Đầu tư
Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô: Hướng đến đô thị ven biển hiện đại
Việt Hương - 06/02/2022 21:31
Thừa Thiên Huế đặt mục tiêu phát triển KKT Chân Mây - Lăng Cô theo hướng bền vững, là trung tâm giao thương, nghỉ dưỡng mang tầm quốc tế của miền Trung, là đô thị phát triển các ngành công nghiệp...
Sở hữu cảng nước sâu là một trong những lợi thế phát triển của Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô       Ảnh: Nguyễn Phong

Hạt nhân tăng trưởng của khu vực

Ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, đô thị Chân Mây - Lăng Cô đang được tỉnh quan tâm đầu tư để trở thành đô thị ven biển hiện đại mang tầm khu vực và quốc tế.

Trong quy hoạch xây dựng Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đô thị Chân Mây - Lăng Cô được định hướng phát triển thành đô thị loại III; là điểm trung chuyển, liên kết, hỗ trợ cho các cụm cảng Vùng Kinh tế trọng điểm Trung bộ, gồm Chu Lai (Quảng Nam), Tiên Sa, Liên Chiểu (Đà Nẵng), Dung Quất (Quảng Ngãi), Nhơn Hội (Bình Định), tạo thành chuỗi liên kết đô thị ven biển miền Trung, tạo động lực tăng trưởng cho khu vực. 

Trong cuộc làm việc với Thừa Thiên Huế cuối tháng 9/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận về thế cạnh tranh của tỉnh so với các địa phương lân cận và lưu ý: “Thừa Thiên Huế cần quy hoạch tốt để phát triển bền vững, cần phải tìm ra thuận lợi và cơ hội so với hai tỉnh, thành phố bên cạnh là Đà Nẵng, Quảng Trị để đi lên...”.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo, phải làm rõ cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của Huế so với Đà Nẵng, Quảng Trị là thế nào để phát triển không bị trùng.

Ngoài việc khai thác tối ưu đặc thù của địa phương, tỉnh Thừa Thiên Huế phải tăng cường các dịch vụ, kinh tế tri thức, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số và xây dựng công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí…

Nghị quyết số 10-NQ/TU về phát triển KKT Chân Mây - Lăng Cô giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030 đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế thông qua. Nghị quyết xác định, đây là một trong những KKT có vị trí chiến lược, nằm trên tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây, kết nối thuận lợi với mạch máu giao thông của đất nước, nằm cách Quốc lộ 1A và tuyến đường sắt Bắc - Nam khoảng 6 - 7 km; nằm giữa sân bay Phú Bài và sân bay Đà Nẵng.

Hơn thế, cảng Chân Mây có thể đón tàu du lịch lớn lên tới 50 vạn tấn, kết hợp với đường bộ bởi tuyến cao tốc La Sơn - Túy Loan từ Thừa Thiên Huế đi Đà Nẵng và Dự án Hầm Hải Vân 2 đã cơ bản hoàn thành, chuẩn bị đưa vào khai thác, sẽ tạo thêm nhiều lợi thế cạnh tranh, giúp Chân Mây - Lăng Cô có những bước chuyển mới.

“Nghị quyết có ý nghĩa rất quan trọng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực chiến lược này, đồng thời sớm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Chân Mây - Lăng Cô thành đô thị loại III”, ông Nguyễn Văn Phương đánh giá.

Tại đây, những dự án lớn như Khu du lịch Laguna Lăng Cô, Khu du lịch nghỉ dưỡng quốc tế Minh Viễn Lăng Cô; Dự án Bến số 2 và Bến số 3 - Cảng Chân Mây; Dự án Hạ tầng Khu công nghiệp - Khu phi thuế quan Sài Gòn - Chân Mây; Dự án Khu liên hợp sản xuất, lắp ráp Kim Long Motors Huế; Nhà máy Điện khí LNG Chân Mây… góp phần giúp KKT Chân Mây - Lăng Cô có những bước chuyển tích cực trong tiến trình khẳng định vai trò là khu kinh tế đa ngành.

Để phát huy tiềm năng của Chân Mây - Lăng Cô, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Thừa Thiên Huế phải đẩy mạnh hợp tác, liên kết để phát triển.

