| ||
Ông Lê Quang Hùng Cục giám định Nhà nước về Chất lượng công trình (Bộ Xây dựng) |
Theo Cục trưởng Cục giám định Nhà nước về Chất lượng công trình Lê Quang Hùng, yêu cầu này xuất phát từ những sự cố và nguy cơ về chất lượng công trình trong mùa mưa bão thời gian gần đây.
Sự cố đổ cột thu phát sóng Nam Định cuối tháng 10 năm ngoái, sự cố đổ cột thu phát sóng Quảng Bình vừa qua chỉ là ví dụ cụ thể. Theo ông Hùng, kết cấu dạng tháp càng cao xây dựng trong các vùng dân cư nếu đổ sập xuống thì càng gây tai họa rất nặng nề.
Thông tin từ Bộ Xây dựng cho biết, số lượng các công trình kết cấu dạng tháp của cả nước có thể tính lên hàng trăm.
Hầu hết các công trình đều có độ cao trên dưới 100 m và nằm trong khu vực dân cư, nguy cơ nguy hiểm nếu chất lượng không đảm bảo. Những đô thị lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh có 4 – 5 công trình.
Các công trình kết cấu dạng tháp nếu xảy ra sự cố đổ, sập có thể là không thiết đúng với tải trọng gió tự nhiên, thứ hai là thi công không đáp ứng yêu cầu thiết kế hoặc trong quá trình vận hành lại đặt thêm tải trọng hoặc cũng có thể công trình không được bảo hành, bảo trì thường xuyên, không siết lại bulong cho chặt, dẫn đến xộc xệch cũng có thể ảnh hưởng an toàn của công trình...
| ||
Hầu hết các công trình đều có độ cao trên dưới 100 m và nằm trong khu vực dân cư, nguy cơ nguy hiểm nếu chất lượng không đảm bảo. |
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng, công trình kết cấu dạng tháp ở Việt Nam có hai dạng, một là được mua từ nước ngoài về lắp ráp, hai là gia công, lắp đặt trong nước. Có một số công ty trong nước chuyên nghiệp về lĩnh vực này. Tuy nhiên mối lo lắng hiện nay là không biết bao nhiêu % các công trình có kết cấu dạng tháp trên 100m có thiết kế an toàn đối với gió cấp 12,13 trở lên.
“An toàn hay không thì phải có kiểm định, nhưng thực tế là từ trước tới nay chúng ta chưa tiến hành kiểm định định kỳ đánh giá độ an toàn của kết cấu dạng tháp trong quá trình sử dụng”, Cục trưởng Cục giám định Nhà nước (Bộ Xây dựng) cho biết.
Việc kiểm định các công trình cao tầng nói chung, các tòa tháp cao trên 100m nói riêng là cần thiết, nhưng cũng không thể không đặt câu hỏi, bây giờ liệu có muộn để làm việc này? Khi kiểm định xong, vi phạm (nếu có) sẽ xử lý như thế nào?
Nhìn vào thực tiễn nhiều vụ đi "cắt ngọn" công trình những năm qua, hẳn là việc xử lý những vi phạm ở các tòa tháp nếu phát hiện được sẽ không dễ dàng.
Quan trọng hơn, xử lý có giúp ngăn chặn được nguy hiểm hay không?
Quang Hưng