Thời của các “đại gia” công nghệ
Cuối cùng, những đồn đoán về việc Foxconn xây thêm nhà máy mới ở Bắc Giang đã trở thành hiện thực. Ngày 15/1/2021, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang ký Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Foxconn Singapore Pte Ltd để đầu tư Nhà máy Fukang Technology ở Khu công nghiệp Quang Châu (Việt Yên, Bắc Giang). Và ngày 18/1, UBND tỉnh Bắc Giang chính thức trao giấy chứng nhận đầu tư cho “đại bàng” này.
Theo kế hoạch, Fukang sẽ sản xuất, gia công máy tính bảng và máy tính xách tay, với quy mô hơn 8 triệu sản phẩm/năm, trong đó máy tính bảng là hơn 6,2 triệu sản phẩm/năm, còn máy tính xách tay là hơn 1,8 triệu sản phẩm/năm. Dự án có tổng vốn đầu tư 270 triệu USD này dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào quý III/2022.
Đây rõ ràng là một tin mừng đối với Việt Nam, sau khi các thông tin gần đây cho biết, Foxconn - nhà sản xuất, gia công hàng đầu cho Apple và các công ty công nghệ khác, như Microsoft, Sony… sẽ mở rộng việc sản xuất nhiều thiết bị, linh kiện điện tử của các hãng này tại Việt Nam. Và dự án 270 triệu USD này mới chỉ là sự bắt đầu.
Cục Đầu tư nước ngoài vừa có cuộc họp bàn để kết nối cơ sở đào tạo với nhu cầu lao động của doanh nghiệp Nhật Bản. Trong ảnh: Khu sản xuất của Công ty R Technical (Nhật Bản) tại Việt Nam |
Theo thông tin từ ông Trác Hiến Hồng, Tổng giám đốc Tập đoàn Foxconn tại Việt Nam, tính đến tháng 12/2020, Foxconn đã đầu tư tại Việt Nam 1,5 tỷ USD; trong đó riêng phần đầu tư tại Bắc Giang là 900 triệu USD, giải quyết việc làm cho hơn 35.000 lao động. Dự kiến, năm 2021 sẽ tăng đầu tư thêm 700 triệu USD và tăng mới 10.000 lao động.
Không chỉ tại Bắc Giang, Foxconn cũng đã tới Thanh Hóa để tìm kiếm cơ hội đầu tư tại tỉnh này. Cũng Foxconn vừa cùng đoàn “đại gia công nghệ”, gồm Heesung Electronics, Goertek Technology, Mitac Computer, Luxshare ICT Việt Nam có cuộc làm việc với Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ. Tại cuộc làm việc đó, các ông lớn này đều cho rằng, những điều kiện thuận lợi của Hà Nội, như có vị trí gần sân bay, nguồn nhân lực chất lượng cao... rất phù hợp các ngành nghề phát triển công nghệ cao.
Trên thực tế, tất cả những cái tên trên đều đang dồn dập đổ vốn vào Việt Nam thời gian gần đây. Luxshare sau khi đầu tư xây dựng một nhà máy ở Khu công nghiệp Vân Trung, đang triển khai đầu tư một dự án khác ở khu công nghiệp này, với vốn đầu tư 190 triệu USD. Chưa kể, tập đoàn này đang mở rộng dự án ở Nghệ An.
Còn Goertek, sau nhà máy ở Bắc Ninh, chuyên sản xuất các loại tai nghe, micro và linh kiện điện thoại, đặc biệt là chuyên sản xuất AirPods cho Apple, cách đây ít ngày đã tới Thái Nguyên để tìm kiếm cơ hội đầu tư mới.
Có lẽ, không phải ngẫu nhiên mà Tập đoàn Capital United (Mỹ) cách đây 4 ngày đã có cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên và đề đạt mong muốn được nghiên cứu đầu tư dự án trung tâm công nghệ và công nghiệp Việt Nam, với tổng quy mô gần 900 ha, tổng vốn đầu tư trên 390 triệu USD. Mục đích của Capital United là thu hút vào dự án của mình các công ty trong lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ cao, công nghiệp nhẹ, công nghiệp sạch, logistics…
Các nhà đầu tư Mỹ luôn rất “nhạy” thông tin và gần như chắc chắn, họ “đánh hơi” thấy rằng, thực sự đang có một làn sóng các công ty công nghệ đang dịch chuyển đầu tư đến Việt Nam. Họ đến Việt Nam để chuẩn bị đón đầu làn sóng đó.
