Số liệu mới nhất được NHNN nhà nước đưa ra, đến nay tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản đã được kiểm soát ở mức hợp lý khi chiếm 32,12% tổng dư nợ cho vay lĩnh vực bất động sản, tăng 8,11% so với cuối năm 2018.
Tín dụng phục vụ tiêu dùng bất động sản đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng khi chiếm 67,88% dư nợ cho vay lĩnh vực này, tăng 25,69% so với cuối năm 2018.
Thời gian qua để hỗ trợ thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, trong điều hành tín dụng, NHNN đã thực hiện nhiều giải pháp kiểm soát tín dụng để hạn chế rủi ro đối với lĩnh vực này, đặc biệt là kiểm soát tín dụng đối với các dự án phân khúc cao cấp, bất động sản du lịch nghỉ dưỡng, hướng dòng vốn vào nhu cầu thực.
Theo đó, NHNN đã quy định các giới hạn, tỷlệ bảo đảm an toàn trong hoạt động ngân hàng theo hướng giảm dần tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn từ 60% giảm dần về 40% hiện nay và xuống 37% vào đầu tháng 10/2020 sau đó tiếp tục giảm dần về 30%.
Đồng thời, theo quy định của Thông tư 22/2029/TT-NHNN áp dụng hệ số rủi ro cao hơn đối với các khoản vay mua nhà có giá trị lớn lên 150-200%, nhằm hướng dòng vốn tín dụng vào phân khúc nhà ở trung bình, nhà ở thương mại giá rẻ, nhà ở xã hội.
NHNN cũng yêu các tổ chức tín dụng kiểm soát, giám sát chặt chẽ việc cấp tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, mức độ tập trung tín dụng vào một số khách hàng, nhóm khách hàng lớn, các dự án có quy mô lớn, phân khúc cao cấp, biệt thự, nghỉ dưỡng.
Chỉ xem xét cấp tín dụng đối với các dự án, phương án vay vốn khả thi, bảo đảm tính pháp lý, khách hàng có khả năng trả nợ đầy đủ và đúng hạn. Các ngân hàng thương mại thận trọng xem xét cho vay góp vốn đầu tư kinh doanh bất động sản, nhà đầu tư thứ cấp…
NHNN cũng chỉ đạo NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố theo dõi, nắm bắt tình hình thị trường bất động sản và việc cấp tín dụng của các tổ chức tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản trên địa bàn, đặc biệt tại tỉnh, thành phố, các khu vực có hiện tượng sốt đất.
Tuy nhiên mới đây, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) vừa có văn bản kiến nghị Chính phủ hoàn thiện chính sách, pháp luật và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bất động sản.
Theo VNREA, tình hình nửa cuối năm 2019 và đầu năm 2020, thị trường bất dộng sản gặp những khó khăn nhất định và có dấu hiệu giảm sút mạnh, ảnh hưởng đến nhiều ngành, nghề khác. Ngay doanh nghiệp lớn có thương hiệu trên thị trường cũng đứng trước nguy cơ phá sản, nhất là khi tình trạng mất thanh khoản tại nhiều dự án kéo dài và việc triển khai dự án mới gặp nhiều khó khăn.
Do đó, VNREA kiến nghị Chính phủ và các bộ ngành có biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh du lịch bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Bởi, thời gian qua, tình hình dịch bệnh đã dẫn đến bức tranh ảm đạm của ngành du lịch nói chung và lưu trú khách sạn, gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh các sản phẩm căn hộ du lịch, biệt thự du lịch… của tất cả doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này.
Theo đó, VNREA thay mặt các doanh nghiệp kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành triển khai giải pháp cấp bách hỗ trợ doanh nghiẹp, đặc biệt tập trung vào các giải pháp về tín dụng và thuế.
Cụ thể, kiến nghị ngành ngân hàng có phương án giảm lãi suất đối với hợp đồng vay đầu tư cho dự án kinh doanh các sản phẩm căn hộ du lịch, biệt thự du lịch, văn phòng kết hợp lưu trú… Như giảm 50% lãi suất trong thời gian diễn ra dịch và 30% lãi suất cho thời gian 1 năm sau khi dịch bệnh được kiểm soát; xem xét cơ cấu thời hạn trả nợ, hoãn, giãn nợ cho doanh nghiệp…