Phục vụ số ít những người tinh tế
Mày mò kinh doanh các sản phẩm tai nước ngoài nghe từ năm 2010, với website 7xu.vn, Hùng nhận ra, đa phần tai nghe trên thị trường chất lượng không phải quá xuất sắc, giá lại quá cao. Phần lớn chi phí khách hàng phải trả cho thương hiệu của các hãng.
Hùng nảy ra ý tưởng làm loại tai nghe có chất lượng tương tự, cho phép cá nhân hóa theo tính cách của khách hàng với giá thành cạnh tranh hơn. Nghĩ là làm. Trong hai năm 2012 và 2013, anh thử nghiệm việc làm thủ công các bộ phận tai nghe.
. |
Đến năm 2014, Hùng cho ra đời sản phẩm tai nghe Jelly Ear đầu tiên mang thương hiệu Joinhandmade. Điểm nổi bật của sản phẩm là thiết kế nguyên khối và nhiều lớp, giúp sản phẩm có tính thẩm mỹ cao nhưng vẫn bền bỉ. Phần đầu dây được quấn cẩn thận bằng chỉ. Miếng bọc giắc cắm tai nghe được đúc và đánh nhám bằng tay.
Đặc biệt, núm tai nghe không làm bằng cao su hay silicon mà được chế tác từ bọt biển và có thể tùy biến theo kích cỡ lỗ tai của khách hàng.
Về chất lượng âm thanh, Jelly Ear sử dụng Balanced Armature (thành phần quan trọng nhất) giúp bóc tách chi tiết âm thanh, tái tạo riêng rẽ âm thanh từng nhạc cụ. Công nghệ này cũng được dùng ở các tay nghe cao cấp như Sony XBA, Phonak 232… Nhược điểm của Jelly Ear là chỉ có màu đỏ trắng.
Sau Jelly Ear, tháng 10/2014, Hùng tiếp tục ra mắt Jelly Galaxy. Mẫu tai nghe này được gia công tổng cộng 22 công đoạn, giúp Jelly Galaxy có thiết kế nguyên khối. Gần đây nhất, tháng 12/2015, Hùng ra mắt mẫu Jelly Doux với 12 màu và 180 lựa chọn màu đi kèm. Đặc biệt, sản phẩm ra sau luôn được áp dụng các vật liệu tốt cho môi trường và sức khỏe so với sản phẩm trước.
Về giá bán, Hùng cho biết kể cả chiếc đắt nhất là Jelly Ear, khoảng 2 triệu đồng, cũng rẻ hơn ít nhất là môtột nửa so với các sản phẩm cùng phân khúc của nước ngoài. Joinhandmade có giá cạnh tranh như vậy là do Hùng bỏ qua các khâu tiếp thị, đại lý . Chi phí đó giảm trực tiếp vào giá bán sản phẩm cho người dùng. Đã vậy, mỗi sản phẩm bán ra, Hùng tự tin bảo hành một năm.
“Tôi không muốn khách hàng chịu thiệt vì những chi phí đó”, Hùng nói.
Hùng cho biết, đơn hàng từ sau Tết đến nay là gần 1.000 chiếc. Phải hết tháng 3 này, anh mới giao xong hàng cho khách. Nhiều khách hàng phàn nàn về thời gian giao hàng, nhưng Hùng bảo phải chấp nhận, vì làm thủ công không nhanh hơn được. Mặt khác, để bảo đảm chất lượng sản phẩm, làm chậm vẫn tốt hơn.
“Để có sản phẩm tốt, khách hàng phải chờ đợi. Không còn cách nào khác. Chúng tôi không phục vụ số đông, mà phục vụ số ít những người tinh tế”, Hùng nói.
Khùng như Trần Mạnh Hùng
Chuyện Hùng bỏ vài tỷ đồng ra làm sản phẩm tai nghe trong bối cảnh hàng ngoại chiếm phần lớn thị phần đã được giới truyền thông trong nước gọi là “gã khùng”. Nhưng phải trực tiếp trò chuyện với Hùng mới thấy hết “độ khùng” của nhà sáng lập sinh năm 1988 này.
Tốt nghiệp lớp 12, Hùng đã đi làm và trải qua nhiều vị trí như nhà thiết kế, nhân viên kinh doanh, kinh doanh thiết bị âm thanh… Gặp thời vận, Hùng cũng phất theo và sớm có được các vật chất mà xã hội đánh giá là người thành đạt.
Nhưng, tiền dễ kiếm thì cũng tiêu nhanh, khi thời vận qua đi, tuổi lại trẻ không nhiều kinh nghiệm, Hùng mất không ít. Song anh không tiếc. Điều quan trọng hơn, anh không tìm thấy niềm vui trong những công việc đó. Xuất thân là dân thiết kế lại đam mê cái đẹp, Hùng rất thích chế tác các sản phẩm bằng tay. Joinhandmade ra đời từ đó.
Hùng bảo, bán được bao nhiêu, anh dành 30% doanh thu để đầu tư vào bộ phận nghiên cứu phát triển sản phẩm. Bởi vậy, sau 2 năm thành lập, đường thu hồi vốn của Công ty vẫn còn xa hun hút. Bạn bè bảo Hùng khùng, kinh doanh không thấy lãi mà vẫn làm. Hùng mặc kệ, vì đối với anh, niềm vui trong công việc nó lớn hơn nhu cầu về vật chất.
