Khả năng khó đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế đã được dự cảm từ khi tăng trưởng GDP quý I/2016 được công bố ở mức 5,48%, thấp hơn 1,53 điểm phần trăm so với tốc độ tăng trưởng của quý IV/2015. Sau đó, tình hình cũng không sáng sủa hơn, khi quý II/2016, tăng trưởng GDP đã chững lại, chỉ đạt 5,55%, không cải thiện nhiều so với mức tăng của quý I/2016. Tính chung, con số tăng trưởng GDP nửa đầu năm 2016 được Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Chính phủ tại Phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 6/2016 chỉ là 5,52%, thấp hơn nhiều so với mức tăng cùng kỳ năm 2015 là 6,47%.
Điều đáng quan tâm là, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sự giảm sút tốc độ tăng trưởng không chỉ trong nông nghiệp - ngành bị thiệt hại nặng do thiên tai, xâm nhập mặn, mà cả trong công nghiệp.
Sản xuất công nghiệp trong 6 tháng đầu năm chỉ tăng 7,5%, thấp hơn đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái. Ảnh: Đức Thanh |
Số liệu thống kê cho thấy, giá trị sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm chỉ tăng 7,5%, trong khi mức tăng của 6 tháng đầu năm ngoái là 9,6%. Thậm chí, trong sản xuất công nghiệp nói chung, thì công nghiệp khai khoáng lại giảm 2,2% so với cùng kỳ, còn tăng trưởng công nghiệp chế biến - chế tạo mặc dù được kỳ vọng sẽ phục hồi nhanh, song trên thực tế, chỉ đạt mức tăng tương đương cùng kỳ năm 2015 (10,1%).
Cũng chính vì điều đó, khi trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, chuyên gia cao cấp Cao Viết Sinh đã bày tỏ sự lo ngại trước những khó khăn, thách thức mà nền kinh tế đang phải đối mặt. Theo ông, thậm chí các động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đã “chững lại” và chưa có dấu hiệu cho thấy, cả sản xuất công nghiệp, nông nghiệp hay dịch vụ sẽ có sự tăng trưởng mạnh trong nửa cuối năm. “Giải pháp chỉ có thể là thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư, nhưng như thế thì có thể ảnh hưởng tới mục tiêu kiềm chế lạm phát”, chuyên gia Cao Viết Sinh nói.
Có quan điểm tương tự, TS. Lê Đình Ân, nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia cũng cho rằng, những động lực cho tăng trưởng kinh tế đang dần cạn kiệt và điều này chỉ có thể giải quyết bằng cách dốc vốn cho đầu tư.
Tuy nhiên, đó chỉ là những giải pháp trong ngắn hạn và thực tế, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ngay cả dư địa cho nới lỏng các chính sách tiền tệ và tài khóa trong 6 tháng cuối năm cũng rất khó khăn. “Nếu thực hiện nới lỏng các chính sách tiền tệ, tài khóa trong các tháng cuối năm thì có thể kích cầu tăng trưởng, nhưng sẽ có các tác động bất lợi tới chỉ số giá tiêu dùng, điều hành lãi suất, tỷ giá ngoại tệ theo hướng ổn định. Các tác động này sẽ ảnh hưởng tới việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng năm 2017 và các năm tiếp theo”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư bày tỏ quan điểm.
Một tính toán được ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê đưa ra khi công bố tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2016, đó là, để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế đã được Quốc hội đề ra là 6,7%, thì 6 tháng cuối năm, tăng trưởng GDP phải đạt 7,6% - cao hơn trên 2 điểm phần trăm so với 6 tháng đầu năm.
“Không dễ đạt được con số này”. Các chuyên gia kinh tế đều đã thừa nhận như vậy, nhất là khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tính toán, nếu nới lỏng chính sách tiền tệ và tài khóa sẽ đe dọa mục tiêu kiềm chế lạm phát.
Nhưng “tăng trưởng kinh tế suy giảm sẽ ảnh hưởng đến các chỉ tiêu về bội chi ngân sách nhà nước trên GDP, có thể sẽ cao hơn mức Quốc hội đề ra; nợ công và nợ Chính phủ dự báo đến cuối năm 2016 cũng có thể vượt trần cho phép”. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã báo cáo Chính phủ như vậy.
Tiến thoái lưỡng nan. Thực sự rất khó để xây dựng kịch bản cho kinh tế Việt Nam năm 2016, khi mọi hướng nhìn đang đổ về khả năng xấu nhất, đó là không đạt mục tiêu đề ra. Khả năng này càng lớn hơn khi sự kiện Brexit được cho là sẽ tác động tiêu cực tới thị trường chứng khoán và tài chính thế giới, trong đó có Việt Nam. Hiệu ứng domino của Brexit là khôn lường.
Thực tế, những năm trước, khi tăng trưởng kinh tế chậm lại, một trong những giải pháp luôn được đề xuất, đó là tăng khai thác dầu thô. Tuy nhiên, trong bối cảnh giá dầu thấp hiện nay, cũng như trong bối cảnh khai thác dầu ngày càng khó khăn và sẽ tiếp tục khó khăn, thì giải pháp này đã không còn là cứu cánh cho nền kinh tế nữa. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thậm chí đã thẳng thắn rằng, cần phải “cân nhắc thận trọng”.
“Phải đặt trọng tâm vào đẩy mạnh sản xuất, kích cầu tiêu dùng và khuyến khích xuất khẩu, tạo động lực để có tăng trưởng thực chất và hiệu quả. Tăng khai thác và xuất khẩu dầu thô trong thời điểm hiện nay là một sự lãng phí rất lớn nguồn lực phát triển của đất nước”, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh và đề xuất việc tìm kiếm các động lực tăng trưởng mới thông qua cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cải cách thể chế...
“Việc ký kết và thực hiện các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới được kỳ vọng sẽ mang lại những đột phá về đầu tư kinh doanh, mở rộng thị trường xuất khẩu. Việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh đang được các cấp, các ngành tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt. Những yếu tố thuận lợi đó sẽ là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh và cho rằng, nếu tất cả các ngành, các cấp phấn đấu, nỗ lực và có sự chỉ đạo kiên quyết, sát sao, tập trung khắc phục những khó khăn trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp, đồng thời tập trung đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng các ngành, lĩnh vực còn có nhiều tiềm năng, như xây dựng, dịch vụ, du lịch..., thì có khả năng vẫn đạt được mục tiêu tăng trưởng đã đặt ra.