Ngân hàng đang thừa tiền vì tín dụng tăng trưởng rất thấp. Ảnh: Đ.T |
Hạ lãi suất, tung ưu đãi nhắm vào khách hàng cá nhân
Mùa mua sắm cuối năm cũng là thời điểm nhiều ngân hàng thúc đẩy tín dụng ưu đãi dành cho lĩnh vực tiêu dùng, phục vụ đời sống. Mới đây, hàng loạt ngân hàng như SHB, BIDV, Vietcombank, ACB, TPBank, Sacombank… tung ra các gói tín dụng hàng trăm ngàn tỷ đồng ưu đãi dành cho khách hàng cá nhân. Trong khi đó, các công ty tài chính tiêu dùng cũng ra sức tận dụng cơ hội để phục hồi.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, đại diện một công ty tài chính tiêu dùng cho biết, nhu cầu vay của người dân rất lớn, thậm chí còn lớn hơn năm ngoái. Tuy nhiên, điều này lại xuất phát từ tình hình thu nhập của người dân giảm, số công nhân thất nghiệp gia tăng. Đây là lý do khiến dù cầu lớn, các công ty tài chính vẫn rất thận trọng trong giải ngân, nhất là khi tình trạng bùng nợ chưa có dấu hiệu giảm.
Thúc đẩy cho vay tiêu dùng là một trong những chủ trương được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khuyến khích để “rã băng” tín dụng năm 2024. Từ cuối năm ngoái, NHNN đã có văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đẩy mạnh cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng. NHNN cũng yêu cầu các ngân hàng triển khai ngay các giải pháp ứng dụng dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong hoạt động cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng, bảo đảm hoạt động cho vay an toàn, hiệu quả, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho biết, tăng trưởng tín dụng tiêu dùng đang ở mức thấp nhất trong 5 năm qua. Kinh tế trong nước khó khăn, thu nhập người dân sút giảm, nợ xấu tăng cao… là nguyên nhân dẫn tới tình trạng này.
Mặc dù vậy, các chuyên gia kỳ vọng, năm 2024, cầu nội địa sẽ phục hồi dần, kéo theo vay tiêu dùng tăng trưởng trở lại. Theo PGS-TS Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Thị trường tài chính (Trường đại học Kinh tế TP.HCM), chỉ khi 3 động lực là tiêu dùng nội địa, xuất khẩu và đầu tư công tăng mạnh, thì tình trạng ngân hàng thừa tiền mới có thể được giải quyết.
Hiện nay, cầu tiêu dùng nội địa khá yếu ớt. Ông Huân cho rằng, việc giảm thuế, phí sẽ góp phần kích cầu tiêu dùng nội địa. Tuy vậy, để kích cầu tín dụng tiêu dùng, Chính phủ cần có những chính sách mạnh tay hơn với bất động sản, đặc biệt, cần có giải pháp cụ thể hơn trong khuyến khích phân khúc nhà ở hợp túi tiền người dân.
Cầu vay tiêu dùng sẽ tăng trở lại năm 2024?
Năm 2023, đầu tư tư nhân chỉ tăng 2,7% - mức thấp nhất trong 10 năm qua (bình thường tăng 12-14%/năm). Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu dùng cũng thấp, chỉ tăng 3,52%. Động lực tăng trưởng kinh tế năm 2023 đến từ chi tiêu Chính phủ.
Tuy vậy, ông Hoàng Huy, chuyên gia phân tích của Maybank Investment Bank (MSVN) kỳ vọng, năm 2024, tiêu dùng nội địa sẽ trở lại là động lực chính của tăng trưởng nhờ xuất khẩu tăng trở lại, tình hình tài chính của hộ gia đình ổn định hơn, thị trường bất động sản dần hồi phục.
Theo các chuyên gia, cho vay tiêu dùng của nhóm ngân hàng, đặc biệt là sản phẩm cho vay mua nhà - sửa nhà, sẽ hồi phục tốt hơn nhóm công ty tài chính, chủ yếu nhờ thị trường bất động sản đi lên từ đáy. Nhóm công ty tài chính tiêu dùng vẫn sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn do tệp khách hàng chính là khách hàng dưới chuẩn đang rất khó khăn.
“Tín dụng tiêu dùng năm nay sẽ tiếp tục khó khăn, do người vay giảm nhu cầu, trong khi bên cho vay thận trọng hơn do tình trạng bùng nợ xảy ra nhiều. Nợ xấu của các công ty tài chính đang tăng nhanh, buộc họ phải thận trọng trong hoạt động cho vay”, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế nhận định.
Cũng theo chuyên gia này, nguyên nhân nữa khiến tín dụng tiêu dùng tăng trưởng chậm lại là Việt Nam vẫn thiếu một hành lang pháp lý đủ mạnh để xử lý những vi phạm liên quan đến hoạt động cho vay. Do đó, để ngân hàng, công ty tài chính yên tâm cho vay, cần hoàn thiện hơn nữa hành lang pháp lý về vấn đề này.
Theo phản ánh của nhiều ngân hàng, công ty tài chính, hiện nay, việc xử lý nợ xấu cho vay tiêu dùng rất khó khăn do không có tài sản đảm bảo. Bên cạnh đó, ngân hàng, công ty tài chính không đủ nhân lực để tự xử lý hàng ngàn khoản nợ xấu nhỏ lẻ, trong khi việc bán theo lô các khoản nợ này như trước đây là không thể.
Đơn cử, tại Ngân hàng BIDV, nợ xấu cho vay tiêu dùng không tài sản đảm bảo chiếm chưa đến 1% tổng dư nợ vay tiêu dùng, nhưng số lượng khoản vay lên đến hàng ngàn, nên công tác thu hồi gặp nhiều khó khăn, do mất nhiều nhân lực thực hiện việc này.
Thực tiễn, việc bán danh mục các khoản nợ trên không thực hiện được do thị trường không có bên mua, do đặc điểm quy mô khoản vay nhỏ và không có tài sản đảm bảo. Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng không thuê được các dịch vụ thu hồi nợ, do Luật Đầu tư cấm doanh nghiệp kinh doanh các dịch vụ trong lĩnh vực thu hồi nợ. Trong khi thu hồi nợ gặp nhiều khó khăn, thì việc phát mại, khởi kiện qua tòa án thường kéo dài, tốn kém.
Tuy nhiên, một trong những lý do khiến tín dụng tiêu dùng chưa thể tăng trưởng mạnh là do các công ty tài chính đang bế tắc trong thu hồi nợ. Do đó, thời gian tới, cơ quan quản lý cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, xây dựng chính sách, cơ chế quản lý riêng, đặc thù đối với mảng tài chính tiêu dùng, tạo điều kiện cho công ty tài chính có môi trường hoạt động thông thoáng, an toàn và tuân thủ để có thể phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai.
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế