Sáng nay, báo cáo trước Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội năm 2015 và 5 năm 2011 - 2015; phương hướng, nhiệm vụ 5 năm 2016 - 2020 và năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã dành thời gian để báo cáo Quốc hội về đàm phán gia nhập TPP.
Theo khẳng định của Thủ tướng, Việt Nam đã chủ động tham gia đàm phán hiệp định này ngay từ đầu với tư cách là quan sát viên đặc biệt và trở thành thành viên chính thức từ tháng 11/2010. Đồng thời, trong quá trình xây dựng phương án và đàm phán, Chính phủ đã nhiều lần báo cáo và luôn thực hiện nghiêm túc các chủ trương về hội nhập quốc tế theo nghị quyết và các chỉ đạo cụ thể của Bộ Chính trị, nhất là bảo đảm lợi ích quốc gia cao nhất, không ký kết Hiệp định bằng mọi giá; các nước tôn trọng thể chế chính trị của nước ta và có đối xử linh hoạt, dành cho Việt Nam lộ trình thực thi phù hợp.
“Khi kết thúc đàm phán, chúng ta đạt được kết quả theo đúng chủ trương, chỉ đạo nêu trên và phương án đã được Bộ Chính trị phê duyệt”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói và cho biết, theo thỏa thuận, các bên tiếp tục hoàn tất các văn bản, thủ tục để có thể cùng ký chính thức Hiệp định vào cuối năm 2015 hoặc đầu năm 2016.
Sau đó, các nước sẽ tiến hành phê chuẩn Hiệp định theo quy định pháp luật của mỗi nước với mục tiêu là đưa Hiệp định có hiệu lực từ giữa năm 2017 hoặc đầu năm 2018.
“Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét phê chuẩn Hiệp định theo đúng quy định của pháp luật”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng báo cáo.
Cũng theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, việc thực hiện Hiệp định TPP sẽ tạo thêm nhiều cơ hội, thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội nước ta, nhất là tăng mạnh xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài, góp phần tăng trưởng kinh tế cao hơn, nhưng đồng thời cũng phải đối mặt với những khó khăn, thách thức.
“Đối với một số ngành hàng khả năng cạnh tranh còn thấp, đàm phán đã đạt được lộ trình với thời gian thực thi phù hợp để giúp các doanh nghiệp tái cơ cấu, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh”, Thủ tướng cho biết và nhấn mạnh rằng, việc thực hiện thành công Hiệp định TPP tùy thuộc rất lớn vào sự nỗ lực phấn đấu nâng cao nội lực và sức cạnh tranh của từng sản phẩm, từng doanh nghiệp và của cả nền kinh tế.
“Với những kinh nghiệm trong quá trình mở cửa, hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là sau hơn 8 năm gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp và với bản lĩnh, trí tuệ của người Việt Nam, chúng ta tin tưởng rằng sẽ vượt qua được khó khăn thách thức, phát huy tối đa cơ hội, thuận lợi, phấn đấu đạt kết quả cao nhất trong thực hiện Hiệp định TPP, góp phần đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ đất nước”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo dự kiến, tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội Khóa XIII, Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội về đàm phán TPP. Đây là một nội dung mới, được đông đảo các đại biểu Quốc hội và dư luận xã hội quan tâm.
Việc thực thi TPP sẽ dẫn tới việc phải sửa đổi, cải cách nhiều cơ chế, chính sách, do vậy, việc báo cáo Quốc hội về nội dung này được cho là rất cần thiết.