Ông có thể giới thiệu khái quát về quá trình hình thành MDEC và những đóng góp mà Diễn đàn đã mang lại cho Vùng ĐBSCL?
MDEC do Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành Trung ương, TP.HCM và các địa phương vùng ĐBSCL tổ chức hàng năm theo Quyết định 388/QĐ-TTg ngày 25/3/2010 của Thủ tướng Chính phủ.
| ||
Ông Nguyễn Phong Quang, Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ |
Từ năm 2007 đến nay, MDEC đã được tổ chức luân phiên ở 6 địa phương (TP.HCM, Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Cà Mau và Tiền Giang).
MDEC là hoạt động liên kết mở, tăng tính hợp tác, liên kết giữa các tỉnh, thành phố trong Vùng, giữa ĐBSCL với các bộ, ngành Trung ương, với TP.HCM, các vùng, miền khác trong cả nước và các tổ chức quốc tế, nhằm phát huy tiềm năng của Vùng, phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy hoạt động đối ngoại.
Đây là kênh đối thoại chính thức được Thủ tướng Chính phủ cho phép tổ chức hàng năm, nhằm tập hợp sáng kiến, cơ chế chính sách đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để cùng thực hiện, qua đó thúc đẩy Vùng ĐBSCL phát triển bền vững.
Qua 6 lần tổ chức với các chủ đề thiết thực và bức xúc trong phát triển Vùng ĐBSCL, MDEC đã có nhiều đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều chủ trương, giải pháp và chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của Vùng, nhất là trên các lĩnh vực về giao thông, giáo dục - đào tạo và dạy nghề, nông nghiệp, nông thôn, liên kết vùng…
MDEC năm nay tổ chức tại Vĩnh Long có điểm gì đặc biệt ?
MDEC năm nay gồm 6 sự kiện chính. Trong đó, điểm nhấn nổi bật là Hội nghị Xúc tiến đầu tư Vùng ĐBSCL và chương trình an sinh xã hội năm 2013, nhằm quảng bá, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh, cũng như nêu lên những hạn chế của Vùng; trao giấy chứng nhận đầu tư, chủ trương đầu tư, hợp đồng tín dụng; vận động và trao kinh phí an sinh xã hội để chăm lo cho người nghèo, các gia đình chính sách và những hộ bị thiên tai.
Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ còn phối hợp tổ chức nhiều sự kiện quan trọng khác, như họp trao đổi song phương giữa ngoại giao đoàn với lãnh đạo các tỉnh, thành phố trong Vùng; hội thảo về hoạt động tín dụng ngân hàng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội Vùng ĐBSCL; Diễn đàn Doanh nghiệp Vùng ĐBSCL, TP.HCM và Hà Nội; Hội thảo Liên kết phát triển các đô thị Vùng ĐBSCL theo hướng kinh tế xanh; Hội thảo Phát triển và nhân rộng mô hình sản xuất nông nghiệp xanh Vùng ĐBSCL; Hội nghị Trao đổi giữa UBND 13 tỉnh, thành phố Vùng ĐBSCL và TP.HCM (G13+1); Hội nghị Ban Chỉ đạo Diễn đàn.
Ngoài ra, trong khuôn khổ MDEC, còn diễn ra Triển lãm hội chợ “Tuần lễ môi trường xanh - công nghệ xanh - phát triển bền vững kinh tế xanh” vùng ĐBSCL với quy mô trên 500 gian hàng. Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp tổ chức các hoạt động trình diễn, kết nối cung - cầu công nghệ, đưa tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ phù hợp vào phục vụ phát triển kinh tế, xã hội Vùng ĐBSCL; Hội thảo Kết nối cung - cầu công nghệ ĐBSCL; Hội nghị Giám đốc các trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ toàn quốc tại tỉnh Vĩnh Long.
Ông có thể đánh giá về các dự án kêu gọi, xúc tiến đầu tư tại MDEC ?
Hơn 600 đại biểu dự Hội nghị Xúc tiến đầu tư được giới thiệu danh mục kêu gọi xúc tiến đầu tư, các dự án trọng điểm của Vùng để mời gọi đầu tư.
Cụ thể, toàn Vùng có 138 dự án trọng điểm kêu gọi đầu tư, với số vốn 416.000 tỷ đồng và 1,8 tỷ USD; trao 26 giấy chứng nhận đầu tư với tổng số tiền 6.985 tỷ đồng và 93,17 triệu USD; 5 dự án trao chủ trương đầu tư với tổng số tiền 2.168 tỷ đồng; ký kết hợp đồng tín dụng với số tiền 121,671 tỷ đồng. Riêng chương trình an sinh xã hội, đến nay, đã vận động được 650,185 triệu đồng.
Bích Liên