Chuyện làng, chuyện phố
Không yêu xin đừng nói lời cay đắng
Đinh Thu Hiền - 20/03/2016 10:35
Mua nhà, lúc chưa đủ tiền thì chỉ mong vay được từ ngân hàng. Tới khi vay được rồi, lại lo đủ thứ “bẫy”. Bẫy to, bẫy nhỏ khiến nhiều người đang hiểu sự việc này không được tích cực.

1.

Cách nay tròn 1 năm, H., người quen của tôi hồ hởi vay được gói 30.000 tỷ mua căn hộ chung cư tại quận 2. Tiền đã đóng được thời gian cũng kha khá rồi, mọi thứ đều bình ổn để chờ tới ngày chung cư bàn giao nhà rồi. Ấy mà gần đây lại rộ lên thông tin phải trả như gói vay thương mại bình thường, khiến cả nhà H đều nháo nhác.

Hỏi kỹ, thì rất may H. đã được ngân hàng giải ngân một lần tới 80%, nên giữ được sự bình ổn lãi suất. Và việc bàn giao căn hộ cũng được cam kết trước tháng 6/2016. Còn những nơi khác giải ngân theo tiến độ công trình, thì hầu hết phải “chạy” nước rút cho xong, trong khi tình trạng xây dựng thực tế được đối chiếu chưa tới hạn đóng tiền.

Thực lòng, đặt vào địa vị của người trong cuộc, đang được vay lãi suất 5%/năm giờ chuyển qua gấp đôi thì khóc bằng đủ thứ tiếng cũng chưa lột tả hết được lo lắng. Sự thay đổi ấy, dù chỉ dành cho những người mua căn hộ giải ngân (toàn bộ hoặc một vài phần) vào giữa năm nay, thì cũng gây quá nhiều bất an cho người mua nhà. Mà lại là người nghèo mua nhà - những người không có nhiều thông tin và kinh nghiệm trong các thương vụ lớn lao này. Cả đời mới có căn nhà, thì đâu có biết các zíc-zắc ra sao. Và truyền thông thì lại đang ở thời câu “view”, bất chấp!

Mấy bữa rày, tôi thường ngồi nói chuyện với người bạn, vốn là dân ngành tài chính  ngân hàng, nhưng chừng 8 năm trở lại đây thì chuyển qua kinh doanh nhà đất.

Anh dự tính về sự dâng cao của lãi suất trong năm nay và năm tới, về sự do dự của người mua nhà khi đối mặt với thông tin quá quan trọng này.

Mua, phải chấp nhận đi vay. Thuê, phải chuyển nhà thường xuyên và không ổn định. Lựa chọn được một trong hai hướng đi, cũng đồng nghĩa với việc đã giải xong bài toán cực kỳ nan giải của cuộc đời. Thậm chí, vợ chồng sẽ bất đồng quan điểm. Gia đình sẽ xào xáo. Gánh nặng cơm áo gạo tiền luôn là nỗi lo lớn đối với bất cứ ai đang sinh sống với đầy đủ ý nghĩa của từ đó.

2.

Trong lúc rảnh, tôi có chat qua Facebook với anh Trần Khánh Quang, một chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản. Hỏi anh Quang rằng, điều kiện (lãi suất thấp) dành cho bất động sản như cánh cửa càng ngày càng hẹp lại, vậy thì giá (nhà đất) tăng hay giảm đây?

Anh Quang khẳng định, vì cung bất động sản đang lớn, còn tồn hàng, biên lợi nhuận cũng lớn nên giá không thể tăng hơn được nữa.

Nghe vậy cũng mừng, cũng thấy rất nên cụng ly cho đời tươi tắn. Tương lai vẫn sáng sủa lắm. Bởi việc đó đồng nghĩa, nhà đầu tư, đầu cơ “ăn” ít đi, để lại thị trường thực sự cho người có nhu cầu mua nhà để ở và người có tiềm lực (tài chính) làm dự án.

Có “siết” lại việc cho vay để mua bất động sản, thì cũng là cách điều chỉnh và thanh lọc để thị trường ổn hơn, sáng hơn, phát triển vững chắc hơn mà thôi.

Nhiều việc cần phải làm, để “cơm có thịt”, “người có nhà”. Bởi vậy, nếu không yêu, thì vui lòng đi yêu người khác cho khỏe mình, khỏe người. Nói những lời cay đắng làm chi!

Tin liên quan
Tin khác