Tại buổi họp báo thường kỳ quý III diễn ra chiều ngày 14/10, ông Lê Văn Thành, Chánh Văn phòng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, do chịu ảnh hưởng lớn của bệnh dịch tả lợn châu Phi dẫn đến sản lượng thịt lợn giảm 8% so với tổng sản lượng trong năm 2019 tương đương 5,5 triệu con, giá trị sản xuất giảm 0,6%.
Cũng theo ông Thành, với sự quan tâm, chỉ đạo rất cụ thể, sát sao Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương, công tác phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi đã phát huy hiệu quả, dịch bệnh có xu hướng giảm trong 4 tháng qua, góp phần quan trọng để kiểm soát dịch bệnh, duy trì sản xuất chăn nuôi lợn.
Bổ sung thông tin cụ thể về tình hình dịch bệnh và nguồn cung ứng thực phẩm cuối năm, ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục chăn nuôi cho biết, vừa qua Cục đã yêu cầu các địa phương gửi báo cáo thống kê số lượng đầu lợn.
Tính đến ngày 31/8, đã có 56 tỉnh gửi báo cáo với tổng đầu lợn đạt 22 triệu con trong đó còn 2,7 triệu con nái và 110 con cụ kị. "Vẫn còn 7 tỉnh nữa chưa gửi báo cáo thống kê. Chúng tôi ước tính tổng đàn lợn cả nước đạt khoảng 24 - 25 triệu con. Do vậy, ngành chăn nuôi hoàn toàn chủ động được nguồn cung cho dịp Tết", ông Trọng cho biết.
Buổi họp báo thường kỳ quý III của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. |
Phát biểu kết luận, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, thời gian qua Bộ đã có những động thái quyết liệt để phòng chống dịch tả lợn châu Phi trong đó có 60 văn bản chỉ đạo.
"Với mật độ chăn nuôi dày đặc kèm theo khí hậu nóng ẩm, nếu không quyết liệt ngay từ đầu, chắc chắn ngành chăn nuôi lợn không đạt được kết quả như bây giờ. Hiện nay, Việt Nam có 30 vùng an toàn dịch bệnh", Thứ trưởng Tiến nhận định.
Trong thời gian tới, cùng với việc, duy trình sản xuất chăn nuôi an toàn sinh học, Bộ cũng sẽ thúc đẩy việc chuyển đổi, gia tăng sản xuất chăn nuôi gia cầm, gia súc lớn, thủy sản... để đáp ứng thực phẩm thay thế thịt lợn.
Đồng thời, Bộ tiếp tục theo dõi, bám sát cung, cầu sản phẩm chăn nuôi, chỉ đạo sát phương án sản xuất kinh doanh bảo đảm đủ nguồn cung cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu, nhất là trong dịp Tết.
Bộ sẽ hướng dẫn doanh nghiệp tổ chức xây dựng và thực hiện các đề án về chuỗi sản xuất thịt heo, thịt gà an toàn dịch bệnh và triển khai giải pháp nhằm hạn chế tăng giá thức ăn chăn nuôi, giá nguyên liệu vật tư đầu vào cho sản xuất.