Ông có thể giới thiệu sơ lược về các dấu mốc của Ban Quản lý Khu kinh tế Phú Yên cũng như sự hình thành, phát triển của khu kinh tế và các khu công nghiệp trong tỉnh?
Năm 2018 là dấu mốc kỷ niệm 20 năm thành lập Ban Quản lý các khu công nghiệp Phú Yên và Ban Quản lý đầu tư hạ tầng Nam Tuy Hòa - Vũng Rô (1998-2018).
. |
Ngày 26/9/2008, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1373/QĐ-TTg thành lập Ban Quản lý Khu kinh tế Phú Yên trên cơ sở sáp nhập Ban Quản lý các khu công nghiệp Phú Yên và Ban Quản lý đầu tư hạ tầng Nam Tuy Hòa - Vũng Rô.
Đến tháng 10/2009, Quy hoạch chung Xây dựng Khu kinh tế Nam Phú Yên được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Những ngày đầu mới thành lập, Ban Quản lý Khu kinh tế Phú Yên gặp khá nhiều khó khăn, nguồn nội lực hạn chế do xuất phát điểm của Phú Yên là một tỉnh thuần nông, hạ tầng yếu và chưa đồng bộ, nguồn nhân lực thiếu thốn…
Nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự giúp đỡ của các bộ, ngành trung ương; sự phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi của các sở, ngành trong tỉnh và sự cố gắng, đồng tâm hiệp lực của các thế hệ công chức, viên chức, người lao động, Ban Quản lý KKT Phú Yên đã tập trung nguồn lực đầu tư nhiều công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế.
Ông đánh giá thế nào về những kết quả nổi bật mà khu kinh tế và các khu công nghiệp tỉnh Phú Yên đã đạt được trong thời gian qua?
Dự án Cầu Hùng Vương, Dự án Chống xói lở bờ Nam hạ lưu sông Đà Rằng, đường Phước Tân - Bãi Ngà, Dự án Nâng cấp cảng hàng không Tuy Hòa, Dự án Khu đô thị Nam TP. Tuy Hòa… cùng với việc hình thành các khu công nghiệp đã từng bước thay đổi hình ảnh bộ mặt của Khu kinh tế Nam Phú Yên, đồng thời, mở ra nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư ở các lĩnh vực công nghiệp, đô thị, du lịch và dịch vụ…
Tính đến thời điểm hiện tại, Khu kinh tế Nam Phú Yên đã thu hút được 95 dự án, với tổng vốn đầu tư đăng ký là 9.940,31 tỷ đồng và 25,91 triệu USD.
Có thể nói, sau 10 năm thành lập, Ban Quản lý Khu kinh tế Phú Yên đã phát huy vai trò quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng, phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế và quá trình hoạch định chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Phú Yên.
Các kết quả mà Khu kinh tế Nam Phú Yên và các khu công nghiệp đạt được đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo đúng hướng, hình thành một lực lượng sản xuất khá lớn, thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đồng thời khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước khi xây dựng và phát triển khu kinh tế tại Phú Yên.
Trong thời gian tới, Ban Quản lý Khu kinh tế Phú Yên sẽ tập trung thực hiện những giải pháp gì để phát triển khu kinh tế và các khu công nghiệp, thưa ông?
Để tiếp tục khơi dậy và khai thác tốt tiềm năng, sớm xây dựng và phát triển thành công Khu kinh tế Nam Phú Yên và các khu công nghiệp, thời gian tới, Ban Quản lý Khu kinh tế Phú Yên sẽ tập trung thực hiện, phối hợp với Bộ Xây dựng đẩy nhanh điều chỉnh Quy hoạch chung Khu kinh tế Nam Phú Yên đảm bảo chất lượng, phù hợp với tình hình thực tế, đồng thời, tham mưu UBND tỉnh trong việc điều chỉnh quy hoạch vùng Nam Phú Yên - Bắc Khánh Hòa…
Bên cạnh việc tích cực tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ đầu tư của Trung ương, Ban Quản lý sẽ chủ động đề xuất cơ chế, giải pháp huy động các nguồn vốn đầu tư khác để hoàn thiện hệ thống hạ tầng Khu kinh tế Nam Phú Yên; phối hợp thực hiện tốt công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư phục vụ các dự án đầu tư triển khai đúng tiến độ cũng như tạo quỹ đất sạch để phục vụ công tác xúc tiến đầu tư.
Công tác xúc tiến đầu tư trong thời gian tới sẽ được thực hiện theo hướng tập trung, hiệu quả; ưu tiên thu hút đầu tư các dự án có quy mô lớn, có tác động lan tỏa, có hàm lượng khoa học - công nghệ cao, hiện đại, tạo giá trị gia tăng lớn.
Đặc biệt, Ban Quản lý tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa liên thông”, nâng cao ý thức, thái độ phục vụ của công chức, viên chức nhằm tạo điều kiện thuận lợi cũng như sự gần gũi trong giao tiếp, giải quyết công việc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư một cách nhanh chóng.