USD đứng im bất chấp Fed tăng lãi suất
Hôm qua (22/3, theo giờ Việt Nam), Fed đã kết thúc phiên họp chính sách tiền tệ tháng 3/2018. Gần như 100% các nhận định đưa ra trước phiên họp đều tin tưởng Fed tăng lãi suất USD thêm 0,25%. Tuy nhiên, phản ứng của thị trường mới là điều khiến dư luận bất ngờ.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, TS. Nguyễn Tú Anh, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước - NHNN) cho hay, thông thường, mỗi khi Fed tăng lãi suất, dòng tiền sẽ có xu hưởng rút ra khỏi các thị trường khác và chảy về Mỹ. Song với lần họp tăng lãi suất này của Fed, dòng tiền vẫn tiếp tục chảy khỏi Mỹ, đổ vào các nước đang phát triển.
Năm 2017, Ngân hàng Nhà nước mua 13 tỷ USD bổ sung vào dự trữ ngoại hối, đồng nghĩa với một lượng lớn tiền đồng đã được bơm ra. |
Cũng chung nhận định này, ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Giám đốc Bộ phận Phân tích và Tư vấn đầu tư khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán SSI cho rằng, ngay cả khi Fed tăng lãi suất, cũng không cần phải lo ngại về dòng vốn nước ngoài sẽ rút khỏi Việt Nam.
Theo phân tích của chuyên gia này, giới đầu tư ngày càng hoài nghi về khả năng thực thi các chính sách của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Cùng với đó, các dấu hiệu kinh tế hồi phục không chỉ ở Mỹ, mà trên phạm vi toàn cầu đã khiến dòng vốn nhanh chóng quay trở lại các kênh đầu tư mạo hiểm, bao gồm cổ phiếu và thị trường mới nổi.
Ngoài sự ổn định của dòng vốn ngoại, việc Fed tăng lãi suất cũng được dự báo từ năm ngoái và đã phản ánh vào giá cả thị trường. Bên cạnh đó, nguồn ngoại tệ trong nước dồi dào, thanh khoản dư thừa khiến quyết định tăng lãi suất của Fed không tác động nhiều đến thị trường ngoại tệ và tỷ giá trong nước. Theo quan sát của Báo Đầu tư, thị trường hai ngày qua không biến động đáng kể.
Hiện tỷ lệ dự trữ ngoại hối trong nước ở mức kỷ lục, đạt gần 60 tỷ USD tính đến cuối tháng 2/2018, tương đương 3 tháng (hơn 13 tuần) nhập khẩu. Các thương vụ cổ phần hóa lớn, xuất siêu, kiều hối, giải ngân vốn FDI tăng mạnh… cũng đang hỗ trợ tích cực cho tỷ giá. Theo chuyên gia kinh tế, TS. Cấn Văn Lực, kể cả khi Fed tăng lãi suất, tỷ giá năm nay cũng sẽ không tăng quá 2%.
Lo nhất chuyện bơm - hút tiền
Không lo ngại tỷ giá sẽ “nổi sóng” khi Fed tăng lãi suất USD, song NHNN lại đang lo ngại lạm phát có thể bật tăng trở lại. Chỉ riêng trong năm 2017, NHNN đã mua 13 tỷ USD bổ sung vào dự trữ ngoại hối, con số này tiếp tục tăng quý I/2018. Đồng nghĩa với lượng lớn ngoại tệ được hút vào là một lượng lớn tiền đồng được bơm ra.
Thống kê của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho thấy, từ đầu năm đến nay, NHNN đã bơm ra thị trường hàng chục ngàn tỷ đồng để tăng mua ngoại tệ dự trữ. Động thái này, theo Công ty Chứng khoán Bảo Việt, đã cho thấy sự thận trọng của nhà điều hành trong việc điều tiết cung tiền nhằm hạn chế rủi ro đối với lạm phát.
Năm 2017, NHNN đã hết sức thận trọng với lạm phát, cật lực bơm, hút tiền. TS. Nguyễn Thị Kim Thanh, chuyên gia ngân hàng cho rằng, NHNN đã rất thành công trong sử dụng các giải pháp để trung hòa dòng tiền, vừa tăng dự trữ ngoại tệ, vừa thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát.
Mặc dù vậy, việc dư thừa thanh khoản tiền đồng trong hệ thống ở mức cao như hiện nay cũng gây nhiều lo ngại. Đáng mừng là một lượng lớn tiền đồng đang được “nhốt” tại Kho bạc Nhà nước, chưa được bơm ra nền kinh tế. Song tới đây, nếu tín dụng ồ ạt chảy, lượng tiền lớn này đổ vào nền kinh tế, nguy cơ lạm phát quay trở lại là rất lớn. Chưa kể, dòng vốn đầu tư FDI, FDII, kiều hối… cũng đang tăng lên.
Trong bối cảnh này, trung hòa dòng tiền có lẽ là bài toán nan giải nhất của NHNN, nếu không, sẽ dẫm lại vết xe đổ năm 2008.
Riêng về tỷ giá, dù trước mắt chưa đáng ngại, song nếu Fed tăng lãi suất USD 4 lần trong năm 2018 và có xu hướng tăng tiếp, theo các chuyên gia, NHNN cũng sẽ phải dè chừng.