Doanh nghiệp
Kido tái xuất với thương hiệu bánh trung thu Kingdom
Phan Hằng - 25/08/2020 08:17
Tái xuất trong mảng bánh kẹo, Công ty CP Tập đoàn Kido (mã CK: KDC) tung ra 4 triệu bánh trung thu thương hiệu Kingdom và không giấu tham vọng sớm giành lại vị trí top 2 trên thị trường.
Sản phẩm bánh trung thu Kingdom được sản xuất trên dây chuyền tự động, công nghệ sản xuất và đóng gói hiện đại cùng bí quyết tạo nên hương vị đặc biệt hấp dẫn.

4 triệu bánh trung thu Kingdom được tung ra thị trường

Quyết định quay lại mảng bánh kẹo sau 5 năm bán cho đối tác của Tập đoàn Kido đặc biệt thu hút sự quan tâm của thị trường, nhất là giới đầu tư. Đâu là nguyên nhân chính khiến Kido trở lại đường đua, vì sự hấp dẫn của thị trường hay vì lý do khác và lần tái xuất này của Kido có gì khác biệt?

Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư, ông Trần Lệ Nguyên, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Kido cho biết, ý tưởng quay lại mảng bánh kẹo của Kido được “kích hoạt” mạnh mẽ khi nhận được nhiều lời đề nghị cũng như kỳ vọng từ chính các cổ đông, đối tác và cả các nhà phân phối.

Ngay tại Đại hội đồng cổ đông năm 2019, các cổ đông đã đặc biệt quan tâm và đặt câu hỏi về khả năng quay lại sau khi cam kết không được tham gia thị trường bánh kẹo trong 5 năm theo thỏa thuận khi bán mảng này cho đối tác ngoại hết hiệu lực vào tháng 7/2020.

Bên cạnh đó, nhiều nhà đầu tư lớn, nắm giữ cổ phiếu nhiều năm cũng đề nghị Kido trở lại thị trường bánh kẹo. Các đối tác của Tập đoàn cũng sẵn sàng hợp tác phân phối sản phẩm của Kido, cho dù phải chịu sức ép từ các đối thủ khác.

“Nhận được sự ủng hộ này, chúng tôi tăng thêm ý chí và quyết định quay lại ngành bánh trung thu ngay trong năm 2020”, ông Nguyên chia sẻ.

Theo đó, bánh trung thu Kingdom sẽ được phân phối trên kênh hiện hữu của Kido. Đồng thời, Kido sẽ mở thêm hàng chục gian hàng bán bánh truyền thống và trên các kênh online như Grab Mart, Tiki, Lazada…; tận dụng ưu thế khách hàng lớn là các xí nghiệp, cơ quan, doanh nghiệp

Đáng chú ý, Kido đặt mục tiêu tiêu thụ 4 triệu bánh trung thu ngay trong mùa đầu tiên trở lại.

Một trong những điểm khác biệt của Kido trong lần tái xuất ở mảng bánh kẹo chính là đẩy mạnh hơn các sản phẩm bánh tươi, có biên lợi nhuận cao hơn bánh khô. Đồng thời, mức độ cạnh tranh trên thị trường bánh tươi chưa gay gắt, do không nhiều doanh nghiệp có được sự am hiểu thị trường, nghiên cứu và phát triển sản phẩm, công nghệ, kỹ thuật về bảo quản thực phẩm. Hơn nữa, các sản phẩm ngoại nhập cũng khó cạnh tranh trong mảng này, do hàng tươi không thể vận chuyển xa, dài ngày.

Ngoài ra, Kido còn đưa ra nhiều sản phẩm khác biệt, như bánh ngọt làm bằng bột khoai tây…, mục tiêu chính vẫn là hướng đến các thị trường có quy mô lớn, nhu cầu cao; sản phẩm có giá cả phù hợp để mọi người tiêu dùng đều có thể tiếp cận được.

“Chúng tôi chỉ bán những sản phẩm khác biệt, hương vị riêng”, ông Nguyên nói.

Khoảng 4 triệu chiếc bánh trung thu Kingdom sẽ được Kido đưa ra thị trường trong mùa Trung thu 2020.

Tự tin trong top 2 thị trường bánh kẹo từ năm 2021

Để bắt đầu một ngành hàng mới, doanh nghiệp cần rất nhiều thời gian để nghiên cứu, xây dựng chiến lược thâm nhập thị trường và thường gặp không ít áp lực vì chi phí đầu tư ban đầu rất lớn. Điều này càng thể hiện rõ trong lĩnh vực tiêu dùng bán lẻ, vốn rất cần hệ thống phân phối sâu rộng, cả kênh truyền thống lẫn hiện đại, chưa kể đến việc phải am hiểu nhu cầu, khẩu vị của người tiêu dùng… Đó là lý do nhiều tập đoàn nước ngoài muốn thâm nhập nhanh vào thị trường Việt Nam thường nhắm đến các doanh nghiệp nội địa sở hữu những đặc điểm trên để thực hiện mua bán, sáp nhập (M&A).

