Thời sự
Không thể chờ ngân sách rủng rỉnh mới tính làm Sân bay Long Thành
Mạnh Bôn - 06/11/2014 14:20
() Chia sẻ với Báo Đầu tư điện tử - , Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ông Lê Nam, Phó đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa cho rằng, không thể không tính chuyện xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành (Sân bay Long Thành). Đây là công trình lớn, phải có kế hoạch chuẩn bị kỹ lưỡng, không thể chờ ngân sách "rủng rỉnh" mới tính chuyện xây dựng công trình quan trọng này.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Sân bay Long Thành: Cần nhưng chưa đủ
Bỏ sân golf, sân bay Tân Sơn Nhất vẫn ổn
Xây sân bay Long Thành: Thiên thời - địa lợi - nhân hòa
Không để Sân bay Long Thành tăng áp lực nợ công
Siêu dự án sân bay Long Thành: Không lo thiếu vốn

Việc xây dựng Sân bay Long Thành tiếp tục gây chú ý trong dư luận xã hội. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào? 

Yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030 và những năm sau này cần phải có cảng hàng không quốc tế hiện đại, đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế. 

Trong khi đó, đến năm 2020, Sân bay Tân Sơn Nhất đã quá tải nên không thể không xây dựng Sân bay Long Thành.

Sân bay Tân Sơn Nhất quá tải, theo quan điểm của một số đại biểu Quốc hội thì nâng câp sân bay này sẽ hiệu quả hơn, rẻ hơn so với việc xây dựng thêm một sân bay mới?

Việc quản lý Sân bay Tân Sơn Nhất hiện nay rất phức tạp giữa địa phương với Trung ương, giữa quân sự với dân sự, giữa bên trong và bên ngoài sân bay. Ngoài ra, nếu mở rộng Sân bay Tân Sơn Nhất, theo tính toán của các chuyên gia giao thông vận tải, riêng giải phóng mặt bằng phải di chuyển nửa triệu dân. Một công việc quá lớn, quá phức tạp và tốn kém.

Để bảo đảm cho một sân bay hoạt động được thì không chỉ cần cơ sở hạ tầng bên trong sân bay mà còn cần cở sở hạ tầng xung quanh nữa. Mà điều này với khu vực xung quanh Sân bay Tân Sơn Nhất không thể đáp ứng được khi mở rộng.

   
  Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ông Lê Nam, Phó đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa  

Mặc dù vậy, một số đại biểu Quốc hội vẫn phản ứng xây dựng Sân bay Long Thành, thưa ông?

Người dân, chuyên gia kinh tế và nhiều đại biểu Quốc hội chưa đồng tình với việc xây dựng Sân bay Long Thành cũng đúng thôi, vì sức ép lớn nhất đối với Dự án này là tình hình ngân sách nhà nước đang khó khăn, nợ công tăng cao.

Tôi cho rằng, những người chưa đồng ý chủ trương xây dựng Sân bay Long Thành có lẽ là do chưa tìm hiểu, nghiên cứu thật kỹ Dự án này.

Dù đã nghiên cứu kỹ hay chưa thì ngân sách vẫn chưa bảo đảm mức bội chi 4,5% GDP, cộng với nợ công sắp cán ngưỡng 65% GDP thì những nghi ngại cũng rất có lý?

Tại Kỳ họp này, Chính phủ mới chỉ xin chủ trương đầu tư chứ chưa đặt vấn đề đầu tư ngay, nên áp lực của Dự án lên nợ công, lên ngân sách chưa hiện hữu.

Tôi muốn nói thêm rằng, đây là Dự án rất lớn, cũng như nhiều dự án khác, nếu cứ chờ đến khi nào nợ công thấp, ngân sách “rủng rỉnh” thì không bao giờ làm được vì ngân sách nhà nước đã bao giờ “rủng rỉnh” đâu. Thực tế cho thấy, nhiều dự án trọng điểm quốc gia, đầu tư hàng tỷ USD bằng nhiều nguồn vốn khác nhau đã và đang phát huy hiệu quả, là động lực để phát triển kinh tế - xã hội.

