường, vẫn phát triển cả về số lượng và quy mô”, ông Giàu nhấn mạnh quan điểm không ủng hộ đưa hộ kinh doanh vào phạm vi điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp.
Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, ông Trần Văn Tuý cho rằng, nếu đưa hộ kinh doanh vào phạm vi điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp cũng không thêm cơ chế, chính sách gì khuyến khích, hỗ trợ đối tượng này và càng không khuyến khích hộ kinh doanh thành lập doanh nghiệp theo tinh thần của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Ông Tuý cho rằng, luật hoá hộ kinh doanh dường như hướng đến tăng cường sự quản lý nhà nước với đối tượng này trong lĩnh vực thuế, môi trường, sử dụng lao động, bảo hiểm y tế… “Hộ kinh doanh cũng như doanh nghiệp, nếu sử dụng lao động thì phải thực hiện pháp luật về bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, lao động, an toàn vệ sinh lao động... Hộ kinh doanh cũng phải nộp các loại thuế, nếu mình lo thất thu thuế ở đối tượng này thì phải tăng cường quản lý thuế khoán chứ không vì quản lý nhà nước mà luật hoá hộ kinh doanh sẽ gây hoang mang cho hơn 5 triệu hộ kinh doanh hiện nay”, ông Tuý nhấn mạnh.
Khuyến khích thành lập doanh nghiệp thay vì luật hóa hộ kinh doanh
Theo quan điểm của ông Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính-Ngân sách vấn đề làm sao phải khuyến khích hộ kinh doanh thành lập doanh nghiệp chứ không phải đưa đối tượng này vào Luật Doanh nghiệp.
“Cá nhân sửa xe, bán nước, bán hàng ăn sáng, cửa hàng tạp hóa... đã tồn tại hàng chục năm, họ đang hoạt động bình thường, giải quyết công ăn việc làm cho bản thân, cho gia đình và tạo việc làm cho xã hội, tự nhiên đưa vào Luật Doanh nghiệp để quản lý thì họ được cái gì? Vấn đề là làm sao khuyến khích hộ kinh doanh thành lập doanh nghiệp vì khi thấy kinh doanh theo mô hình doanh nghiệp tốt hơn là hộ kinh doanh. Ví dụ, hộ gia đình sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ, hàng chục năm vẫn hoạt động bình thường, không có nhu cầu lên doanh nghiệp thì có đưa vào phạm vi điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp cũng không giải quyết được việc gì. Nhưng khi hoạt động du lịch phát triển, doanh thu hàng thủ công mỹ nghệ tăng lên, chắc chắn hộ kinh doanh sẽ thành lập doanh nghiệp vì họ thấy kinh doanh theo hộ không còn phù hợp, không thể phát triển được”, ông Hải lấy ví dụ.
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, ông Nguyễn Hạnh Phúc cũng cho rằng, vấn đề là làm sao khuyến khích được hộ kinh doanh thành lập doanh nghiệp chứ không phải là “ép” đối tượng này vào Luật Doanh nghiệp. “Đưa hộ kinh doanh vào luật này thì được cái gì, cần phải có báo cáo đánh giá tác động. Nếu cứ chủ quan duy ý trí thì sẽ xảy ra tình trạng hàng loạt hộ kinh doanh đóng cửa. Hộ gia đình, cá nhân tuyệt đại kinh doanh nhỏ lẻ, sử dụng chính nhà ở của mình là địa điểm kinh doanh, tạo việc làm cho bản thẩn và cho gia đình, nếu chủ quan đưa ngay vào Luật Doanh nghiệp thì sẽ gây ra chuấn động. Vấn đề là làm sao có cơ chế, chính sách, hỗ trợ để hộ kinh doanh phát triển và tự nguyện thành lập doanh nghiệp”, ông Phúc nói.
Mặc dù Luật Doanh nghiệp 2014 mới thi hành được 5 năm, nhưng bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp và tất các các thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đồng tình quan điểm phải sửa đổi toàn diện Luật Doanh nghiệp để tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia kinh doanh, tạo môi trường đầu tư thuận lợi, nhưng việc đưa hộ kinh doanh vào phạm vi điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp, theo bà Nga phải nghiên cứu hết sức thận trọng.
“Đưa bất cứ một chủ thể nào vào phạm vi điều chỉnh của văn bản quy phạm pháp luật phải hết sức cân nhắc và phải có báo cáo đánh giá tác động. Đưa hộ kinh doanh vào phạm vi điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp lại càng phải cẩn trọng vì không chỉ tác động, ảnh hưởng, gây xáo trộn tới đời sống của hơn 5 triệu hộ kinh doanh mà là hàng chục triệu người đang tham gia kinh doanh hộ, gia đình, người thân và người lao động cho hộ kinh doanh”, bà Nga cảnh báo.
Quan điểm của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân là ủng hộ sửa đổi Luật Doanh nghiệp (và cả Luật Đầu tư) cho phù hợp với thực tiễn cuộc sống, nhưng dứt khoát muốn điều chỉnh hộ kinh doanh trong luật thì phải có báo cáo đánh giá tác động xem ảnh hưởng, tác động thế nào tới đối tượng được điều chỉnh, tới xã hội. Nếu điều chỉnh mà không tốt hơn so với hiện hành thì không điều chỉnh.