Tổng vốn đầu tư ban đầu cho dự án phát triển chuỗi cửa hàng bán lẻ này khoảng 100 tỷ đồng, trong đó, Kido sẽ nắm 61% vốn để có quyền chi phối.
Là doanh nghiệp chi phối ngành hàng kem tại Việt Nam, ban lãnh đạo Kido đặt mục tiêu giữ vững vị trí này trong thời gian tới.
Dự án mở chuỗi bán lẻ lần này được dự đoán phục vụ cho ngành hàng kem của Kido bên cạnh các thức uống (trừ loại có gas) mà Kido đã hợp tác với Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) sản xuất, thông qua liên doanh Vibev (Vinamilk nắm 51% vốn).
Phía Kido hiện chưa cung cấp thêm thông tin nào về chuỗi cửa hàng bán lẻ, ngoài thông tin vừa gửi Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM.
Kem, thức uống không gas được dự đoán là 1 trong những sản phẩm Kido bán tại chuỗi cửa hàng bán lẻ (Ảnh: DNCC). |
Chia sẻ trong Báo cáo thường niên năm 2020 được cập nhật vào tháng trước, ông Trần Kim Thành, Chủ tịch HĐQT Kido cho rằng, ngoài những ngành hàng chủ lực như kem, dầu ăn, doanh nghiệp này sẽ đi theo hướng tạo nên hệ sinh thái danh mục các sản phẩm thông qua 2 trụ cột chính là thực phẩm thiết yếu với 450.000 điểm bán và thực phẩm đông lạnh với 120.000 điểm bán trên toàn quốc.
Theo đó, Kido sẽ tiếp tục theo dõi, nắm bắt nhanh chóng xu hướng thị trường, nghiên cứu và cho ra mắt thêm những sản phẩm mới theo xu hướng tiêu dùng mới.
Doanh nghiệp này đặt trọng tâm không chỉ quay lại mảng kinh doanh cốt lõi là bánh kẹo trước đây mà còn mở rộng mạnh mẽ sang các ngành hàng mới như ngành hàng ăn vặt (snacking), ngành hàng trung thu, ngành hàng bánh tươi, ngành hàng cà phê nhiều tiềm năng.
"Đặc biệt, sau gần một năm làm việc liên tục, liên doanh trong ngành hàng nước giải khát giữa KIDO và Vinamilk chính thức được thành lập và sẽ nhanh chóng đưa ra thị trường, phục vụ người tiêu dùng những sản phẩm nước giải khát không gas có lợi cho sức khoẻ như các loại nước từ hạt, trà thảo mộc,... trong năm 2021”, ông Trần Kim Thành chia sẻ.
Kido được kỳ vọng đạt doanh thu thuần 11.500 tỷ đồng cùng lợi nhuận trước thuế 800 tỷ đồng trong năm nay (tăng lần lượt 38,2% và 91,5% so với năm 2020).