Dự thảo hướng dẫn ra đời sau luật 12 năm
Cách đây 12 năm, Luật Thương mại 2005 có quy định “Chính phủ quy định cụ thể danh mục hàng hóa, dịch vụ, địa bàn độc quyền nhà nước” (khoản 4, Điều 6). Đầu tháng 2 vừa rồi, Dự thảo Nghị định về hàng hóa, dịch vụ, địa bàn thực hiện độc quyền nhà nước trong hoạt động thương mại (Dự thảo) đã được Bộ Công thương trình Chính phủ.
Ngay sau khi văn bản này xuất hiện tại Cuộc họp thường kỳ Chính phủ, cùng với Danh mục 20 hàng hóa, dịch vụ, địa bàn thực hiện độc quyền nhà nước trong hoạt động thương mại, cả doanh nghiệp và giới chuyên gia kinh tế đã xôn xao.
Nhà nước chỉ nên nắm giữ độc quyền ở một số ngành có tính độc quyền tự nhiên như truyền tải điện. Ảnh: Đức Thanh |
“Không hiểu tại sao thời điểm này, Bộ Công thương lại trình ra dự thảo hướng dẫn, mà đáng lẽ phải làm cách đây 12 năm. Nếu như đây là văn bản cần phải có thì trách nhiệm chậm trễ này thuộc về ai”, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đặt câu hỏi ngay khi xem xét nội dung của văn bản này trong Cuộc họp thường kỳ Chính phủ mà ông được tham dự.
Tất nhiên, Bộ Công thương có lý do. Trong văn bản báo cáo Chính phủ về Dự thảo Nghị định này ký ngày 2/2/2017, Bộ Công thương giải thích, Dự thảo Nghị định được xây dựng nhằm mục đích cụ thể hóa quy định tại khoản 4, Điều 6, Luật Thương mại 2005.
Bộ này cũng cho rằng, việc quy định các nội dung về độc quyền nhà nước trong hoạt động thương mại tại Dự thảo Nghị định sẽ khắc phục các khoảng trống pháp lý mà các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến độc quyền nhà nước trong hoạt động thương mại. Cụ thể là góp phần tăng cường môi trường cạnh tranh lành mạnh khi minh bạch phạm vi độc quyền nhà nước cũng như các quyền, nghĩa vụ của các doanh nghiệp có liên quan, qua đó tạo sự yên tâm, tin tưởng và khả năng giám sát cho các thành phần kinh tế khác về sự can thiệp của Nhà nước vào nền kinh tế thị trường thông qua pháp luật.
Lý giải về việc trình Dự thảo chậm tới… 12 năm, Bộ Công thương trình bày nhiều lý do, trong đó nhạy cảm nếu xây dựng các quy định này trong bối cảnh Việt Nam bước đầu tham gia đàm phán và gia nhập các cam kết quốc tế và nhiều hiệp định lớn đàm phán chưa xong, có thể ảnh hưởng đến việc bảo lưu quyền.
Cũng phải nói thêm, cách đây hai năm, Dự thảo này cũng đã từng được Bộ Công thương trình vào cuối năm 2015. Trong tờ trình gửi Chính phủ khi đó, Dự thảo được xây dựng trên cơ sở Đề án Hoàn thiện khung pháp lý về thương mại nhà nước theo quy định của Luật Thương mại.
Thị trường bất an
Trở lại câu hỏi về lý do trình Dự thảo Nghị định trên, ông Cung có quan điểm rằng, đây không thể là thời điểm thích hợp để Bộ Công thương đưa ra các nội dung này.
“Bộ Công thương là cơ quan được giao chủ trì các cuộc đàm phán hội nhập kinh tế quốc tế, nên bộ này hiểu hơn hết tác động của dự thảo này tới thị trường, nhưng không hề có một lời nào về đánh giá tác động”, ông Cung băn khoăn.
Đây là lý do ông đặt ra nhiều vấn đề mà Dự thảo Nghị định này đang đối mặt, lớn nhất là nội dung trái với Hiến pháp 2013 và Luật Đầu tư 2015.
“Về mặt pháp lý, khoản 4, Điều 6 Luật Thương mại đã “chết lâm sàng” sau khi Hiến pháp 2013 có quy định tại khoản 2, Điều 14 và Điều 33 về quyền kinh doanh những gì pháp luật không cấm; cũng như quy định tại Điều 6, Điều 7 của Luật Đầu tư về ngành nghề cấm kinh doanh và kinh doanh có điều kiện. Với tư duy bình thường, Bộ Công thương sẽ phải trình bãi bỏ điều này của Luật Thương mại 2005, chứ không phải ban hành ra văn bản ngược lại với tinh thần của cải cách, hội nhập như Dự thảo Nghị định, nhất là khi trong Danh mục 20 ngành nghề, nhiều ngành nghề không thể duy trì độc quyền nhà nước được”, ông Cung thẳng thắn.
Lý do, ông Cung cho rằng, Nhà nước chỉ nắm giữ độc quyền ở một số ngành có tính độc quyền tự nhiên, như truyền tải điện, đường sắt, để đảm bảo quyền tiếp cận bình đẳng cho tất cả doanh nghiệp tới hàng hóa, dịch vụ đặc biệt này.
“Cơ chế để đảm bảo độc quyền nhà nước với các ngành độc quyền tự nhiên các nước đã làm, như ở Đức quy định các điều kiện mang tính kỹ thuật. Với các ngành khác, việc kiểm soát độc quyền có thể được thực hiện theo địa bàn, ví dụ ở khu vực an ninh, quốc phòng. Việc quy định cấm kinh doanh cũng không thể được quy định tại văn bản là nghị định. Tôi muốn nhấn mạnh, cần phải xác định rõ nền tảng pháp lý là Hiến pháp 2013 và Luật Đầu tư 2015 với nguyên tắc chọn bỏ để xây dựng các quy định liên quan đến điều kiện trong hoạt động đầu tư - kinh doanh vì chúng ta đã cam kết với thị trường về nguyên tắc này nên không thể làm khác được”, ông Cung nói.
Trong khi đó, theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, thì các lý do chọn ngành nghề Nhà nước độc quyền thực hiện, theo Điều 4.1 của Dự thảo Nghị định chưa thực sự thuyết phục. Đúng là có một số ngành nghề mà tư nhân không muốn tham gia, như các hàng hóa, dịch vụ công ích, nhưng theo quy định hiện hành, dịch vụ này không chỉ doanh nghiệp nhà nước, không phải dưới hình thức độc quyền nhà nước, mà còn có doanh nghiệp tư nhân.
Còn việc đưa ra Dự thảo Nghị định này và tuyên bố tư nhân bị cấm tham gia các lĩnh vực đó lại là không phù hợp. Đang từ chỗ "độc quyền nhà nước" là hệ quả của việc tư nhân không muốn tham gia, biến thành "cấm tư nhân tham gia". Giả sử một ngày nào đó tư nhân muốn tham gia thì sao?