Ngược lại, những địa phương không thuộc “diện thí điểm” đón khách du lịch quốc tế như Thừa Thiên Huế, Lâm Đồng, Phú Yên, Quảng Bình… cũng đã đồng loạt xây kịch bản mới, chỉ tập trung hướng đến thị trường khách trong nước khi mở cửa du lịch trở lại.
Kịch bản đón khách quốc tế
Ngành Du lịch Đà Nẵng đã lên phương án từ tháng 11 tới, thực hiện “bong bóng du lịch” giữa Đà Nẵng với một số địa phương, đầu tiên là Quảng Nam và Quảng Ninh. Sau đó, khi cả nước chuyển trạng thái bình thường mới, thủ phủ du lịch miền Trung sẽ khôi phục toàn bộ hoạt động du lịch.
Đà Nẵng đã hoàn thiện phương án, lộ trình về việc mở cửa trở lại các hoạt động du lịch, dịch vụ. |
Bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Du lịch TP. Đà Nẵng cho biết dự kiến sẽ bắt đầu từ tháng 11/2021 với 2 nhóm khách. Thứ nhất là người nhập cảnh làm công vụ, thăm thân, hồi hương… Những người này sẽ cách ly 7 ngày và theo các quy định khác của Bộ Y tế. Nhóm thứ hai du lịch trọn gói, khép kín với những thị trường đã mở cửa, áp dụng hộ chiếu vaccine, tập trung vào thị trường Hàn Quốc và Nga.
Đà Nẵng cũng đang tiếp nhận một số thông tin tích cực như thị trường Hàn Quốc có nhu cầu đến Đà Nẵng.
“Khi Chính phủ cho phép khôi phục các đường bay quốc tế thì sẽ thực hiện một tuần 2 chuyến bay đưa khoảng 200 khách Hàn Quốc đến Đà Nẵng. Đối với thị trường khách Nga, dự kiến mỗi tháng đón từ 2.000 đến 4.000 khách đến thành phố. Sau đó thành phố sẽ đón khách bình thường khi Chính phủ cho phép khôi phục đường bay quốc tế”, bà Hạnh cho hay.
Theo Sở Du lịch TP Đà Nẵng, hiện Thành phố đã hoàn thiện phương án, lộ trình về việc mở cửa trở lại các hoạt động du lịch, dịch vụ. Theo đó, tỷ lệ người dân trên địa bàn Đà Nẵng được tiêm vaccine phòng COVID-19 đạt trên 90%, thành phố sẽ mở lại các dịch vụ, du lịch cho người dân.
Chia sẽ về lộ trình mở cửa du lịch, ông Nguyễn Đức Quỳnh, Tổng giám đốc Furama Resort Đà Nẵng, cho biết sau thời gian dài đóng cửa vì dịch bệnh, các cơ sở lưu trú cũng sẵn sàng mở cửa để đón khách.
“Người dân phải ở yên trong nhà trong nhiều tháng đã cảm thấy bức bách, cần đến những nơi phù hợp để nghỉ ngơi, thư giãn. Việc mở cửa sẽ giúp các cơ sở lưu trú khởi động cùng thành phố, đánh giá lại doanh nghiệp, chuẩn bị cho năm 2022 để nhân viên quen dần với công việc phục vụ khách hàng; có thời gian để đào tạo lại lao động…”. ông Quỳnh cho hay.
Tại Quảng Nam, ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh này cho biết, đã ký tờ trình gửi Thủ tướng về việc cho phép tỉnh Quảng Nam đón khách du lịch quốc tế.
"Tỉnh Quảng Nam đã có kế hoạch đón khách du lịch quốc tế đến địa phương, bắt đầu từ tháng 2/2022 nếu được Chính phủ đồng ý", Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cho biết. Ảnh minh họa |
Theo ông Thanh, thời gian qua, tỉnh Quảng Nam đã thực hiện tốt công tác kiểm soát dịch bệnh Covid-19; đã có kinh nghiệm trong công tác tổ chức đón khách Việt Nam nhập cảnh; các cơ sở lưu trú, các đơn vị lữ hành và vận chuyển cũng đã tổ chức tốt việc phục vụ đón khách cũng như đảm bảo công tác phòng, chống dịch… Điều đó, đã thể hiện được năng lực của tỉnh Quảng Nam sẵn sàng đón khách du lịch quốc tế trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã yêu cầu Giám đốc Sở VH-TT-DL khẩn trương làm việc, phối hợp với Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế để phục hồi phát triển du lịch nội địa trong dịp cuối năm, đặc biệt là dịp Noel, Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và xa hơn là năm 2022.
“Tỉnh Quảng Nam đã có kế hoạch đón khách du lịch quốc tế đến địa phương, bắt đầu từ tháng 2/2022 nếu được Chính phủ đồng ý”, Chủ tịch Quảng Nam cho hay. Và theo kế hoạch, tỉnh này sẽ đón khách du lịch quốc tế ở các thị trường tiềm năng, có độ an toàn cao về phòng, chống dịch COVID-19, như Đông Bắc Á, châu Âu, Mỹ, Trung Đông, châu Úc...
Tỉnh ưu tiên khách du lịch chơi golf, casino, nghỉ dưỡng và dịch vụ biển, ít di chuyển, khách nhập cảnh bằng đường hàng không, thông qua các chuyến bay thuê chuyến, hoặc chuyến bay quốc tế thường lệ khi điều kiện cho phép.
Với Khánh Hòa, Chủ tịch UBND tỉnh này - ông Nguyễn Tấn Tuân, cho biết địa phương cũng đã ban hành bộ tiêu chí an toàn với dịch COVID-19 đối với lĩnh vực du lịch; đồng thời đến nay đã tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 1 cho gần 100% số người từ 18 tuổi trở lên và có gần 44% số người đã tiêm đủ 2 mũi. Lực lượng lao động của ngành du lịch là một trong những đối tượng được ưu tiên tiêm phòng sớm.
Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Nha Trang-Khánh Hòa Phạm Minh Nhựt chia sẻ: Những "mất mát" tạm thời của ngành du lịch lúc này là thách thức, nhưng cũng chính là cơ hội để những nhà làm du lịch trang bị thêm khả năng thích ứng, kinh nghiệm để bước vào một thời kỳ mới của du lịch.
Theo đó, một số doanh nghiệp lớn về lữ hành như Công ty TNHH Crystal Bay Intourist đã chủ động gửi công văn đến chính quyền tỉnh Khánh Hòa và TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, đề nghị được thực hiện thí điểm chương trình "Du lịch an toàn" thông qua các chuyến bay thuê chuyến trong nước, theo quy trình du lịch khép kín trong suốt chuyến đi nghỉ dưỡng từ Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đến Khánh Hòa, với tần suất mỗi ngày một chuyến từ hai điểm khởi hành nói trên.
Bà Nguyễn Thị Lệ Thanh, Giám đốc Sở Du lịch Khánh Hòa cho biết, hiện tại các resort dự định đón du khách quốc tế đã tiêm phòng vaccine cho 100% số người lao động. Như vậy, việc chuẩn bị cho dòng du khách và phương án đón khách quốc tế đã cơ bản đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19.
“Trước mắt Khánh Hòa đã chọn khu du lịch Bắc Bán đảo Cam Ranh (huyện Cam Lâm), nơi có tính biệt lập và nằm cạnh biển, hiện nay có 12 resort đang hoạt động với quy mô 6.000 phòng tiêu chuẩn 4-5 sao và các khu du lịch nằm biệt lập tại đảo Hòn Tre, Hòn Tằm… nằm trên các đảo giữa vịnh Nha Trang, có đủ điều kiện để đáp ứng yêu cầu đón khách quốc tế”, bà Thanh cho hay.
Với những địa phương không thuộc diện thí điểm đón khách quốc tế
Không xin thí điểm đón khách quốc tế như Đà Nẵng, Quảng Nam, Khánh Hòa nhiều tỉnh miền Trung như Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, Lâm Đồng, Phú Yên… chỉ tập trung hướng đến thị trường khách trong nước khi mở cửa du lịch trở lại.
Theo ông Trần Hữu Thùy Giang, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế, tỉnh này này đã sớm xây dựng và trình các phương án lên UBND tỉnh để sẵn sàng đón khách, phục hồi du lịch khi dịch COVID-19 được kiểm soát.
Cụ thể, Thừa Thiên Huế đã chuẩn bị nguồn nhân lực, bảo đảm an toàn để đón khách với việc 3.500 người trong lực lượng lao động ngành du lịch được tiêm 2 mũi vaccine COVID-19. “Trước mắt, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ mở cửa trở lại đối với các thị trường gần, ưu tiên nội tỉnh, nội địa để thử nghiệm "hộ chiếu vaccine" trong nước”, ông Giang cho biết.
Quảng Bình xây dựng kế hoạch từ ngày 31/10 đến ngày 31/12 sẽ triển khai thí điểm một số sản phẩm du lịch trọn gói liên tỉnh theo quy trình khép kín, du lịch theo “luồng xanh” đối với những khách du lịch đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin và có xét nghiệm âm tính trước 72 giờ khi đến Quảng Bình…. |
Còn tại Quảng Bình, ông Nguyễn Ngọc Quý, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh này cho hay, kế hoạch từ ngày 31/10 đến ngày 31/12 sẽ triển khai thí điểm một số sản phẩm du lịch trọn gói liên tỉnh theo quy trình khép kín, du lịch theo “luồng xanh” đối với những khách du lịch đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin và có xét nghiệm âm tính trước 72 giờ khi đến Quảng Bình….
Giai đoạn từ 2 là từ ngày 1/1/2022 đến 31/12/2023 với kịch bản tình hình dịch Covid-19 miễn dịch cộng đồng trên toàn quốc tăng cao sẽ là giai đoạn khôi phục hoàn toàn các hoạt động kinh doanh du lịch trong điều kiện mới.
Phương án đón khách du lịch nội địa và quốc tế theo ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Đà Nẵng, cho rằng các phương án đón và phục vụ khách là chủ trương và mong muốn của lãnh đạo các tỉnh, thành và cộng đồng doanh nghiệp.
Theo ông Cao Trí Dũng, để đón được khách quốc tế phải có chủ trương, đồng ý của Chính phủ. Hiện nay chỉ có Phú Quốc (Kiên Giang) là có chủ trương được sự đồng ý của Chính phủ và đang triển khai bộ khung pháp lý chi tiết. Đà Nẵng, Quảng Nam và một số tỉnh khác đã có chủ trương xin đề xuất với Chính phủ về việc đón khách quốc tế.
Đối với khách nội địa có thể chủ động tại địa phương, lãnh đạo thành phố cho phép mở tới đâu doanh nghiệp mở tới đó.
Tại Đà Nẵng, giai đoạn 1 mở cửa cho người Đà Nẵng chủ yếu là mở một số khu nghỉ dưỡng, nhà hàng để phục vụ nhóm khách gia đình. Tuy nhiên, vẫn chờ thêm một số hướng dẫn cụ thể từ ngành y tế về việc di chuyển như thế nào sao cho an toàn, phù hợp. “Còn để đón khách từ các địa phương khác đến Đà Nẵng cần có sự kết nối, trao đổi, thống nhất giữa các địa phương tiếp nhận và gửi khách thì mới làm được”, ông Cao Trí Dũng nói.