Thời sự
TP.HCM, Hà Nội là đầu tàu kéo doanh nghiệp ĐBSCL
Phú Khởi - 26/11/2013 14:46
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) một vùng đất giàu tiềm năng về sản xuất nông nghiệp, quyết định 90% sản lượng gạo, 70% sản lượng  thủy sản trong xuất khẩu, nhưng tốc độ phát triển của doanh nghiệp (DN) còn thấp, thu nhập của những người tham gia chuỗi giá trị xuất khẩu chưa cao. Vì thế, việc kết nối doanh nghiệp vùng ĐBSCL với doanh nghiệp ở hai thành phố lớn này sẽ tác động tương hỗ lẫn nhau. >>> Trao hàng chục giấy chứng nhận đầu tư vào ĐBSCL >>> Vĩnh Long cam kết cao nhất với nhà đầu tư  

Theo ông Võ Hùng Dũng, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ cho biết: Nông lâm thủy hải sản của vùng ĐBSCL chiếm ½ tổng sản lượng cả nước, thị trường bán lẻ chiếm 18-20%.

Tuy nhiên, thu hút đầu tư vào khu vực, nhất là vốn FDI còn thấp, chỉ bằng khoảng 8%, tín dụng cho cả vùng chỉ mới chiếm 10% so với cả nước. Cả vùng có hơn 51.000 DN nhưng hầu hết là DN vừa và nhỏ, siêu nhỏ, số lượng DN thành lập mới từ năm 2001-2010 chỉ tăng 9,5%, chỉ bằng một nửa tốc độ tăng trưởng của cả nước

Nguyên nhân chậm phát triển của cả vùng được xác định trước hết là cơ sở hạ tầng còn nhiều hạn chế, chưa đồng bộ, chẳn hạn như có 2 sân bay quốc tế là Cần Thơ, Phú Quốc nhưng chưa có chuyến bay quốc tế; có Cảng biển Phú Quốc, cảng tàu trọng tải lớn Cái Cui nhưng kết nối giao thương, luồng tàu, cửa sông chưa thông nên chưa phát huy được hiệu quả. Nguồn nhân lực tuy dồi dào nhưng lao động có tay nghề cao chưa đáp ứng yêu cầu…

Tại Diễn đàn DN trong khuôn khổ MDEC 2013 tại tỉnh Vĩnh Long, nhiều ý kiến đại biểu, chuyên gia kinh tế cho rằng: TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội được xem là “đầu tàu” của cả nước về mọi lĩnh vực, đây cũng là cửa ngõ, trung tâm kết nối giao thương trong cả nước và thế giới. Tại hai thành phố này có nhiều DN quy mô lớn, kinh doanh chuyên nghiệp, do đó việc kết nối DN trong vùng ĐBSCL với DN ở hai thành phố lớn sẽ có tính chất tương hỗ lẫn nhau.

ĐBSCL có lợi thế về vùng nguyên liệu, lao động dồi dào; DN ở hai thành phố lớn có thế mạnh trong phân phối, xuất khẩu. Việc liên kết chặt chẽ giữa DN trong vùng và DN hai thành phố lớn sẽ vực dậy được tiềm năng thế mạnh của nhau, cùng nhau phát triển. Sự liên kết này đã có nhiều điều kiện thuận lợi nhất là về mặt “hợp tác khung” đã được lãnh đạo 13 tỉnh, thành trong vùng ký kết cùng với hai thành phố lớn. Tại diễn đàn MDEC hàng năm cũng diễn ra hội nghị G13+1 nhằm đánh giá lại hoạt động hợp tác của khu vực với TP.Hồ Chí Minh.

Theo ông Đoàn Duy Khương, Phó Chủ tịch VCCI, việc liên kết DN trong vùng với DN ở hai thành phố lớn là Hồ Chí Minh và Hà Nội là một trong những giải pháp giúp DN trong khu vực xúc tiến thương mại mở rộng thị trường tìm đầu ra cho sản phẩm.

Để vực dây tiềm năng phát triển cho cả vùng thì cũng cần nhiều giải pháp khác như các địa phương phải làm gì để cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư đồng bộ cho cơ sở hạ tầng, hỗ trợ giáo dục đào tạo nghề cho lao động. DN cũng cần đổi mới nâng cao khả năng và liên doanh liên kết, chuẩn bị ứng phó với tình hình kinh doanh khi nước ta hội nhập sâu rộng với thị trường quốc tế.

Tin liên quan
Tin khác