Giữ chân bằng cách nào?
Phải thừa nhận rằng, hai năm gần đây, xu hướng các công ty công nghệ đổ dồn đến Việt Nam ngày càng nhiều. Thậm chí còn có thể khẳng định, chưa bao giờ làn sóng này mạnh đến thế. Ngay cả những nhà đầu tư lớn ở làn sóng thứ nhất, như Samsung, LG cũng đang liên tiếp mở rộng các hoạt động đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam. Không chỉ là đầu tư cho sản xuất, cả Samsung và LG đều đang từng bước biến Việt Nam trở thành trung tâm R&D lớn của họ.
Còn Foxconn, sau một thời gian rời đi, “bỏ bê” các dự án ở Vĩnh Phúc, cũng đã quay trở lại mạnh mẽ hơn. Thông tin cho biết, Foxconn dự kiến mở rộng đầu tư hàng tỷ USD để sản xuất các đơn hàng của Apple và Cisco tại Việt Nam.
Không chỉ Foxconn, Luxshare, cả “tứ đại” nhà sản xuất cho Apple đều đã có mặt tại Việt Nam. Pegatron đang đầu tư 500 triệu USD tại TP. Hải Phòng. Còn Wistron đã đầu tư dự án 273 triệu USD ở Hà Nam.
Ngoài ra, còn có thể kể tới hàng loạt tên tuổi công nghệ khác đang đầu tư vào Việt Nam. Chẳng hạn, Universal Global Technology (Đài Loan), thành viên Tập đoàn công nghệ ASE Holding, đã quyết định đầu tư nhà máy sản xuất và lắp ráp bảng mạch điện tử cho đồng hồ, điện thoại, tai nghe để cung cấp cho Lenovo, Sony… tại Hải Phòng.
Tại Bắc Giang, ngoài dự án 270 triệu USD của Foxconn, còn có 3 dự án khác vừa nhận giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Đó là Dự án Công nghệ tế bào quang điện Ja Solar PV Việt Nam của nhà đầu tư Ja Solar Investment (Hồng Kông) Limited; Dự án Nhà máy Risesun New Material Việt Nam và Dự án Nhà máy Kodi New Material Việt Nam của nhà đầu tư Risesun Investment Pte.Ltd (Singapore). Tổng vốn đầu tư của 3 dự án này là gần 300 triệu USD.
Khi đại gia đến, ngàn tỷ vốn đầu tư sẽ vào Việt Nam. Đây là điều đáng quý, song điều khiến ông Trần Đình Thiên, chuyên gia kinh tế băn khoăn là làm sao Việt Nam có thể hấp thụ được nguồn vốn đó.
Không thể phủ nhận, để đón dòng vốn đầu tư nước ngoài đang dịch chuyển, Việt Nam đã rất tích cực chuẩn bị trong thời gian qua, về đất, về hạ tầng, năng lượng… để đáp ứng nhu cầu nhà đầu tư. Tuy nhiên, theo ông Shin Byung Chul, Phó chủ tịch cấp cao Hanwha Energy, kiêm Tổng giám đốc Hanwha Energy Việt Nam (Tập đoàn Hanwha - Hàn Quốc), vấn đề quan trọng là Việt Nam cần chuẩn bị cả nguồn nhân lực chất lượng cao. Điều này càng cần thiết khi ngày càng nhiều dự án trong lĩnh vực công nghệ đổ vào Việt Nam.
Theo một báo cáo gần đây của Economist Intelligence Unit (EIU) - bộ phận phân tích và nghiên cứu thuộc Economist Group - Việt Nam đã vượt qua Trung Quốc và Ấn Độ trở thành điểm đến thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài hấp dẫn tại châu Á.
EIU cho rằng, ngoài các yếu tố nổi trội như ưu đãi dành cho doanh nghiệp quốc tế mở nhà máy sản xuất hàng công nghệ cao, Việt Nam còn có nguồn lao động giá rẻ dồi dào và lợi ích từ các hiệp định thương mại tự do. EIU thậm chí còn “chấm điểm” và cho biết, điểm số về thị trường lao động của Việt Nam cao hơn so với Ấn Độ. Với dân số 1,38 tỷ người, Ấn Độ vẫn xếp sau Việt Nam - quốc gia có dân số 97,34 triệu người.