“Đẩy mạnh hợp tác, liên kết, phát huy các tiềm năng, lợi thế riêng có của Thừa Thiên Huế theo quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung; xây dựng tuyến đường bộ ven biển; hoàn thành cao tốc nối các địa phương trong Vùng; liên kết các cảng biển, cảng hàng không, tạo thành cửa ngõ giao thương quốc tế; phát triển toàn diện các dịch vụ logistics phục vụ miền Trung, Tây Nguyên và các nước trên tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây, hài hòa quy hoạch vùng và các quy hoạch quốc gia trên địa bàn”, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ.

Phát triển xứng tầm

Vùng Duyên hải miền Trung được  quy hoạch và lập nhiều KKT, nhằm khai thác tối đa tiềm năng và lợi thế của khu vực này. Trải qua hàng chục năm, các KKT trọng điểm miền Trung vẫn chưa phát triển xứng tầm, nhiều KKT vẫn loay hoay trong bài toán định hướng quy hoạch, tìm hướng đi…

KKT Chân Mây - Lăng Cô đã được Thủ tướng Chính phủ  ký quyết định thành lập từ năm 2006, với kỳ vọng tạo sức bật quan trọng cho phát triển kinh tế tỉnh Thừa Thiên Huế.

Đánh giá quá trình phát triển của KKT Chân Mây - Lăng Cô, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế thẳng thắn, dù được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, định hướng phát triển thành KKT năng động, nhưng sau 15 năm hình thành, việc phát triển khu vực này vẫn còn thiếu các dự án mang tính động lực, đột phá. Số lượng nhà đầu tư lớn, các dự án FDI đầu tư vào KKT còn ít.

Hiện KKT này có 50 dự án đầu tư còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký hơn 82.000 tỷ đồng, trong đó có 12 dự án FDI với tổng vốn đăng ký hơn 56.000 tỷ đồng. “Dù đã có những kết quả nhất định, song phải thẳng thắn nhìn nhận, sau hơn 15 năm, việc phát triển Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô vẫn chưa tương xứng với tiềm năng vốn có”, ông Nguyễn Văn Phương bày tỏ.

Với mục tiêu trong giai đoạn 2021 - 2025, đưa Thừa Thiên Huế trở thành trung tâm du lịch đặc sắc của cả nước, thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam và thành phố du lịch sạch của ASEAN, thì KKT Chân Mây - Lăng Cô sẽ là hạt nhân tăng trưởng, là điểm đột phá để tỉnh vươn lên trở thành tỉnh phát triển của Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung.

Để thu hút đầu tư vào KKT Chân Mây - Lăng Cô, Nghị quyết số 10-NQ/TU của Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế đã đề ra nhiệm vụ: Tiếp tục rà soát, điều chỉnh các quy hoạch đã được phê duyệt; tranh thủ các nguồn vốn để triển khai thực hiện các đồ án quy hoạch phân khu xây dựng, quy hoạch chi tiết trước năm 2022, làm cơ sở để thu hút đầu tư...

Nghiên cứu cho phép lựa chọn đơn vị tư vấn nước ngoài để hoàn chỉnh  quy hoạch đạt chất lượng cao; đồng thời, nghiên cứu cơ chế cho phép các tập đoàn lớn, nhà đầu tư nước ngoài có uy tín và tiềm lực tài chính tài trợ về ý tưởng quy hoạch, về nguồn kinh phí thực hiện nhằm hoàn chỉnh quy hoạch đạt chất lượng cao, mang tính đột phá và khả thi.

Hoàn thiện các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư; chủ động nghiên cứu, phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương xây dựng, đề xuất một số cơ chế, chính sách đặc thù áp dụng cho KKT Chân Mây - Lăng Cô, trình cấp có thẩm quyền quyết định, tạo cơ sở cho việc triển khai và hiện thực hóa các mục tiêu phát triển KKT.

Tiếp tục bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách về ưu đãi đầu tư, nhất là đối với các dự án lớn, có tính chất động lực; thành lập Tổ công tác cấp tỉnh nhằm tháo gỡ khó khăn trong việc triển khai các dự án trọng điểm.

Nghiên cứu có cơ chế huy động nguồn lực phục vụ giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch nhằm thu hút các dự án có quy mô lớn, mang tính động lực. Có cơ chế khai thác quỹ đất tại các khu vực đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết, bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật để tạo nguồn thu đầu tư hạ tầng KKT…

Tin liên quan
Tin khác