Đối với Tập đoàn Kido, việc quay trở lại thị trường bánh kẹo không gặp nhiều áp lực, bởi Kido từng là doanh nghiệp dẫn đầu ngành bánh kẹo, có kinh nghiệm hàng chục năm trong ngành và nắm giữ thị phần số 1 trên thị trường bánh trung thu.

Là một trong những doanh nhân tiên phong trong ngành bánh kẹo Việt Nam, ông Nguyên kể rằng, những năm 1990, bánh kẹo, snack của Thái Lan, Malaysia nhập về Việt Nam rất nhiều, lấn át các sản phẩm thương hiệu Việt Nam. Chứng kiến điều này, ông đã suy nghĩ về việc sản xuất ra những sản phẩm thay thế được hàng ngoại nhập. Nhưng thời đó, bánh trung thu được sản xuất, đóng gói thủ công, phải gần đến Trung thu, người dân mới có thể mua bánh để ăn vì bánh không thể bảo quản lâu được.

Thông qua nhiều hiệp hội và giao lưu với doanh nghiệp các nước trong khu vực, đáng nhớ nhất là chuyến tham quan một doanh nghiệp trong ngành thực phẩm tại Nhật Bản, ông Nguyên được tạo điều kiện để tìm hiểu nhà máy, được chia sẻ về công nghệ bảo quản, công nghệ làm bao bì để giữ được thực phẩm tươi ngon nhất trong thời gian dài hơn.

“Khi trở về, tôi đã thay đổi hoàn toàn. Chúng tôi làm cả bánh tươi để cung cấp ra thị trường. Nhờ công nghệ hiện đại, dây chuyền tự động, kỹ thuật đóng gói bao bì, sản phẩm đảm bảo được chất lượng, bảo quản lâu”, ông Nguyên kể.

Toàn bộ kinh nghiệm, kỹ thuật này đều được lưu giữ, cộng thêm vị thế vững chắc hiện hữu, Kido đầy tự tin khi quay trở lại mảng bánh kẹo sau 5 năm bán cho đối tác ngoại.

Ông Nguyên cho biết, nếu không có Covid-19, sản lượng bánh trung thu đưa ra thị trường có thể tăng lên gấp đôi. Mục tiêu của Kido là giữ vị trí thứ 2 trong ngành bánh kẹo tại Việt Nam từ năm 2021.

Khẳng định vị thế hàng đầu ngành thực phẩm

Trong 5 năm qua, Kido đã xây dựng hình ảnh là doanh nghiệp dẫn đầu trong ngành thực phẩm thiết yếu, với 2 mảng chính đang ghi nhận thành tựu đáng nể là dầu ăn và ngành lạnh.

Trong đó, ngành lạnh do công ty con là Công ty cổ phần Thực phẩm đông lạnh Kido (KDF) đảm trách liên tục giữ thị phần số 1 trên thị trường, hiện nắm giữ hơn 41% thị phần. Với việc thấu hiểu người tiêu dùng, bộ phận nghiên cứu của KDF luôn biết cách đưa ra những hương vị phù hợp theo xu hướng kết hợp với vị truyền thống để thu hút khách.

Sản phẩm mới của KDF là kem trà sữa trân châu đường đen đang khuấy đảo thị trường. Dự kiến, KDF tiếp tục tung ra nhiều vị kem mới được giới trẻ ưa thích như kem vị phô mai nhân trân châu hoàng kim; kem phô mai nhân dâu tây tươi… Ưu điểm của KDF chính là linh hoạt sản xuất các sản phẩm phù hợp với xu hướng người tiêu dùng, trong khi với các tập đoàn đa quốc gia, việc đưa ra sản phẩm mới cần một quy trình đồng bộ ở các thị trường, nên sẽ mất nhiều thời gian hơn hơn.

Với dầu ăn, việc sở hữu công ty chuyên phân phối nguyên liệu dầu ăn Vocarimex (mã chứng khoán: VOC) và công ty sản xuất dầu ăn với thương hiệu định vị rõ trong lòng người tiêu dùng Tường An (mã chứng khoán: TAC) cũng giúp Tập đoàn Kido nắm thị phần số 2 trong ngành.

Cùng với dầu ăn và ngành lạnh, việc tái xuất trong ngành bánh kẹo sẽ giúp Kido nhanh chóng đạt mục tiêu doanh số 10.000 tỷ đồng.

Chiến lược cộng hưởng lợi thế cạnh tranh

KDC đang thực hiện kế hoạch M&A các công ty con vào tập đoàn mẹ, mục tiêu là để gia tăng quy mô, tận dụng năng lực tài chính và quản trị hiệu quả. Điều này được dự đoán sẽ giúp Kido thu hút mạnh dòng vốn đầu tư trong và ngoài nước.

Mới đây, thương vụ liên doanh giữa Kido và “ông lớn” Vinamilk để thành lập một doanh nghiệp hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực nước giải khát và kem được giới đầu tư đánh giá sẽ cộng hưởng nhiều lợi thế cạnh tranh vượt trội của hai bên, từ tài chính đến nghiên cứu sản phẩm và đặc biệt là kênh phân phối lên đến 1 triệu điểm bán hàng.
Tin liên quan
Tin khác