Sau khi để mất hơn 1%, Shanghai Composite đã đảo chiều và lên điểm 0,4% trong ngày giao dịch 22/9. Ảnh: AFP |
Sau khi nhiều thị trường chứng khoán trên thế giới chứng kiến sóng bán tháo mạnh mẽ vào đầu tuần, giới đầu tư đã dè chừng quan sát thị trường chứng khoán Trung Quốc và những diễn biến xoay quanh số phận của Tập đoàn bất động sản Trung Quốc Evergrande đang ngập nợ hơn 300 tỷ USD.
Cả hai chỉ số Shanghai Composite và Shenzhen Component đều giảm hơn 1% ngay đầu phiên giao dịch 22/9, trước khi cắt lỗ và đóng cửa trái chiều. Shanghai Composite kết thúc ngày giao dịch 22/9 vẫn nhích 0,4% lên 3.628,49 điểm, còn Shenzhen Component đóng cửa giảm 0,573% xuống 14.277,08 điểm.
Trong khi đó, CSI 300 - chỉ số theo dõi những cổ phiếu đắt giá nhất tại thị trường Trung Quốc đại lục - đã giảm 0,7% trong ngày xuống 4.821,77 điểm.
Thị trường Hong Kong hôm 22/9 đóng cửa nghỉ lễ. Sau khi tuột mất hơn 3% trong ngày giao dịch trước đó, chỉ số Hang Seng đã quay đầu và kết thúc ngày giao dịch 21/9 với mức tăng 0,51% lên 24.221,54 điểm.
Theo nhận định của Ngân hàng Singapore DBS, các nhà đầu tư đang trông chờ dấu hiệu can thiệp của chính quyền Trung Quốc để ngăn chặn tình trạng vỡ nợ hỗn loạn của Tập đoàn Evergrande.
"Bất ổn thị trường xoay quanh Evergrande đã gia tăng trong các phiên giao dịch vừa qua khi nhà đầu tư cho rằng sự im lặng từ phía chính quyền cho đến nay đối với công ty đang gặp khó khăn (Evergrande) là biểu hiện thiếu sự hỗ trợ chính thức", các chuyên gia DBS đánh giá.
Phía ngân hàng DBS cho biết, cổ phiếu Evergrande niêm yết tại Hong Kong đến nay đã "bốc hơi" 85% giá trị sau khi giảm thêm 10,6% trong hai ngày giao dịch vừa qua.
Tâm lý nhà đầu tư hôm 22/9 phần nào được xoa dịu sau khi Hengda, công ty bất động sản trực thuộc Evergrande, thông báo rằng doanh nghiệp này sẽ thanh toán lãi trái phiếu trong nước của họ vào ngày 23/9. Trong khi đó, thời điểm Evergrande thanh toán lãi suất cho trái phiếu bằng đô la Mỹ ở nước ngoài vẫn là dấu hỏi lớn.
Dữ liệu của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cho thấy cơ quan này hôm 22/9 đã bơm thêm thanh khoản đáng kể cho thị trường thông qua các "thỏa thuận mua lại đảo ngược" (hay còn gọi là hợp đồng Repo) hoặc mua vào trái phiếu ngắn hạn từ một số tổ chức cho vay thương mại để các ngân hàng có thêm tiền mặt.
Cùng ngày, Trung Quốc cũng công bố giữ nguyên lãi suất cho vay cơ bản, với lãi suất cơ bản cho vay (LPR) kỳ hạn 1 năm được giữ ổn định ở mức 3,85%, còn lãi suất cơ bản cho vay kỳ hạn 5 năm vẫn neo ở mức 4,65%. Động thái này thỏa mãn phần lớn kỳ vọng của các nhà giao dịch và giới phân tích trong một cuộc thăm dò nhanh của Reuters.
Tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 kết thúc ngày giao dịch 22/9 trượt 0,67% về 29.639,40 điểm, trong khi chỉ số Topix giảm hơn 1% xuống 2.043,55 điểm.
Chỉ số Taiex của Đài Loan mất hơn 2% còn 16.925,82 điểm. Trái lại, chỉ số S&P/ASX 200 tại Australia vẫn tăng nhẹ 0,32% lên 7.296,90 điểm. Chứng khoán Hàn Quốc hôm 22/9 đóng cửa nghỉ lễ. Nhìn chung, chỉ số MSCI khu vực châu Á - Thái Bình Dương (ngoại trừ Nhật Bản) vẫn giảm 0,31%.
Phố Wall đêm qua chứng kiến chỉ số Dow Jones giảm thêm 50,63 điểm xuống 33.919,84, còn chỉ số S&P 500 trượt 0,1% về 4.354,19 điểm. Ngược lại, chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite vẫn hoạt động trong vùng tích cực với mức tăng 0,22% lên 14.746,40 điểm.
Giá dầu giao dịch theo giờ châu Á hôm 22/9 tăng cao. Giá dầu thô Brent giao kỳ hạn tăng 1,53% lên 75,50 USD/thùng, còn giá dầu thô giao sau của Mỹ bật mạnh hơn với 1,72% và giao dịch ở mức 71,70 USD/thùng.
Trên thị trường tiền tệ, chỉ số đô la Mỹ so với các đồng tiền mạnh khác trượt nhẹ về 93,209, từ mức 93,3 thiết lập đầu tuần. Đồng yên Nhật lên giá và giao dịch ở mức 109,51 JPY "ăn" 1 USD, so với mốc 110 JPY/USD hồi đầu tuần. Đồng đô la Australia cũng nhích giá và trao tay ở mức 1 AUD đổi 0,7254 USD.