TIN LIÊN QUAN | |
Đề xuất bỏ thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư | |
Luật Doanh nghiệp loại bỏ rào cản môi trường kinh doanh | |
Không để tư duy cũ trói buộc dòng vốn đầu tư |
Mặc dù khẳng định, sau khi thành lập doanh nghiệp, nhà đầu tư chỉ cần đăng ký lĩnh vực đầu tư qua mạng Internet, trong 5-7 ngày sẽ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư để tiến hành triển khai dự án, nhưng Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cũng không dám chắc khi nào doanh nghiệp mới có thể triển khai được dự án thuộc lĩnh vực kinh doanh có điều kiện vì còn phải “chạy” không biết bao nhiêu loại giấy tờ do các luật chuyên ngành khác quy định.
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: "Hơn 330 lĩnh vực kinh doanh có điều kiện là quá nhiều, làm nản lòng doanh nghiệp" |
“Hiện có khoảng 330 lĩnh vực kinh doanh có điều kiện. Và tôi cũng phải nói thật rằng, ngay bản thân tôi cũng không thể biết hết được để có thể sản xuất, kinh doanh đối với lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, doanh nghiệp cần phải có bao nhiêu loại giấy tờ vì các loại giấy tờ này đều do luật chuyên ngành quy định, thậm chí có điều kiện do địa phương ban hành”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh chia sẻ với các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết, không chỉ lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, ngay cả lĩnh vực kinh doanh bình thường, doanh nghiệp cũng than phiền rất nhiều về thủ tục phiền hà, trong khi đó thủ thủ tục thành lập doanh nghiệp và đăng ký đầu tư ngày một đơn giản, thông thoáng, tiếp cận với mặt bằng chung của thế giới.
“Về nguyên tắc chung, doanh nghiệp chỉ mất 7-15 ngày là đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư và họ có quyền triển khai dự án. Nhưng để triển khai được dự án, doanh nghiệp phải đáp ứng điều kiện về môi trường nếu sản xuất - kinh doanh có ảnh hưởng đến môi trường, đáp ứng điều kiện về xây dựng nếu xây dựng nhà xưởng… Tất cả các quy định này đều do luật chuyên ngành điều chỉnh”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết.
Để tiếp tục cải cách môi trường kinh doanh, Dự thảo Luật Đầu tư sửa đổi sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 sắp diễn ra (tháng 5/2014) quy định cụ thể 5 lĩnh vực đầu tư có điều kiện gồm, lĩnh vực ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; văn hóa, thông tin, báo chí, xuất bản, in và phát hành xuất bản phẩm; dịch vụ giải trí; khảo sát, tìm kiếm, thăm dò, khai thác tài nguyên thiên nhiên; y tế, giáo dục.
“Như vậy, trừ những lĩnh vực kể trên, sau khi thực hiện đăng ký đầu tư qua mạng Internet khoảng 15 ngày, doanh nghiệp đã có thể tiến hành triển khai dự án”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh tự tin, nhưng ông vẫn không khỏi băn khoăn, những quy định thông thoáng của Luật Đầu tư sẽ bị hạn chế bởi các luật chuyên ngành đưa ra các quy định về kinh doanh có điều kiện.
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh chia sẻ, ông đã đọc rất kỹ 330 lĩnh vực kinh doanh có điều kiện và tự hỏi liệu nhiều lĩnh vực có cần thiết phải có điều kiện hay không? Nhiều lĩnh vực cần điều kiện liệu có cần thiết phải quy định đầu tư ở bất cứ khu vực nào, phân ngành hẹp nào có cần thiết phải có điều kiện hay không?
"Tôi cho rằng, 330 lĩnh vực kinh doanh có điều kiện hiện nay là quá nhiều và cần phải sớm loại bỏ khỏi danh mục nhiều lĩnh vực kinh doanh có điều kiện”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nêu quan điểm.
Để Luật Đầu tư sửa đổi thực sự là cơ hội cải cách thể chế, giảm thiểu thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng hơn, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết ông đang chỉ đạo các cơ quan chức năng của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiến hành rà soát để thu hẹp lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, dỡ bỏ tất cả các rào cản không cần thiết mới mong tạo được làm sóng kinh doanh mới.
“Nói thật, đây là cuộc “đấu tranh” không hề đơn giản với các bộ ngành, vì bộ ngành nào cũng muốn áp đặt điều kiện kinh doanh để tăng cường quản lý nhà nước. Biết là khó nhưng chúng tôi đặt quyết tâm đến tháng 10 sẽ có danh sách lĩnh vực kinh doanh có điều kiện trên nguyên tắc khi đưa lĩnh vực nào vào danh sách này phải trả lời được câu hỏi: “Có cần thiết phải có điều kiện không? Nếu không thì ảnh hưởng thế nào tới quyền tự do của doanh nghiệp và chức năng quản lý nhà nước? Nếu không có câu trả lời thỏa đáng thì dứt khoát loại bỏ ra khỏi danh mục kinh doanh có điều kiện”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói.
Cũng như các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khác, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng bày tỏ quan điểm ủng hộ thái độ cương quyết của Bộ Kế hoạch và Đầu tư mà đứng đầu là Bộ trưởng Bùi Quang Vinh trong việc giảm thiểu lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, trả lại quyền kinh doanh cho người dân.
“Có địa phương đưa ra điều kiện chẳng giống ai là công trình trên địa bàn phải sử dụng sản phẩm xi măng của địa phương. Nếu bộ ngành nào, địa phương nào cũng áp đặt điều kiện kinh doanh thì làm gì còn tự do kinh doanh”, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng chia sẻ.
Về vấn đề này, trong khi Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển: “Chấp nhận Luật Đầu tư sửa đổi có thể rất dài nếu quy định cụ thể tất cả các lĩnh vực kinh doanh có điều kiện nhằm tránh trường hợp không chỉ có bộ ngành, thậm chí cả địa phương cũng áp đặt điều kiện kinh doanh”, thì Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, nếu không luật hóa được thì phải đưa ra nguyên tắc cụ thể về lĩnh vực đầu tư có điều kiện và các luật chuyên ngành phải căn cứ vào nguyên tắc này khi đưa điều kiện kinh doanh. “Nếu không đúng nguyên tắc, dứt khoát các luật chuyên ngành không được áp đặt điều kiện kinh doanh”, bà Ngân nói.
“Để tránh tình trạng áp đặt điều kiện một cách chủ quan, Luật Đầu tư sửa đổi sẽ được thiết kế theo hướng, chỉ có Chính phủ mới được ban hành lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, còn tất cả các bộ ngành, địa phương không được tự ý ban hành thêm điều kiện kinh doanh làm nản lòng nhà đầu tư”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết.
Mạnh Bôn