Sự lạc quan về triển vọng tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2021 có lẽ xuất phát từ sự hồi phục trong sản xuất - kinh doanh. Trong ảnh: Nhà máy Điện Quang tại TP.HCM. Ảnh: Lê Toàn |
Kịch bản lạc quan
Dù năm 2021 chỉ vừa bắt đầu, song nhiều dự báo lạc quan về kinh tế Việt Nam tiếp tục được đưa ra. “Chúng ta có thể nghĩ đến kịch bản kinh tế lạc quan trong năm 2021”, ông Nguyễn Xuân Thành, chuyên gia kinh tế cấp cao, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, giảng viên Đại học Fulbright đã nói như vậy tại một hội thảo mới đây về vấn đề này.
Không chỉ ông Thành, mà cả Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Tiền tệ quốc tế (IMF) đều có cái nhìn lạc quan về kinh tế Việt Nam. Hai tổ chức này đưa ra dự báo, tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2021 sẽ đạt mức 6,5-6,8%, tức là cao hơn cả mục tiêu mà Quốc hội đã quyết nghị (6,0%).
Thậm chí, Chính phủ Việt Nam dường như còn đặt quyết tâm và sự quyết liệt hơn như thế. Tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương tổ chức vào cuối năm 2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhắc tới con số 6,5%.
Tuy nhiên, trong kịch bản tăng trưởng GDP (theo giá so sánh năm 2010), mà Chính phủ ban hành kèm theo Nghị quyết số 01/NQ-CP về Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021, các con số đặt ra còn cao hơn.
Cụ thể, tăng trưởng GDP quý I sẽ là 6,52-6,77%; quý II là 6,65-6,87%; 6 tháng là 6,59-6,83%. Bước sang quý III, nền kinh tế thậm chí còn tăng tốc mạnh hơn, với tăng trưởng GDP là 7,11-7,37%; đưa tăng trưởng GDP 9 tháng lên 6,79-7,03%. Quý IV, nền kinh tế dự kiến tăng trưởng 6,81-6,93%. Và cả năm, con số là 6,8-7%.
Nghĩa là dù ở ngưỡng thấp hay ngưỡng cao, thì kỳ vọng tăng trưởng kinh tế mà Chính phủ đặt ra đều ở mức khá cao. Tuy vậy, đây là con số cần thiết để nền kinh tế Việt Nam có thể hồi phục nhanh chóng và sớm quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng như thời kỳ trước Covid-19.
“Nếu nền kinh tế chỉ tăng trưởng 6-6,5%, thì có nghĩa, chúng ta mới chỉ đang trong giai đoạn phục hồi”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nói.
Trên thực tế, đặt ra mục tiêu cao hơn Quốc hội quyết nghị, đồng thời xây dựng kịch bản ở mức còn cao hơn thế chính là cách để Chính phủ Việt Nam quyết liệt với mục tiêu tăng trưởng của năm 2021, năm có ý nghĩa quan trọng trong thực hiện Kế hoạch 5 năm 2021-2025 và Chiến lược 10 năm 2021-2030.
“Liều thuốc” cho nền kinh tế
Sự lạc quan về triển vọng tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2021 có lẽ xuất phát từ sự hồi phục trong sản xuất - kinh doanh, mà sâu xa là sự nỗ lực, bền bỉ và dẻo dai của cộng đồng doanh nghiệp, cũng như động thái tích cực trong giải ngân đầu tư công trong năm 2020. Tin tưởng vào đà hồi phục đó, nên khi xây dựng kịch bản tăng trưởng năm 2021, Chính phủ đã đặt kỳ vọng lớn vào khu vực công nghiệp - xây dựng, với tốc độ tăng trưởng dự kiến là 8,5%, cao hơn rất nhiều so với mức tăng trưởng 3,98% của năm nay.
Tương tự, là kỳ vọng sự hồi phục của khu vực dịch vụ, với kịch bản tăng trưởng 6,74-7,24% trong năm nay, cao hơn gần 3 lần so với tốc độ tăng trưởng 2,34% của năm 2020. Ngay cả khu vực nông - lâm nghiệp - thủy sản cũng vậy, kỳ vọng tăng trưởng 2,91-3%, cũng cao hơn mức tăng trưởng 2,68% của năm nay.
Có nhiều “liều thuốc” để kinh tế Việt Nam có thể đạt mục tiêu đề ra, thậm chí cao hơn. Đó là cải cách thể chế, môi trường đầu tư kinh doanh; tái cơ cấu nến kinh tế; nâng cao năng suất lao động; khai thác thế mạnh của các hiệp định thương mại; áp dụng công nghệ số…
Chỉ ra các động lực tăng trưởng như vậy, ông Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhấn mạnh thêm, để đạt mức tăng trưởng cao hơn, còn có thể dựa vào nâng cao hiệu quả của đầu tư công.
“Chỉ cần ICOR giảm 0,2 lần sẽ tác động đến GDP. Hơn nữa, còn có thể đẩy mạnh tái cơ cấu, chuyển đổi nền kinh tế, bởi hiện nay khu vực nông - lâm - thủy sản vẫn chiếm tỷ trọng cao. Nếu giảm 5% GDP của khu vực 1, làm GDP của khu vực 2 (công nghiệp và xây dựng) và khu vực 3 (dịch vụ) tăng lần lượt 2,5%, thì GDP sẽ tăng trưởng cao hơn”, ông Lâm nói.
Các yếu tố như thúc đẩy đầu tư công, tăng cường xuất khẩu, đặc biệt là thúc đẩy tiêu dùng nội địa - cỗ xe tam mã của nền kinh tế - tiếp tục được các chuyên gia nhấn mạnh, coi đó là động lực quan trọng của nền kinh tế trong năm 2021.
Nhưng ở một góc nhìn khác, ông Nguyễn Xuân Thành đặc biệt nhấn mạnh yếu tố rủi ro của nền kinh tế, như căng thẳng thương mại song phương, đa phương, sự thay đổi chính trị trên toàn cầu, và đặc biệt là đại dịch Covid-19, cũng như khả năng sử dụng vắc-xin Covid-19.
“Vắc-xin Covid-19 sẽ là liều thuốc cho mọi nền kinh tế”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cũng đã nhắc đến điều này.
Theo Thứ trưởng, yếu tố gây kìm hãm tăng trưởng của kinh tế toàn cầu và kinh tế Việt Nam vẫn là đại dịch Covid-19. Trong bối cảnh đó, vắc-xin Covid-19 chính là “liều thuốc” quan trọng. Nếu mua và tiêm được vắc-xin Covid-19 thì sẽ có cơ hội mở cửa và thông thương quốc tế, tạo nền tảng cho sự phục hồi của nền kinh tế.