Nhiều nhà cung cấp dịch vụ logistics đang sử dụng dữ liệu lớn để tối ưu hóa hoạt động hàng ngày. Ảnh: Đức Thanh |
Tại các quốc gia Đông Nam Á, xu hướng mua hàng trực tuyến của người dùng Internet đã gia tăng đáng kể trong 10 năm trở lại đây.
Chính vì vậy, các nhà cung cấp dịch vụ logistics dựa trên những phương thức truyền thống bắt buộc phải số hóa để theo kịp với nhu cầu xã hội. Một thống kê cho thấy, khoảng 40% doanh nghiệp logistics đang sử dụng dữ liệu lớn để tối ưu hóa hoạt động hàng ngày.
Công nghệ số trong quản lý chuỗi cung ứng
Sự tiến bộ nhanh chóng của công nghệ kỹ thuật số đã thay đổi căn bản động lực cạnh tranh của ngành dịch vụ logistics và quản lý chuỗi cung ứng. Chuỗi cung ứng kỹ thuật số là sự phát triển của hệ thống thông tin và áp dụng các công nghệ tiên tiến nhằm tăng cường sự tích hợp và tính linh hoạt của chuỗi cung ứng, từ đó cải thiện dịch vụ khách hàng và hiệu quả hoạt động bền vững của tổ chức.
Ngày nay, công nghệ số có tác động đối với việc ra quyết định của các doanh nghiệp trong ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng. Nhiều công nghệ tích hợp số được phát triển và có tính ứng dụng cao đối với doanh nghiệp, tiêu biểu như Internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo, công nghệ chuỗi khối (blockchain), học máy, học sâu, điện toán đám mây, điện toán lượng tử, nhận dạng khuôn mặt, sinh trắc học, robot, công nghệ laser và hồng ngoại. Những công nghệ tích hợp này có thể áp dụng trong hoạt động quản lý vận tải tự động và hậu cần.
Nghiên cứu gần đây của Hartley và Sawaya đưa ra những bằng chứng về 3 công nghệ sẵn sàng thay đổi quy trình kinh doanh của chuỗi cung ứng, bao gồm tự động hóa quy trình bằng robot, trí tuệ nhân tạo/học máy và công nghệ chuỗi khối.
Đơn cử, trong hoạt động kho vận và hải quan, công nghệ laser và hồng ngoại đã được sử dụng để theo dõi hàng hóa của container. Trong công tác giám sát sân bay, ứng dụng nhận dạng khuôn mặt đã được sử dụng ở một số sân bay lớn trên thế giới để hành khách làm thủ tục và lên máy bay.
Ứng dụng blockchain trong hoạt động giám sát
Blockchain được xem là công nghệ thiết lập để cách mạng hóa dữ liệu, thay đổi quy trình quản lý và giao dịch kinh doanh của nhiều ngành nghề. Bằng cách thiết lập blockchain trong chuỗi cung ứng, hoạt động di chuyển hàng hóa và dịch vụ trong ngành logistics diễn ra liền mạch giữa biên giới các quốc gia.
Ứng dụng blockchain trong hoạt động giám sát các sản phẩm y tế và dược phẩm qua cửa hải quan. Blockchain đóng vai trò như một sổ cái phân tán phi tập trung, quản lý giao dịch dữ liệu và xác thực hàng hóa và dịch vụ xuyên biên giới, giúp cải thiện khả năng truy xuất nguồn gốc của dòng thương mại hàng hóa xuyên biên giới. Điều này hỗ trợ đáng kể việc kiểm soát gian lận và giả mạo hàng hóa trên thị trường.
Một điều dễ nhận thấy là blockchain làm thay đổi thói quen vận chuyển và lưu trữ chứng từ giấy truyền thống của nhiều doanh nghiệp logistics, góp phần làm giảm tiêu tốn đáng kể, cũng như nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường của doanh nghiệp. Tuy nhiên, công nghệ blockchain cũng đặt ra nhiều thách thức. Để ứng dụng blockchain mang lại hiệu quả tối ưu, cần có sự liên kết chặt chẽ giữa hạ tầng giao thông từ đường biển (cơ quan hải quan, bến cảng), đường hàng không (sân bay), đường sắt và đường bộ.
Một số kiến nghị
Một là, xây dựng các quy tắc chia sẻ dữ liệu, thông tin trong ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng. Việc xác định quy tắc chia sẻ dữ liệu, thông tin sẽ góp phần thúc đẩy quá trình hội nhập và tạo động lực phát triển minh bạch của thị trường thương mại điện tử nói chung và ngành logistics nói riêng.
Hai là, thiết lập liên kết ngành logistics trên môi trường số. Trong môi trường VUCA (với 4 đặc điểm về tính biến động, không chắc chắn, phức tạp, mơ hồ), nơi sự kỳ vọng của người tiêu dùng ngày càng tăng, thì việc tổ chức liên kết 4 nhà, bao gồm Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông sẽ là cần thiết để tạo ra một cộng đồng kỹ thuật số bền vững.
Ba là, nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao trong ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng. Chuyển đổi số sẽ thay đổi các quy trình về bảo trì, hậu cần, chuỗi cung ứng, tài chính, bán hàng bằng cách đưa ra các khái niệm mới về sản xuất thông minh, hợp đồng thông minh. Hay các giao dịch thanh toán hiện đại thông qua tiền kỹ thuật số, tiền điện tử.
Để giải quyết vấn đề trên, quan trọng hơn hết là các tổ chức, doanh nghiệp trong ngành phải chủ động nâng cao năng lực người lao động, tăng cường trong việc tiếp thu và phát triển các năng lực liên quan đến công nghệ thông tin và phương tiện kỹ thuật số để thực hiện nhiệm vụ, tìm kiếm những nhân sự có kỹ năng lành nghề và sẵn sàng áp dụng hiệu quả các công nghệ kỹ thuật số trong hoạt động sản xuất - kinh doanh. Đồng thời, đối với cơ sở giáo dục, các trường đại học phải giải quyết thách thức bằng cách cung cấp chương trình đào tạo liên quan đến các yêu cầu mới về chuyển đổi số.