Phát biểu khai mạc tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh cho biết, ngành chăn nuôi, trong đó có chăn nuôi lợn giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế nông nghiệp tại Việt Nam. Tính đến đầu năm 2019, Việt Nam có tổng đàn lợn khoảng 32 triệu con, đứng đầu ASEAN và thứ 2 châu Á.
Toàn cảnh buổi tọa đàm giữa Việt Nam và Hà Lan về kinh nghiệm phòng chống Dịch tả lợn châu Phi |
Chăn nuôi lợn đã dần hình thành chuỗi giá trị. Tuy nhiên, cũng đứng trước nhiều nguy cơ dịch bệnh. Đặc biệt, từ tháng 2/2019 đến nay, chăn nuôi lợn chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của bệnh dịch tả lợn châu Phi. Tính đến nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã khiến 4 triệu con lợn buộc phải tiêu huỷ.
Theo Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, việc hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm trong phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi là rất cần thiết trong bối cảnh dịch bệnh vẫn chưa được khống chế hoàn toàn. Và kinh nghiệm phòng, chống dịch bệnh động vật của Hà Lan sẽ rất hữu ích đối với Việt Nam.
Thông tin tại toạ đàm, bà Christianne Bruschke,Trưởng đại diện Cơ quan Thú y Hà Lan cho biết, Hà Lan có tổng số 130 triệu động vật nuôi. Trong đó, có khoảng 12,6 triệu con lợn. Hà Lan không nuôi thả vườn làm kinh doanh. Thay vào đó là tập trung phát triển chăn nuôi lợn tại trang trại.
Các chính sách thú y ở Hà Lan hướng tới việc bảo vệ sức khoẻ con người và động vật; hướng ngành chăn nuôi phát triển bền vững, nhưng vẫn bảo đảm mang lại lợi nhuận; thương mại an toàn và có trách nhiệm quốc tế. “Ở Hà Lan, người nông dân phải chịu trách nhiệm chính về sức khoẻ động vật. Các bộ ngành đưa ra các quy định, tạo điều kiện thuận lợi cho ngành chăn nuôi phát triển và kiểm soát một số bệnh truyền nhiễm, trong đó có bệnh dịch tả lợn châu Phi” – bà Bruschke cho hay.
Theo bà Bruschke, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại châu Phi trong hai năm 1997 – 1998, khiến hàng chục triệu con lợn tại 1.629 trang trại bị tiêu huỷ, gây thiệt hại nặng nề về kinh tế. Tuy nhiên, dịch bệnh sau đó được kiểm soát và không bùng phát từ thời điểm đó cho tới nay.
Kinh nghiệm của Hà Lan được bà Bruschke chỉ ra là khi có sự xâm nhập dịch bệnh tả lợn, đóng cửa quốc gia 72 giờ để thu thập thông tin về tình hình dịch tễ, thông tin mầm bệnh, giảm nguy cơ lây lan… Bảo đảm trong 72 giờ không có giết mổ, vận chuyển, lây lan thêm dịch bệnh…
Đặc biệt, Hà Lan tổ chức tiêu huỷ phòng ngừa tại các trang trại trong bán kính 1 km từ vùng ổ dịch, để bảo đảm an toàn cách ly. Dẫn chứng là khi bệnh dịch tả lợn ở Hà Lan năm 1997 xuất hiện, Chính phủ nước này đã tiêu huỷ lợn bệnh tại 429 trang trại bị nhiễm. Ngoài ra, lợn tại hơn 1.200 trang trại bị tiêu huỷ phòng ngừa (chỉ khi tiêu huỷ cách ổ dịch 1 km thì mới ngăn ngừa được).
“Kinh nghiệm trong phòng chống dịch tả lợn là cần có sự hợp tác với các bên liên quan (doanh nghiệp, Chính phủ, viện nghiên cứu). Sửa đổi chính sách kiểm soát khi có thay đổi trong thái độ, nhận thức của xã hội và điều kiện kỹ thuật cho phép. Hợp đồng với các ngành công nghiệp để phát triển vaccine”. bà Bruschke nói.