Vấn đề là nếu Quốc hội cho chủ trương, nhiều người lo ngại Chính phủ sẽ có cơ sở để bắt tay vào xây dựng ngay?

Lần này Chính phủ mới chỉ xin chủ trương, nếu Quốc hội cho chủ trương, Chính phủ sẽ tiến hành nghiên cứu sự phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực; quy hoạch sử dụng đất, tài nguyên; phương án di dân, tái định canh, định cư; những thông số cơ bản (quy mô, hình thức đầu tư, thời gian, tiến độ thực hiện, phương án lựa chọn công nghệ chính, giải pháp bảo vệ môi trường, nguồn vốn, khả năng thu hồi vốn và trả nợ vốn vay…).

Sau đó, Chính phủ báo cáo Quốc hội để xin quyết định chủ trương đầu tư. Cho chủ trương không có nghĩa là làm ngay mà có thể 5 năm hoặc 10 năm sau mới có thể bắt đầu xây dựng Sân bay Long Thành.

Theo Nghị quyết 49/2012/QH12 thì chậm nhất 60 ngày, trước ngày khai mạc Quốc hội, Chính phủ gửi hồ sơ đến cơ quan thẩm tra, nhưng trên thực tế thì đến ngày 1/10/2014, Chính phủ mới làm việc này. Chính sự vội vàng của Chính phủ khiến nhiều người băn khoăn?

Như tôi đã nói, lần này Chính phủ chỉ xin ý kiến về chủ trương đầu tư chứ không phải là xin quyết định chủ trương đầu tư, tức là không cần phải bảo đảm tối thiểu 60 ngày trước ngày khai mạc Quốc hội phải gửi hồ sơ để thẩm định. Hơn nữa, cũng theo Nghị quyết 49/2012/QH12, đối với dự án có tổng vốn đầu tư rất lớn, thời gian thực hiện kéo dài trong nhiều năm thì sau khi Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư chung trên cơ sở báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, Quốc hội có thể giao Chính phủ tổ chức lập báo cáo nghiên cứu khả thi, trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư cụ thể vì thế không nên nghĩ rằng, cứ Quốc hội cho chủ trương thì Chính phủ sẽ đầu tư ngay.

Nhiều đại biểu lập luận rằng, nếu Quốc hội cho chủ trương thì ngay lập tức ngân sách mất đi hàng trăm triệu USD để tiến hành khảo sát, thiết kế, lập dự án?

Sao lại nói là mất đi? Tôi không hiểu, không đồng tình với quan điểm Quốc hội cho chủ trương thì ngân sách mất đi hàng trăm triệu USD để tiến hành khảo sát, thiết kế, lập dự án… Chúng ta bỏ tiền xây dựng các công trình, dự án là làm cho tương lai, vì sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước thì không thể nói là mất đi được.

Việc đầu tư xây dựng Dự án Sân bay Long Thành là cần thiết, rất ít người phủ nhận điều này. Chỉ có điều khi nào xây dựng thì còn phải bàn bạc, cân nhắc, tính toán tùy thuộc vào tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước những năm tới.

Làm việc lớn phải tính toán, cân nhắc tới nhiều khía cạnh, nhiều yếu tố. Trong đó nợ công và nghĩa vụ trả nợ của ngân sách chỉ là 2 trong những yếu tố quan trọng, nhưng quan trọng nhất vẫn là hiệu quả của dự án. Nếu dự án thực sự hiệu quả có thể huy động nguồn vốn trong và ngoài nước tham gia, ngân sách chỉ tham gia một phần nên áp lực về nợ công về nghĩa vụ trả nợ của ngân sách không đáng kể.

Tin liên quan
Tin khác