Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, không quy định mức chiết khấu tối thiểu nhằm giảm sự can thiệp của Nhà nước vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. |
Góp ý cho Dự thảo nghị định sửa đổi Nghị định 95/2021/NĐ-CP và Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nêu nhiều quan điểm liên quan đến công thức giá, phương thức giá điều hành giá xăng dầu; quy định chiết khấu tối thiểu, quỹ bình ổn và thời gian điều hành/công bố giá....
Về công thức giá và phương thức điều hành giá xăng dầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị tiếp tục điều hành giá xăng dầu theo quy định hiện hành và sửa đổi công thức giá cơ sở nhằm đảm bảo tính đúng, tính đủ các chi phí thực tế phát sinh của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trong quá trình kinh doanh; rà soát các quy định về phương thức xác định các chi phí, tần suất xác định các chi phí để có cơ sở điều chỉnh kịp thời.
"Điều này đảm bảo phát huy vai trò quản lý chặt chẽ mặt hàng xăng dầu của Nhà nước, lợi ích doanh nghiệp và người dân, giá xăng dầu có sự thống nhất giữa các địa bàn", Bộ KH&ĐT nêu.
Liên quan đến vấn đề chiết khấu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đồng tình với phương án 1 của Bộ Công thương đưa ra là không quy định cụ thể mức chiết khấu. Bộ cho rằng, việc không quy định mức chiết khấu tối thiểu nhằm bảo đảm hài hoà lợi ích trong từng giai đoạn, phù hợp với cung cầu xăng dầu trên thị trường trong từng thời điểm, giảm sự can thiệp của Nhà nước vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Thực tế, quan điểm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về chiết khấu hiện ngược với các ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp, Bộ Tài chính. Các doanh nghiệp bán lẻ thì cho rằng, chiết khấu là công cụ hữu hiệu để họ tồn tại, do đó các doanh nghiệp đã gửi đơn kiến nghị Chính phủ về sự cần thiết phải có quy định mức chiết khấu 5 - 6% trên giá bán lẻ.
Liên quan đến quy định cho phép đại lý bán lẻ lấy hàng từ nhiều nguồn, Bộ đề nghị Bộ Công thương phân tích, đánh giá tính khả thi với các phương án cho phép, hoặc không cho phép đại lý lấy hàng từ nhiều nguồn, cơ sở pháp lý điều chỉnh tương ứng mà vẫn đảm bảo khả năng kiểm soát về chất lượng, nguồn gốc của cơ quan quản lý nhà nước, báo cáo Thủ tướng xem xét, phê duyệt.
Bộ cũng đề nghị Bộ Công thương phân tích, đánh giá và kiểm tra thực tế để đề xuất chu kỳ điều hành giá phù hợp, 10 ngày như hiện nay hay rút ngắn xuống còn 7 ngày, tránh xảy ra hiện tượng thị trường bất ổn như vừa qua.
Về ý kiến đề nghị giao một đầu mối quản lý xăng dầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu, Dự thảo của Bộ Công thương chưa nêu cụ thể các khó khăn, vướng mắc trong điều hành giá xăng dầu trong năm, chưa đánh giá về sự phù hợp của kiến nghị với các quy định pháp lý hiện hành, tác động tới công tác quản lý mặt hàng xăng dầu, do đó, Bộ đề xuất Bộ Công thương nghiên cứu, bổ sung, tham khảo ý kiến Bộ Tài chính, cơ quan trực tiếp được đề xuất giao chủ trì để thống nhất trước khi trình Chính phủ.
Đối với quản lý và sử dụng Quỹ bình ổn giá (BOG), Bộ KH&ĐT thống nhất chọn phương án 2 theo đề xuất mà Bộ Công thương nêu trong Dự thảo, tuy nhiên Bộ đề nghị Bộ Công thương làm rõ căn cứ và cơ sỏ đề xuất "mức biến động tăng từ 10% trở lên và giảm từ 7% trở lên"
Ở lần sửa đổi này, Bộ Công thương đề xuất tiếp tục giữ công vụ BOG để điều hành giá xăng dầu, tuy nhiên có sửa đổi theo hướng quy định nguyên tắc sử dụng công cụ Quỹ bình ổn giá cụ thể. Theo đó, cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ can thiệp điều hành giá thông qua việc điều chỉnh mức trích lập, chi Quỹ bình ổn giá khi giá xăng dầu công bố kỳ này so với kỳ công bố giá liền trước có biến động tăng từ 10% trở lên hoặc giảm từ 7% trở lên.
Về dự trữ lưu thông bắt buộc, quan điểm của Bộ KH&ĐT là tiếp tục quy định dự trữ lưu thông bắt buộc 20 ngày đối với thương nhân đầu mối kinh doanh/đầu mối sản xuất và 5 ngày đối với thương nhân phân phối để giảm áp lực cho ngân sách nhà nước trong bối cảnh nguồn dự trữ quốc gia chưa được bổ sung.
Đối với rà soát điều kiện kinh doanh xăng dầu, Bộ này đề nghị cần bổ sung, đánh giá kết quả đạt được, các vấn đề còn tồn tại sau khi điều kiện kinh doanh xăng dầu được sửa đổi tại Nghị định 95 để làm căn cứ lựa chọn phương án đề xuất (giữ nguyên điều kiện, tăng hay giảm điều kiện); có phát sinh yêu cầu quản lý đối với điều kiện kinh doanh xăng dầu từ thực tiễn hay không, như bổ sung các biện pháp chế tài cụ thể để gắn trách nhiệm của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu với việc đảm bảo nguồn cung trên thị trường, tránh gây đứt gãy, gián đoạn nguồn cung như thời gian qua.