Điểm nóng
Không phải đổi ngay chứng minh thư sang thẻ căn cước công dân
Xuân Tùng - 30/12/2015 21:28
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính và trật tự an toàn xã hội (Bộ Công an), Thiếu tướng Trần Văn Vệ cho biết từ 1/1/2016 công dân không nhất thiết phải đổi chứng minh nhân dân sang thẻ căn cước công dân khi chứng minh nhân dân vẫn còn giá trị.
Người dân đến làm chứng minh nhân dân 12 số tại Phòng PC64 Công an Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN)


Từ 1/1/2016, 16 tỉnh, thành phố sẽ bắt đầu triển khai cấp thẻ căn cước công dân cho công dân từ 14 tuổi trở lên.

Bên cạnh đó, các địa phương khác vẫn tiếp tục cấp chứng minh nhân dân 12 số thay cho 9 số.

Đến 1/1/2020 mới triển khai việc cấp thẻ căn cước công dân trên toàn quốc. Như vậy, từ 1/1/2016 sẽ có chứng minh nhân dân 9 số, 12 số và thẻ căn cước công dân cùng tồn tại.

"Từ 1/1/2016, người dân có thể dùng 1 trong 3 loại giấy tờ trên trong các giao dịch dân sự, thủ tục hành chính..." - Thiếu tướng Trần Văn Vệ cho biết.

Thẻ Căn cước công dân có một số thay đổi nhằm giảm thiểu tối đa những giấy tờ hành chính cho công dân, đồng thời giúp cho thủ tục hành chính đơn giản, gọn nhẹ và nhanh chóng hơn.

Thẻ Căn cước công dân được gắn mã số định danh của từng người, cơ quan quản lý nên chỉ cần tra mã số trên hệ thống dữ liệu là có thể nắm được thông tin của cá nhân một cách nhanh chóng.

Bên cạnh đó, Thiếu tướng Trần Văn Vệ lưu ý mẫu thẻ căn cước công dân hiện chỉ có tiếng Việt. Trong quá trình đất nước hội nhập, tùy theo nội dung Việt Nam thỏa thuận với quốc tế, cơ quan chức năng sẽ xem xét việc tích hợp hộ chiếu cùng với thẻ căn cước công dân. Còn hiện nay, khi ra nước ngoài, người dân vẫn phải sử dụng hộ chiếu.

Thiếu tướng Trần Văn Vệ cho biết, khi tiến hành cấp chứng minh nhân dân 12 số trong thời gian qua đã có thực trạng trong các giao dịch ngân hàng, công chứng... mà mã số của chứng minh nhân dân 12 số không trùng khớp với số chứng minh nhân dân 9 số cũ, người dân phải mất thời gian, công sức để xác nhận việc đổi chứng minh nhân dân mới.

Do đó khi triển khai cấp thẻ căn cước công dân, Tổng cục Cảnh sát đã xem xét vấn đề này và đề nghị Bộ Công an có thông tư để giải quyết những phiền hà cho người dân. Theo đó, trong thời gian tới, khi người dân làm thủ tục cấp đổi Chứng minh nhân dân sang thẻ căn cước công dân, cán bộ tiếp nhận sẽ cắt góc chứng minh nhân dân cũ và trả cho người dân giữ.

Khi gặp khó khăn trong việc công chứng, hay giao dịch ngân hàng..., người dân có thể xuất trình chứng minh nhân dân cũ đã bị cắt góc và các cơ quan liên quan phải có trách nhiệm giải quyết. Ngoài ra, người dân có nhu cầu cũng sẽ được cơ quan chức năng cấp giấy xác nhận về việc thay đổi số chứng minh nhân dân sang thẻ căn cước công dân.

Theo Luật Căn cước công dân, từ 1/1/2016, thẻ căn cước cấp cho công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi và được đổi thẻ khi đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi.

Việc cấp, đổi, cấp lại thẻ căn cước công dân được tổ chức thực hiện tại một trong các nơi sau: Cơ quan quản lý Căn cước công dân của Bộ Công an; cơ quan quản lý Căn cước công dân của Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; cơ quan quản lý căn cước công dân của Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và đơn vị hành chính tương đương.

Ngoài ra, cơ quan quản lý căn cước công dân cũng có thẩm quyền tổ chức làm thủ tục cấp thẻ căn cước công dân tại xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị hoặc tại chỗ của công dân trong trường hợp cần thiết./.

Tin liên quan
Tin khác