Vốn FDI vào các địa phương phía Nam đầu năm mới khá khởi sắc. |
Từ đầu năm đến nay, dòng vốn FDI vào các địa phương Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, như TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, chủ yếu đổ vào các lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, cho thuê nhà xưởng… Hầu hết các dự án được cấp phép mới hay điều chỉnh tăng vốn đầu tư là của các doanh nghiệp FDI đã có dự án đầu tư hoạt động hiệu quả tại các địa phương này.
Ông Masato Kataoka, Tổng giám đốc Công ty TNHH Ojitex Việt Nam (Nhật Bản) cho biết, doanh nghiệp vừa được chính quyền tỉnh Đồng Nai cấp phép cho dự án có tổng vốn đầu tư đăng ký 60 triệu USD.
Từ đầu năm đến nay, tại Đồng Nai, hàng chục doanh nghiệp FDI đã có dự án sản xuất, nay quyết định mở rộng dự án hay đầu tư thêm dự án mới. Trong đó, có một số dự án có quy mô vốn lớn, như Nhà máy sản xuất của Công ty TNHH Hansol Electronics Việt Nam (Hàn Quốc) có vốn đầu tư đăng ký 100 triệu USD. Hay Công ty TNHH Platel Vina (Hàn Quốc) có vốn đầu tư đăng ký 30 triệu USD… Điểm chung là các doanh nghiệp này đều đã có dự án sản xuất tại TP.HCM và Đồng Nai từ trước và hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả.
Tại Bình Dương, từ đầu năm đến nay đã thu hút được hơn 301 triệu USD vốn FDI, trong đó, số vốn cấp mới là hơn 253 triệu USD… Các doanh nghiệp mới được cấp phép lại là những nhà đầu tư “quen mặt” ở Bình Dương từ nhiều năm nay.
Ngay dịp đầu năm, Khu công nghệ cao TP.HCM liên tiếp đón dòng vốn FDI, khi Công ty Intel Products Việt Nam (Hoa Kỳ) nhận Giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh dự án, với vốn đầu tư tăng thêm 475 triệu USD, đưa tổng vốn đầu tư cho dự án lên hơn 1,5 tỷ USD.
Theo đại diện của doanh nghiệp, khoản đầu tư này giúp Intel tăng cường sản xuất các sản phẩm 5G của Intel, bộ xử lý Intel Core với công nghệ Intel Hybrid và bộ xử lý Intel Core thế hệ thứ 10…
Ông Cao Tiến Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai thông tin, tính đến đầu năm nay, trong các KCN Đồng Nai có 372 dự án Hàn Quốc với tổng vốn đăng ký đầu tư gần 6,16 tỷ USD và 253 dự án từ Nhật Bản với tổng vốn đăng ký đầu tư gần 4,87 tỷ USD.
“Gần đây, các doanh nghiệp Hàn Quốc, Nhật Bản liên tục đầu tư mới và tăng vốn mở rộng sản xuất tại Đồng Nai với nhiều lĩnh vực hoạt động khá phong phú như sản xuất giày dép, dệt may, sản phẩm gỗ, linh kiện điện tử, các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ…”, ông Cao Tiến Dũng thông tin.
Các doanh nghiệp Hàn Quốc, Nhật Bản được nhìn nhận là sẽ đầu tư mạnh vào các lĩnh vực như sản xuất giày dép, dệt may, sản phẩm gỗ, linh kiện điện tử, các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ…
Trong khi đó, đại diện Ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM cho biết, do quỹ đất để thu hút đầu tư ở khu hiện hữu còn rất ít, nên các dự án được cấp phép sẽ chủ yếu là điều chỉnh tăng vốn đầu tư. Trong thời gian tới, Ban sẽ tập trung triển khai công tác chuẩn bị đầu tư xây dựng Dự án Công viên khoa học và công nghệ có quy mô diện tích hơn 160 ha, với mục tiêu thu hút các dự án công nghệ cao, mang lại giá trị gia tăng cao của các tập đoàn lớn, thương hiệu toàn cầu.
Ông Hứa Quốc Hưng, Trưởng ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM (Hepza) cho biết, trong năm nay, Hepza đặt mục tiêu thu hút 550 triệu USD vốn đầu tư, tập trung ở 4 ngành công nghiệp trọng yếu và công nghiệp hỗ trợ.