Nhưng nhân lực dồi dào chưa đồng nghĩa với chất lượng cao và đáp ứng được yêu cầu của các nhà đầu tư.
Tin mừng là, Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vừa có cuộc họp bàn để kết nối cơ sở đào tạo với nhu cầu lao động của doanh nghiệp Nhật Bản. Đây có thể là bước đi quan trọng đầu tiên để Việt Nam có thể nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thậm chí là đáp ứng được “đơn đặt hàng” của nhà đầu tư. Với cách làm này, Việt Nam có thể giữ chân tốt hơn các nhà đầu tư nước ngoài và cũng hấp thụ tốt hơn nguồn vốn chất lượng cao đang đổ vào Việt Nam.
Cơ hội để nâng “chất”
Những thông tin tích cực từ đầu năm cho thấy, dòng vốn đầu tư nước ngoài đang dịch chuyển về Việt Nam. Nghệ An ngay trong những ngày đầu năm 2021 đã cấp chứng nhận đầu tư cho dự án 200 triệu USD. Đồng Nai trao chứng nhận đầu tư cho 3 dự án, với quy mô 190 triệu USD. 3/4 dự án này cũng trong lĩnh vực công nghệ.
Trong khi đó, thông tin cho biết, chiều 20/1, Chính phủ và một số bộ, ngành đã họp bàn để xem xét Dự án điện khí LNG ở Quảng Trị. Dự án này, theo thông tin của Báo Đầu tư, sẽ do Tập đoàn T&T Group (Việt Nam), Công ty KOSPO, Công ty KOGAS và Công ty Hanwha (Hàn Quốc) liên danh đầu tư. Quy mô dự án dự kiến lên tới 4,5 tỷ USD, công suất 4.500 MW.
Ngoài ra, có thể kể đến những thông tin tích cực khác. Chẳng hạn, Tập đoàn Shilla (Hàn Quốc) dự kiến tham gia quản lý Dự án Khu phức hợp cao cấp trên khu vực Khách sạn Kim Liên tại số 5 - 7 Đào Duy Anh (Đống Đa, Hà Nội). Tập đoàn tài chính KB Hàn Quốc sẽ rót 425 tỷ đồng vào Tập đoàn Công nghệ G-Group ở vòng gọi vốn thứ nhất (series A)...
Thông tin càng đáng mừng hơn nữa khi rõ ràng, dòng vốn đầu tư đang đổ vào Việt Nam là phù hợp với định hướng hợp tác đầu tư nước ngoài, được chỉ ra trong Nghị quyết số 50/NQ-TW của Bộ Chính trị. Đó là thu hút vốn đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ nguồn, công nghệ mới, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan toả, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu, cũng như kết nối được với khu vực trong nước…
Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên, trong làn sóng dịch chuyển đó, vẫn sẽ có những luồng vốn xấu, lợi dụng dòng chảy để đưa công nghệ lạc hậu vào Việt Nam. Do đó, Việt Nam phải có “bộ lọc” tốt để chặn các dự án kém chất lượng.
Hiện nay, các “bộ lọc” này vẫn đang được các cơ quan chức năng Việt Nam xây dựng. Nếu làm được như vậy, cơ hội nâng “chất” dòng vốn đầu tư nước ngoài, nâng “chất” nền kinh tế là rất lớn.
Liên quan đến vấn đề nguồn nhân lực, chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư, bà Winnie Wong, Giám đốc Quốc gia Mastercard tại Việt Nam, Campuchia và Lào cho biết, ở Singapore, trước khi muốn thu hút đầu tư một “ông lớn”, Chính phủ sẽ hỏi nhà đầu tư cần gì, muốn gì. Từ đó, họ sẵn sàng thiết kế một chương trình đào tạo riêng để đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực đó.
“Ban đầu, có thể chương trình chỉ để đáp ứng cho một hãng nào đó, nhưng các tập đoàn lớn nhìn thấy được nguồn nhân lực được đào tạo tốt như vậy sẽ đến Singapore đặt văn phòng. Tất cả hình thành được khối liên kết chắc chắn và họ sẽ không dịch chuyển sang nước khác”, bà Winnie Wong cho biết.