Cùng với những với những thay đổi rõ rệt của thời tiết giao mùa, việc hạn chế, giảm thiểu các hoạt động sản xuất, giao thông do ảnh hưởng của dịch COVID-19 đã khiến chất lượng không khí trong tháng 3/2020, tại một số đô thị duy trì ở mức khá tốt.
Tuy nhiên, tại Thủ đô Hà Nội vẫn có những ngày giá trị trung bình 24 giờ thông số bụi mịn PM2.5 vượt giới hạn cho phép của Quy chuẩn Việt Nam.
Bụi mịn tại Hà Nội vẫn cao
Đánh giá lại tình hình chất lượng không khí trong tháng 3/2020, Tổng cục Môi trường cho biết tháng Ba vừa qua là thời gian giao mùa trong năm với những thay đổi rõ rệt của thời tiết. Nhiệt độ trung bình ngày tăng cao hơn những tháng trước đó, tuy nhiên kèm theo đó là những ngày mưa ẩm, không còn kiểu thời tiết khô hanh.
Chính những yếu tố thời tiết này cùng với việc hạn chế, giảm thiểu các hoạt động sản xuất, giao thông… đã khiến cho chất lượng không khí tại Thủ đô Hà Nội và một số đô thị trên cả nước có sự thay đổi so với những tháng trước.
Kết quả quan trắc trong tháng 3/2020 cho thấy chất lượng không khí ở hầu hết các đô thị trên cả nước đều duy trì ở mức khá tốt với tất cả các thông số đặc trưng nằm trong ngưỡng giới hạn cho phép.
Giá trị trung bình 24 giờ thông số bụi mịn PM2.5 tại các đô thị cũng nằm trong ngưỡng giới hạn cho phép của Quy chuẩn Việt Nam.
Tuy nhiên, tại Thủ đô Hà Nội, trong tháng Ba vẫn có những ngày thông số bụi mịn PM2.5 vượt giới hạn cho phép, tập trung chủ yếu vào tuần thứ 2 của tháng. Đây cũng là khoảng thời gian có thời tiết biến động nhiều nhất.
Cụ thể, từ ngày 7-9/3, thời tiết sáng sớm trời âm u, trưa chiều trời nắng, nhiệt độ tăng trong ngày khá cao. Riêng ngày 9/3, nhiệt độ lên tới 32 độ C. Từ ngày 10/3, do ảnh hưởng của không khí lạnh, trời chuyển nhiều mây, thời gian có sương mù buổi sáng kéo dài.
“Riêng ngày 16/3, tình trạng sương mù kéo dài trong ngày. Đây cũng là ngày có giá trị trung bình 24 giờ của bụi mịn PM2.5 cao nhất tháng Ba, vượt gấp 2 lần giới hạn cho phép của Quy chuẩn Việt Nam,” đại diện Tổng cục Môi trường nhấn mạnh.
Phân tích diễn biến chất lượng không khí theo chỉ số ô nhiễm không khí (AQI) cho thấy tại Hà Nội có 13/31 ngày chất lượng không khí ở mức kém (AQI từ 101-150), tập trung khoảng thời gian từ 6-17/3. Tại các đô khác, chất lượng không khí đều duy trì ở mức trung bình (AQI từ 51-100) hoặc tốt (AQI từ 0-50).
Tại các khu vực nội thành của Thủ đô Hà Nội, kết quả quan trắc của Tổng cục Môi trường chỉ ra khá nhiều khu vực có thông số bụi mịn PM2.5 vượt giới hạn cho phép của Quy chuẩn Việt Nam.
Thời điểm có giá trị bụi mịn PM2.5 vượt giới hạn cho phép tập trung chủ yếu từ 6-17/3. Tuy nhiên, mức độ ô nhiễm có giảm hơn so với tháng Một và tháng Hai.
PM2.5 cao nhất vào thời gian nào?
Theo đại diện Tổng cục Môi trường, từ Tết Nguyên đán cho tới nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, khiến các trường đại học, trung học phổ thông… trên địa bàn thành phố Hà Nội đều nghỉ, lượng phương tiện tham gia giao thông cũng giảm hơn trước nên có thể những tác động ô nhiễm do hoạt động giao thông cũng có giảm hơn.
Trong đó, khoảng thời gian từ sau ngày 20/3 đến cuối tháng Ba, giá trị thông số bụi mịn PM2.5 trung bình 24 giờ tại các trạm tiếp tục có xu hướng giảm.
Tuy nhiên, kết quả tính toán chỉ số AQI ngày tại các trạm của Hà Nội trong tháng Ba cho thấy vẫn có 2/31 ngày chất lượng không khí ở mức xấu (AQI từ 151-200) ở đa số các trạm; 9/31 ngày chất lượng không khí ở mức kém (AQI từ 100-150).
Theo dõi diễn biến trong ngày đối với những ngày ô nhiễm không khí ở mức khá cao (ngày 15-16/3) cho thấy thời điểm bụi mịn PM2.5 cao nhất trong ngày tập trung vào thời gian ban đêm và sáng sớm.
Đánh giá chất lượng không khí trong 3 tháng đầu năm, Tổng cục Môi trường cho biết mặc dù tình trạng ô nhiễm không khí vẫn diễn ra khá phổ biến tại khu vực nội thành Hà Nội nhưng mức độ ô nhiễm có giảm hơn so với 2 tháng trước đó.
Tại các đô thị khác, chất lượng không khí đều duy trì ở mức tốt và trung bình.
“Có thể thấy rằng những biến động của yếu tố thời tiết trong giai đoạn giao mùa, cùng với việc giảm lượng phương tiện tham gia giao thông và một số hoạt động sản xuất, dịch vụ do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 cũng có những tác động đáng kể đến chất lượng không khí,” Tổng cục Môi trường nhấn mạnh.
Tuy nhiên, Tổng cục Môi trường cũng lưu ý, thời gian tới cần tiếp tục theo dõi diễn biến chất lượng không khí, đặc biệt là khoảng thời gian sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 15/CT-TTg và Chỉ thị số 16/CT-TTg về cách ly xã hội… để có thể đưa ra những đánh giá cụ thể hơn về ảnh hưởng của các hoạt động sản xuất, giao thông tới chất lượng không khí của các khu vực đô thị./.