“Tôi luôn quan niệm đừng để áp lực kinh doanh ảnh hưởng đến niềm vui trong công việc. Thu nhập bản thân có thể ít đi, nhưng niềm vui không được giảm”, Hùng nói.
Có lẽ vì thứ đam mê khó tả về sự tinh tế và cái đẹp, nên gã khùng làm nên Joinhandmade luôn đòi hỏi sự hoàn hảo trong công việc. Như website chẳng hạn, trong năm nay, Hùng đã đổi giao diện không dưới 3 lần, tất cả do một mình anh làm vì không Công ty nào chấp nhận đòi hỏi “khó như trên trời” của Hùng.
Nhưng Hùng có lý ở góc độ nhà kinh doanh. Anh bảo bán hàng thủ công mà website của anh không đủ hấp dẫn, đủ tinh tế thì khách nào muốn mua. Joinhandmade.com là một trong số hiếm các website ở Việt Nam được Google chấm điểm 10/10 về độ thân thiện với người dùng. Đây cũng là kênh bán hàng chủ lực của Công ty hiện nay.
Thậm chí với sản phẩm tai nghe, nếu lúc hoàn thành thấy không vừa ý, Hùng sẵn sàng hủy để làm lại. Chính cách làm này đẩy chi phí phát triển sản phẩm lên khá lớn, trong khi vốn thì có hạn. Hùng kể, một số quỹ đầu tư cũng muốn tham gia, nhưng anh từ chối vì các quỹ luôn muốn đẩy mạnh doanh số bán ra, để lời nhiều còn Hùng thì muốn kéo vài nghệ nhân nổi tiếng về… phát triển sản phẩm tốt hơn.
“Đối thủ lớn nhất của tôi chính là tôi. Tôi luôn tìm cách làm sao để sản phẩm sau đẹp hơn, phức tạp hơn sản phẩm trước”, Hùng nói.
Nói đến độ khùng của Joinhandmade, có lẽ không thể bỏ qua nhóm cộng sự của Hùng và cách làm việc của họ. Có thể nói, làm việc chung với Hùng phải là những người “khùng cùng cấp độ”. Người phụ trách sản xuất của Joinhandmade vốn rất mê nấu ăn, nên anh này rất chú trọng đến sự chính xác về tỷ lệ của các thành phần. Anh luôn muốn tạo ra sản phẩm sau nhỏ gọn hơn sản phẩm trước. Còn người phụ trách kỹ thuật của Công ty luôn tìm kiếm những vật liệu mới để ứng dụng vào việc sản xuất tai nghe. Anh này đang nghiên cứu bột kim cương để sản xuất màn tai nghe mỏng hơn, độ rung cao hơn giúp tách được nhiều âm thanh trong khi nghe.
Thông thường vào 18 giờ mỗi ngày, cả nhóm họp lại ở xưởng. Ngồi nghiên cứu các sản phẩm mới tới 2-3 giờ sáng.
Khi được hỏi làm việc với những người cũng “khùng” ngang mình, có bao giờ xảy ra xích mích? Hùng cười và bảo chắc chắn có, khi ai cũng đam mê với công việc của mình thì luôn bảo vệ quan điểm đã đưa ra, bất đồng là điều dễ hiểu, nhưng mỗi người đều có một ngưỡng chịu đựng nhất định.
“Chúng tôi sẽ thông báo cho những người còn lại khi sắp vượt giới hạn chịu đựng. Cả nhóm sẽ điều chỉnh lại để tiếp tục làm việc chung”, Hùng chia sẻ kinh nghiệm làm việc.
Ước muốn đưa Joinhandmade ra thế giới
Khi được hỏi Joinhandmade trong năm nay có gì khác biệt, Hùng cho biết, do chỉ tập trung vào chất lượng sản phẩm, nên Công ty không có kế hoạch phát triển cụ thể qua từng năm.
“Kế hoạch lớn nhất trong năm nay là giải quyết lượng đặt hàng tai nghe đang tồn, đảm bảo đến tay khách hàng đúng cam kết”, Trần Mạnh Hùng nói.
Thật ra, Hùng biết rõ điểm yếu của các công ty thủ công như Joinhandmade là phụ thuộc rất lớn vào con người, nên việc mở rộng cần phải tính toán và cần có thời gian để đảm bảo về mặt vận hành.
Hùng cho biết tham vọng lớn nhất của anh là đưa sản phẩm Joinhandmade ra thị trường nước ngoài. Nhiều khách hàng ở châu Âu đặt hàng trên website Công ty dù lúc đó chưa có bản tiếng Anh. Người nước ngoài thích các sản phẩm cá tính và làm thủ công.
Trong năm nay, Hùng sẽ thử nghiệm việc tách bộ phận sản xuất thành một công ty riêng. Joinhandmade sẽ tập trung vào khâu tiếp thị và nghiên cứu sản phẩm.
“Làm gì thì làm, nhưng tôi sẽ cố gắng không đánh mất niềm vui trong công việc”, Hùng nói.