Thưa ông, ông đánh giá thế nào về những tác động của khó khăn kinh tế tới hoạt động của các doanh nghiệp nói chung, đối với các cơ quan báo chí nói riêng?
| ||
Tổng Biên tập Báo Thanh niên, ông Nguyễn Quang Thông |
Những khó khăn của nền kinh tế hiện nay đã tạo áp lực lớn đối với hoạt động kinh tế báo chí, đặc biệt là trong 6 tháng đầu năm 2013.
Doanh nghiệp tham gia hoạt động PR, quảng cáo giảm sút; bạn đọc mua báo in giảm dần do xu hướng phát triển của công nghệ truyền thông trên Internet.
Sự tác động cạnh tranh cả lành mạnh và không lành mạnh của các kênh thông tin phi chính thống, mạng xã hội… cũng là nỗi lo cho các cơ quan báo chí chính thống.
Theo ông, trong khó khăn đó, chìa khóa để giải bài toán kinh tế báo chí là gì, khi mà trước hết, báo chí là sản phẩm văn hóa, cơ quan báo chí hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận mà thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước giao?
Theo tôi, việc giải bài toán kinh tế báo chí đối với các cơ quan báo chí hiện nay không đơn giản.
Đó là việc nỗ lực đầu tư các kênh truyền thông mạng, web mobile, facebook của báo… để thu hút bạn đọc, tăng lượng truy cập và tăng được lượng thông tin quảng cáo; đặt vấn đề với các cơ quan quản lý hạ tầng truyền thông để chia sẻ giá trị từ việc bạn đọc trả tiền truy cập để đọc báo miễn phí.
Bên cạnh đó, cần mở ra thêm nhiều hoạt động tư vấn, tổ chức sự kiện truyền thông liên quan đến các lĩnh vực kinh tế để thu hút tài trợ và cũng để góp phần hỗ trợ doanh nghiệp; tái cơ cấu nguồn nhân lực phù hợp; thực hành tiết kiệm…
Về phía tác động khách quan, cơ quan báo chí cần được hưởng chính sách thuế phù hợp để có thể hoạt động ổn định, thực hiện nhiệm vụ chính trị theo tôn chỉ, mục đích.
Thưa ông, Quốc hội vừa thông qua Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp sửa đổi, trong đó thuế Thu nhập doanh nghiệp đối với cơ quan báo chí ở mức thuế suất 10%, nhưng chưa thực hiện ngay từ ngày 1/7/2013, mà thực hiện từ ngày 1/1/2014. Ông bình luận gì về vấn đề này?
Chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp cho cơ quan báo in ở mức thuế suất 10% thực sự là sự hỗ trợ rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Chỉ tiếc rằng, thời gian thực hiện lại từ ngày 1/1/2014, mà không được áp dụng ngay từ ngày 1/7/2013.
Nếu thuế suất 10% được thực hiện từ ngày 1/7/2013, thì sẽ hỗ trợ tốt hơn cho cơ quan báo chí vượt qua những áp lực kinh tế, duy trì ổn định hoạt động của mình, nhất là trong năm 2013.
Trong bối cảnh khó khăn chung hiện nay, bên cạnh những thay đổi cần thiết, công bằng hơn về cơ chế đối với cơ quan báo chí như trên vừa đề cập, thì bản thân cơ quan báo chí cần làm gì để vừa giữ vững ngòi bút trên mặt trận tư tưởng, vừa phát triển lành mạnh, bền vững, đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng cao của độc giả?
Theo tôi, có nhiều việc cần làm, nhưng trước hết là kiên định bản sắc của tờ báo, không sốt ruột, “lá cải hóa” để đánh mất chính mình; đổi mới theo hướng hiện đại và đa truyền thông; chắt lọc đội ngũ tinh về chất; ngày càng bảo đảm sự khách quan, chính xác, đáng tin cậy của thông tin.
Đồng thời, phải duy trì sự tương tác chặt chẽ, hai chiều với bạn đọc; phát huy sự hợp tác kịp thời của các cộng tác viên không chỉ là chuyên gia, mà còn là những công dân bình thường khác…
Đó chính là điều chúng tôi cố gắng thực hiện để có thể phát triển bền vững, đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng cao của bạn đọc.
Huy Hào