Ngày 18/10, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP.HCM (SHTP) tổ chức họp báo về lễ kỷ niệm 20 năm thành SHTP (24/10/2002-24/10/2022).
Khu công nghệ cao TP.HCM thu hút được nhiều tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới đến đầu tư |
Thông tin về tình hình hoạt động của SHTP, ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng ban Quản lý SHTP cho biết, tính đến hết ngày 30/9/2022, SHTP có 160 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư tương đương 12 tỷ USD.
Trong đó có 51 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 10,1 tỷ USD (chiếm 84% tổng vốn đầu tư); 111 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư 1,9 tỷ USD (chiếm 16%). Vốn đầu tư trung bình là 75,225 triệu USD/dự án.
Trong số các nhà đầu tư nước ngoài đến đầu tư tại SHTP có nhiều tập đoàn công nghệ cao hàng đầu thế giới như Intel, Jabil, Rockwell Automation (Mỹ); Nidec, Nipro, NTT (Nhật Bản); Samsung (Hàn Quốc); Sonion (Đan Mạch); Sanofi (Pháp) và TTI (Đức)…
Nhờ thu hút được các ngành công nghệ cao nên kim ngạch xuất khẩu sản phẩm công nghệ từ SHTP liên tục tăng qua các năm. Năm 2021, dù ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 nhưng kim ngạch xuất khẩu của SHTP vẫn tăng và đạt 20,9 tỷ USD, chiếm 51,86% kim ngạch xuất khẩu của cả TP.HCM. Dự kiến năm 2022 kim ngạch xuất khẩu của SHTP đạt 23 tỷ USD.
Dù là điểm đến đầu tư tin cậy của một số tập đoàn lớn trên thế giới nhưng thời gian gần đây, các doanh nghiệp trong SHTP than phiền rất nhiều về thủ tục đầu tư làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án, thậm chí gây tổn thất về tài chính cho doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Anh Thi cho biết, trong giai đoạn 15 năm đầu, bên cạnh chính sách ưu đãi cao, thì cơ chế “một cửa” đóng vai trò quan trọng trong thu hút đầu tư các dự án công nghệ cao.
Khi đó, phần lớn các thủ tục hành chính để thực hiện một dự án đầu tư thuộc thẩm quyền của SHTP nên thời gian triển khai dự án nhanh. Tuy nhiên, hiện nay thẩm quyền giải quyết đã đưa về các sở ngành chuyên môn làm cho việc cấp phép và triển khai dự án đầu tư tại SHTP phải qua “nhiều cửa” nên mất rất nhiều thời gian.
"Trước đây, doanh nghiệp chỉ mất khoảng 6 tháng cho các thủ tục, nhưng nay phải mất 2 năm mới hoàn thành và triển khai xây dựng dự án. Thủ tục hành chính kéo dài sẽ khiến công nghệ mất đi tính đột phá, giảm hiệu quả đầu tư” ông Thi lo ngại.
Vì vậy, Ban quản lý SHTP đã kiến nghị chính quyền TP.HCM tái lập lại cơ chế "một cửa" trong cấp phép đầu tư, giúp đẩy nhanh thủ tục cho doanh nghiệp và thu hút các doanh nghiệp công nghệ cao đến đầu tư.