Có thể thấy từ đầu năm đến nay xu hướng hàng tồn kho giảm. Nếu ở thời điểm 1/1/2013, tồn kho vẫn tăng 21,5% so với cùng thời điểm năm 2012, thì các con số tại thời điểm đầu mỗi tháng 2, 3, 4, 5 đã lần lượt giảm xuống còn 19,9%; 16,5%; 13,1% và 12,3%. Ngày 1/6/2013, con số trên là 9,7%.
| ||
Tồn kho giảm có thể là do các doanh nghiệp đã giảm sản xuất |
Thêm vào đó, cả hai chỉ số còn lại trong bộ ba chỉ số đo lường về sản xuất công nghiệp, đó là chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) và chỉ số tiêu thụ cũng có những tín hiệu tích cực hơn. Chẳng hạn, so với cùng kỳ năm trước, IIP tăng dần qua từng tháng: 3 tháng tăng 4,9%; 4 tháng tăng 5%; 5 tháng tăng 5,2%; 6 tháng ước tăng 5,2%. Và IIP quý II/2013 cũng đã tăng 6%, cao hơn khá nhiều so với mức tăng 4,5% trong quý I/2013.
Đặc biệt, IIP của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, nếu như quý I chỉ tăng 4,6%, thì sang quý II tăng 6,9%.
Trong bối cảnh này, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 5 tháng đầu năm tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy vậy, một cách thẳng thắn, thì mức tăng 5,2% của IIP 6 tháng đầu năm nay vẫn thấp hơn mức tăng 6,1% của 6 tháng đầu năm ngoái. Cũng chính vì vậy, có thể việc chỉ số tồn kho giảm chưa chắc đã là chỉ báo cho thấy thực sự, hàng tồn kho đã giảm.
Trong báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, Tổng cục Thống kê đã nhắc tới một thực tế là, có một số loại sản phẩm tồn kho được tiêu thụ với giá rẻ, doanh nghiệp chấp nhận lợi nhuận thấp, thậm chí lỗ để giải phóng hàng tồn kho, thu hồi vốn đầu tư sang lĩnh vực khác.
Một thực tế khác, tồn kho giảm có thể là do các doanh nghiệp đã giảm sản xuất, chỉ tập trung vào giải quyết hàng tồn kho. Không sản xuất, thì không có tồn kho, nhưng không có sản xuất, hoặc sản xuất suy giảm, thì tất yếu sẽ ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế.
Số liệu thống kê cho thấy, IIP ngành công nghiệp khai khoáng 6 tháng đầu năm nay chỉ tăng 1,9%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 4,2% cùng kỳ năm trước, chủ yếu do sản lượng than và dầu thô giảm. Sản lượng than đá khai thác 6 tháng ước đạt 22,1 triệu tấn, giảm 2,7% so với cùng kỳ 2012. Lượng than tồn kho tính đến thời điểm ngày 20/6/2013 là 7,2 triệu tấn, thấp hơn so với cùng kỳ 2012. Còn sản lượng dầu thô khai thác 6 tháng ước tính đạt 8,3 triệu tấn, thấp hơn mức tăng 12,4% cùng kỳ năm 2012.
Nói vậy để thấy rằng, chưa thể vội mừng khi chỉ số tồn kho giảm. Bởi giống như hai mặt của một vấn đề, giống như câu chuyện nhập siêu giảm song không thể mừng, vì đằng sau đó là thực tế sản xuất trì trệ, tồn kho giảm cũng có thể có nghĩa sản xuất suy giảm. Vì thế, cần có thêm có những nghiên cứu cụ thể liên quan đến vấn đề này, từ đó có chính sách phù hợp để hỗ trợ sản xuất - kinh doanh, có biện pháp giúp doanh nghiệp vừa giải phóng hàng tồn kho, vừa tiếp tục đầu tư mở rộng và tăng cường sản xuất - kinh doanh.
Nguyên Đức